lundi 2 mars 2020

Cù Mai Công - Người ta đấu tố cả « bần nông »


NGƯỜI TA ĐẤU TỐ CẢ "BẦN NÔNG" - THẦY GIÁO NGHÈO, CẢ TÌNH NGHĨA CHIA SẺ QUÊ NGHÈO

Cách đây gần 20 năm, có hai cô giáo già, về hưu, dạy một lớp bổ túc (giáo dục thường xuyên) ở quận. Học trò tặng mỗi cô một xấp vải ngày 20-11. Chuyện tình nghĩa thầy trò bình thường vậy mà trưởng phòng giáo dục quận đó kết tội hai cô "ăn hối lộ". Trong khi đó, vị này đang làm thất thoát ngân sách 700 triệu (khoảng 200 cây vàng lúc đó).

Tôi viết bài: "Nhận của học trò 2 xấp vải: ăn hối lộ; 700 triệu: chuyện nhỏ".

Tưởng chuyện vậy sẽ không bao giờ có nữa, dè đâu còn tệ hơn - tệ đến tàn nhẫn.

Thầy giáo Anh văn Trường THCS Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) Nguyễn Văn Th., chở con đi học ở thành phố Cà Mau về, ghé dọc đường mua 2 hộp khẩu trang y tế (của người bán dạo bằng xe máy) với giá 130.000 đồng/hộp (50 cái), tức 2.600đ/cái.

Sau đó, thầy Th. đem về xã Nguyễn Huân (cách nơi mua khoảng 50km) bán với giá 3.000đ/cái. Bán hai ngày được 20 cái, có lần con gái thầy bán 4.000đ/cái vì không có tiền thối lại.

Ngay khi "phát hiện vụ việc" do có người tố cáo thầy bán khẩu trang 3.000-4.000 đồng/cái, ngay lập tức ông Nguyễn Chí Thuần, chủ tịch huyện Đầm Dơi chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện ra tay. Phòng chỉ xuống trường.

Trường Nguyễn Huân huy động cả hệ thống chính trị của trường vào cuộc xử lý vi phạm: Ban giám hiệu, chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban thanh tra nhân dân, giáo viên kiêm nhiệm văn thư làm việc với thầy Th. Khác gì đấu tố, bắt nhận tội.

Sau đó, hệ thống chính trị này kết luận: Cuộc kiểm điểm cho thấy thầy Th. thu lời tổng cộng... gần 10.000 đồng.

Chưa được ổ bánh mì thịt và không đủ đổ xăng 100km đi về của cha con thầy giáo.

Dù đây là thời điểm học sinh nghỉ học, không em nào đến trường, nhưng thầy Th. vẫn bị quy "tội" bán khẩu trang quá giá cho học sinh. Cuộc họp thống nhất kiểm điểm thầy Th. và đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được tái phạm.

Bà con miền Tây mình có một thói quen mà như nhà báo miền Tây Trương Châu Hữu Danh quá rành: "Ở nhà quê, những nơi xa chợ, bà con nông dân có phương thức trao đổi hàng hóa rất hay là "chia lại". Thí dụ trong xóm có ai đó đi chơi xa, khi về thường hay mua sản vật địa phương. Vài người hàng xóm khi sang nhà chơi, nếu thấy thích thì sẽ nói "Anh ơi, chia lại cho tôi một ít".

Thường thì giá "chia lại" bằng y giá gốc. Nếu có mang vác thì thêm một chút xíu công, coi như tiền hút thuốc (điếu thuốc chứ chưa tới gói thuốc). Khi "chia lại" thì giá không cao hơn giá thị trường ở nơi đó. Nhưng thường thì "chia lại" ít khi thối tiền. Ví dụ món đó 96.000 đồng thì người ta hay đưa chẵn 100.000 đồng. Coi như tiền hút thuốc. Người quê hay dùng từ "nài" khi muốn chia lại món gì đó. "Để tôi đi nài ổng chia lại một mớ về xài"...".

Đó là tình nghĩa, đạo lý "chia ngọt sẻ bùi" của bà con mình xưa nay, nhất là vùng quê nghèo.

Vậy mà người ta nỡ lòng nào tổ chức cả một buổi kiểm điểm, xin nói thẳng, có khác gì đấu tố một thầy giáo miền quê chắc chắn cũng không giàu có gì.

Điều "ghê rợn" hơn là không hiểu sao nguyên một Cục quản lý thị trường tỉnh Cà Mau cũng mau mắn vào cuộc, làm nguyên một "biên bản xác minh" cho vụ này.

Vụ "đấu tố" xúc phạm nặng nề danh dự, nhân phẩm một thầy giáo này lẽ nào chỉ dừng lại ở đó và những "đối tượng" tổ chức "đấu tố" này có thể bị xem xét hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác không?

Thương thầy quá. Có lẽ những ngày này vị thầy giáo quê nghèo khó mà ngủ yên.

Danh dự một con người, đặc biệt với phẩm giá một thầy giáo miền quê không thể coi là chuyện nhỏ!

CÙ MAI CÔNG 02.03.2020

1 commentaire:

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.