lundi 9 janvier 2023

Lê Hồng Anh - Duy ý chí

 

Mới sáng Chủ nhật 08/01 – chỉ còn 2 tuần nữa là Tết, mở trang web lại thấy bắt đầu có thông tin…như cũ về vụ bé Hạo Nam. Tính từ thứ Bảy tuần trước khi bé gặp nạn trong tình huống cực kỳ hi hữu, chắc còn lâu lắm mới có thể lặp lại, thì đã là ngày thứ 9 bé rời cõi tạm ngắn ngủi này.

Dân mạng đã bàn nhiều về chuyện đó, thậm chí ông “vỉa hè” tử tế Đoàn Ngọc Hải cũng có ý kiến chia sẻ những quan điểm “bất ổn” khi giải cứu, nhưng điều mình quan tâm là bài viết tả về những phút đầu tiên do người cố cứu bé đầu tiên kể lại: anh Đoàn Tuấn Em!

Vậy chuyện Duy ý chí có liên quan gì ở đây đâu nhỉ?

Sự việc trên đời không có gì là độc lập tuyệt đối. Chính bạn hôm nay dù giàu hay nghèo, đang trong nhà tù nhỏ hay lớn…đều có nguyên nhân sâu dù xa, đều có thể là một phần “quả” của hành động một ai đó thậm chí cách hàng trăm năm trước. Nhưng quay về chuyện Duy ý chí, một khái niệm được biết đến ở ta gần khoảng nửa thế kỷ (thời đầu đổi mới - không còn nhớ có phải từ ông Nguyễn Văn Linh công bố trên đại hội đảng hay không?), tương đương với “Voluntasist” trong tiếng Anh.

Đây mới chính là khái niệm xã hội thể hiện cho “Duy tâm-Indealist”, là đối trọng với “Duy vật-materialist” mà triết học biện chứng Mác-Lê tách ra như hai khái niệm đối lập, trong khi thực chất chúng lại luôn đồng hành trong tư tưởng và hành động con người. Việc tách chúng ta là một sai lầm cơ bản về lý luận, bởi như ta thấy, chủ nghĩa tư bản bị ta kết tội là theo chủ thuyết “duy tâm” nhưng chính nó mới tồn tại và vận động dựa trên các quy luật về duy vật, còn chủ nghĩa cộng sản thì ngược lại. Khi ta còn chưa chính danh thừa nhận điều này – tức tự xưng theo duy vật nhưng hành xử lại duy tâm - duy ý chí – thì sẽ mãi không thoát nổi cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” trong tư tưởng và dòng chảy văn minh.

Khi nhận ra bài học duy ý chí từ gần nửa thế kỷ trước, nhưng ở xứ ta không có hành động đáng kể nào để thoát khỏi nó ngoài điều định hướng mập mờ cho kinh tế thị trường. Cụ thể giới hạn nói ở đây là nền giáo dục ngày càng xuống cấp, điều mà dân thường luôn thấy và nói đến, nhưng giới “tinh hoa” quyền lực lại như vô tình! Còn trong giáo dục, kiến thức dạy cho mọi người từ nhỏ đến lớn đều ít dính dáng đến kỹ năng sống mà chủ yếu là sự “ngoan ngoãn” có định hướng. Đến khi xảy ra chuyện, không chỉ với bé Hạo Nam mà còn nhan nhản sự việc xưa nay, đều chủ yếu là “đáng tiếc”, để lại hô hào đùm bọc và thương tiếc, lấy lá bọc nhau…

Nhưng nói nhiều cũng chẳng ý nghĩa gì, vì thế chỉ cần gói gọn:

- Người cứu hộ đầu tiên là một công nhân, anh Đoàn Tuấn Em, hoàn toàn không có khái niệm gì về quy trình cứu nạn tối thiểu. Đơn giản nhất là khi thả dây xuống cứu bé đã không nhắc gì đến việc phải thắt nút đầu dưới dây thừng thành ít nhất 2-3 đoạn, với nấc thừng càng to càng tốt đến vừa tay nắm. Với bàn tay một đứa bé chỉ cần thắt 2 lần nút tại 2 chỗ cách nhau gần 1 tấc, tương đương 2 nắm tay liền nhau, bởi xa quá dễ bị tay nặng tay nhẹ, gần quá chúng ảnh hưởng đến sức nắm! Nắm cái dây trơn thì mất sức cực nhanh để giữ sức nặng chính mình! Nếu có nút thì chỉ cần quấn một vòng dây phía trên quanh cổ tay là đủ treo người không tốn sức.

- Việc kế tiếp nữa là nói ngay xuống cho bé cách giữ gìn nguyên trạng được lâu nhất. Giọng nói không được lớn vì nó cộng hưởng trong ống hẹp có thể khiến người nghe ù tai choáng ngất, thứ hai là không hỏi han nhiều để tránh bé nói nhiều, hoảng hốt dẫn đến thở mạnh nhanh hết dưỡng khí trong ống hẹp…

- Cái quan trọng là không cố kéo bé lên lập tức và thật mạnh, mà chỉ cần bé bình tĩnh nắm các mối thừng để giữ im, giữ dây đủ căng và nói bé nhích lên thử xem được không. Lôi khó vì ma sát với ống thì rơi tiếp cũng khó vậy, chỉ cần lực giữ nhẹ để treo nguyên chỗ là được.

- Cần nắm ngay tình hình bé đang giơ cả hai tay lên hay một tay, trên người có chỗ nào đau rát quá thì khuyên bé chịu đựng cái đau để dễ được cứu thoát. Khi có bình oxy đến thì quan trọng nhất là theo độ sâu dây thừng để thả dây oxy xuống. Khi người cha đến thì quan trọng là an ủi cho em yên tâm chứ không cần cuống lên như trời đang sập!

- Chúng ta có số cứu hỏa và lẽ ra cũng phải kèm cứu hộ, gọi ngay số cứu hỏa để có chuyên gia cứu hộ tư vấn những điều cần làm trước và sau. Nhưng tiếc là ai đụng chuyện cũng dùng ngay kinh nghiệm bản thân, nếu kinh nghiệm sai hay thậm chí không có là…xong.

Với cái phễu hình thành trên miệng hố cọc âm, chắc chắn nhiều đất đã rơi xuống lỗ và nó đã không thể sâu đến đủ 35 mét được. Thể tích đất tụt xuống do mưa và xe thi công rung lắc cũng có thể đã lấp đến phân nửa lòng lỗ cọc. Đã có thể việc cứu bé không quá khó, nhưng hành động nhổ cọc lập tức có thể đã dẫn đến nứt hở mối nối với cọc thứ hai làm cho nước ngầm thấm rỉ vào lòng ống!

Chúng ta đã không chỉ duy ý chí tiếp tục ở giáo dục mà còn cả cách đối xử trong chính sách & pháp luật. Sợ mất quyền lơi mà cứ duy trì những “bất ổn” trong cả Hiến pháp và Luật lệ, dẫn đến cả hệ thống luật cuối cùng phải trông chờ vào một cái lò với người đốt lò không còn nhiều quỹ thời gian ! Khi dùng chỉ một định hướng cho rất nhiều cái xe thì không kẹt đường mới là hi hữu.

Những kỹ năng cứu hộ này tình cờ biết khi học Liên Xô xưa, có một sách mỏng tham khảo (không thi) về kỹ năng khi gặp nạn hay phải làm Robinson tạm thời. Nói chung giáo dục ở Liên Xô xưa cũng có cái khá hơn ta tuy chỉ nửa vời, chắc do ta học và bắt chước không đến nơi đến chốn thì càng lơ lửng mà thôi!

LÊ HỒNG ANH 08.01.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.