dimanche 10 septembre 2023

Mai Quốc Ấn - Cần đánh giá lại về ông Nguyễn Phú Trọng

 

Không “liền núi, liền sông” lẫn chẳng cần là “láng giềng tốt, đồng chí tốt” mà Mỹ và Việt Nam vẫn thành đối tác chiến lược toàn diện!

Có lẽ cần đánh giá lại về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi song song với cuộc đốt lò thì ông đã đặt những nền móng ngoại giao để Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ chưa thành khi ông ấy đang gặp Tổng Thống Obama. Ở thời Tổng thống Trump, khái niệm đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ khó mà thành vì ông Trump tập trung cho “sự vĩ đại trở lại cho nước Mỹ”.

Và đến khi Tổng thống Biden sang thăm Việt Nam thì dấu chấm trên chữ i đã xuất hiện.

Trước đó là các làn sóng các doanh nghiệp lớn của Mỹ ồ ạt rời Trung Quốc và không ít trong số đó sang Việt Nam.

Đứng trên bình diện chính trị vĩ mô thì ông Nguyễn Phú Trọng đã làm khá tốt hai việc mà người dân quan tâm:

1- Xử lý tham nhũng.

2- Nâng vị thế của Việt Nam trước quốc tế.

Thể chế Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh mẽ và có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự ảnh hưởng lớn đến Việt Nam gồm EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Nga.

EU là thế lực lâu đời và là thị trường chất lượng. Việc ký kết EVFTA khiến Việt Nam buộc phải tuân thủ các ràng buộc mang tính quốc tế với yêu cầu cao. Mỹ tương tự, và về mặt nào đó, sự hiện diện quân sự của họ trên diện rộng (ví dụ ở Biển Đông) là lời đảm bảo tốt nhất rằng “đường chín đoạn” vô giá trị.

Nhật là chủ nợ ODA lớn nhất của nước ta là một đối tác “lành tính” lẫn chất lượng.

Trung Quốc - có lẽ không cần bàn thêm về độ bành trướng của họ hiện nay, khi mà cả ngàn năm qua người Việt đã ghi vào trong gène của mình tội ác của bao lần xâm lược trước kia, lẫn kinh nghiệm đau thương về “bẫy nợ” Tàu.

Nga ! Có lẽ từ lần hạm đội của họ tại Cam Ranh từ chối cứu các đồng chí người Việt bị Trung Quốc cưỡng chiếm đảo và thảm sát, thì độ sâu về ngoại giao đã khác. (Dẫu Việt Nam mua vũ khí của Nga khá nhiều.)

Quay trở lại với quan hệ Việt-Mỹ. Ngoài các yếu tố giao thương thì có lẽ các loại vũ khí của Mỹ sẽ vô cùng hữu dụng, và có tính răn đe cho kẻ tham ác nào đó muốn độc chiếm Biển Đông. Tính răn đe đó chỉ có thể xuất hiện khi Mỹ chuyển giao vũ khí cho đối tác chiến lược toàn diện.

Những nước cờ chính trị rất thâm sâu!

Tôi không đánh giá cao các hoạt động chống tham nhũng trong nước bằng việc Việt Nam thành đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ. Nội tại xã hội Việt Nam vẫn xoay quanh vấn đề cải cách thể chế, và điều này chưa thấy qua hiệu quả các Luật được ban hành. Ví dụ: Luật Trưng cầu dân ý sau 7 năm vẫn… chưa lấy ý dân lần nào.

Kể cả lần trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ!

Dẫu sao, vẫn nên nhìn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng một đánh giá mới mẻ hơn. Nếu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm được câu chuyện bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, thì ông Nguyễn Phú Trọng đã góp phần (cùng Bộ Chính trị) khiến Việt Nam thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.

Ngoài ấm nhưng trong chưa êm. Giai cấp công nông Việt Nam vẫn đang sống thiếu thốn. Hy vọng của cú hích quan hệ bang giao này sẽ góp phần thay đổi xã hội đất nước.

P/s: Có lẽ hôm nay Tập đại đế nơi Bắc phương sẽ khó ngủ chăng?

MAI QUỐC ẤN 10.09.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.