Sáng nay 30.09, ở Đồ Sơn, Hải Phòng, Hội nhà văn Việt Nam (chắc chắn đã được sự cho phép của chính quyền) tổ chức "Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành-lần thứ nhất".
Theo vài người bạn mà tôi chơi có tham dự, người đủ "tiêu chuẩn" được mời đều thuộc tuổi do cụ Đỗ Phủ quy định, nhân sinh thất thập. Tuổi ấy nhìn chung già, có già thì mới được xem là lão thành.
Người viết văn từ thời chống Pháp nếu còn sống thì chỉ thở cũng đã kỳ công, vậy nên chẳng mấy ai tới. Ngay cả những cụ viết từ hồi đánh Mỹ, trong số 300 người dự, có khi chỉ vài chục. Số còn lại, tuy lão nhưng chủ yếu chỉ thành trong hòa bình, tác phẩm thiên hạ không biết đến, chỉ trong giới trong nhà ngâm ngợi với nhau vui là chính. Còn họ và tác phẩm thơ văn của họ có phục vụ cho đất nước, dân tộc, nhân dân không, nói thật, nhà cháu rất nghi ngờ.
Chả hiểu sao, hội nghị lại là "đại biểu nhà văn lão thành". Nhà thơ nhà văn thường tự kỷ, cái tôi to bằng giời, đâu khiến ai làm đại biểu, thay mặt mình. Giới cầm bút viết văn đã ngoài 70 ở xứ này, còn mấy người nữa, mà hội không chân tình thực tâm mời cho hết, lại "đại biểu" làm chi cho buồn lòng văn hữu.
Nếu tổ chức hội nghị để gặp gỡ, vui chơi, tặng quà dối già, kính lão đắc thọ thì cũng xuê xoa cho xong. Nhưng nếu để biết ơn, ghi công, uống nước nhớ nguồn thì sự cố ý bỏ qua, lờ đi không mời những nhà văn còn sống còn khỏe thực sự có công, có đóng góp to lớn với đất nước, nhân dân, với nền "văn học cách mạng" thì rất đáng chê trách ông chủ tịch Hội Nhà văn, ban tổ chức, và những người đã chỉ đạo, xét duyệt việc này.
Như cụ Nguyên Ngọc đại lão thành, công hãn mã từ thời đánh Pháp. Cụ Nguyễn Duy lão thành của lão thành, công đặc biệt thời đánh Mỹ (đâu như cái anh kia kể công từng vào giải phóng Sài Gòn). Như các nhà văn nhà thơ nữ Ý Nhi, Ngô Thị Kim Cúc... Đây là hội nghị gặp gỡ nhà văn già chứ đâu phải đại hội nhà văn quốc doanh mà phải đòi chuẩn hội viên.
Nếu "đối tượng chính sách" được mời nhưng vì lý do gì đó không đi (già yếu, không có tiền đi lại, không muốn đi) đã đành một nhẽ. Nhưng tôi biết có những lão thành (cả văn lẫn tuổi) không được mời, bị cố ý quên.
Sự chấp nê, nhỏ nhen, quỵ lụy chính trị nằm ở giới văn nghệ quả là điều đáng buồn.
Đó là chưa nói, đưa một anh trẻ "danh" ra đọc giấy do người khác viết để dạy người cầm bút lão làng ngoài 70, sự ấy chỉ có ở xứ này... và Triều Tiên.
Không đi không biết Đồ Sơn/Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà, là vậy.
NGUYỄN THÔNG 30.09.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.