Ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus 2019-nCoV. Sau khi Tập Cận Bình kêu gọi « tăng cường kiểm soát truyền thông và internet », một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất vẫn đăng bài « Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa », tố cáo độc tài, sự thất bại trước Donald Trump và cả ở Hồng Kông, Đài Loan.
Dịch bệnh virus corona, đặc biệt là cái chết của vị bác sĩ trẻ đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo ở Vũ Hán ; nước Mỹ tiếp tục chia rẽ sau vụ truất phế Donald Trump bất thành ; Kirk Douglas, huyền thoại cuối cùng của Hollywood qua đời ở tuổi 103. Đó là những chủ đề được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay.
Xã hội dân sự Trung Quốc dậy sóng
Trong bài « Sự phẫn nộ của xã hội dân sự Trung Quốc », Le Monde nhận
xét việc quản lý khủng hoảng dịch corona hiện nay bị chỉ trích mạnh mẽ
không chỉ trên mạng xã hội, mà cả từ truyền thông. Người ta không còn tự
kềm chế việc phê phán chính quyền trung ương Trung Quốc.
Bác sĩ,
trí thức, nhà báo hoặc chỉ là những người dân bình thường…ngày càng
đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ hoặc thất vọng trên các mạng
xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus 2019-nCoV, mà đến
hôm nay đã làm 636 người chết và 31.161 người nhiễm bệnh, theo số liệu
chính thức.
Trước
hết là 8 bác sĩ ở Vũ Hán, bị công an bắt hôm 01/01/2020 vì đã báo động «
quá sớm » về sự nguy hiểm của virus corona mới. Dù Tòa án Tối cao đã
phục hồi danh dự, nhưng cư dân mạng vẫn tiếp tục phê phán. Trên Vi Bác
và WeChat, người ta viết « Thay vì xử lý vấn đề, họ lại bắt người
cảnh báo », « Chính quyền Vũ Hán là những kẻ quan liêu, đây là nạn dịch
của đất nước ». Nhiều người chia sẻ hình ảnh những người dẫn chương
trình truyền hình trên CCTV hồi đầu tháng Giêng loan báo vụ bắt bớ này
với dòng chữ « Tám người loan tin thất thiệt bị bắt và điều tra ».
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng gây phẫn nộ tột đỉnh
Phẫn
nộ lên đến đỉnh điểm khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong
tám bác sĩ nói trên đã qua đời, chính thức là vào ba giờ sáng hôm nay.
Tất cả các báo Pháp không kịp đưa tin trên báo giấy, đều cập nhật trên
mạng. Le Figaro nhận xét thảm kịch này gây phẫn uất trước một chế độ sẵn sàng thí mạng người dân với danh nghĩa « ổn định xã hội ».
Bác sĩ Lý Văn Lượng, người hùng bị bắt vì cảnh báo dịch bệnh đã qua đời vì virus corona. |
Tin
người bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi qua đời vào tối hôm qua đã gây xúc động
lớn, khiến chính quyền sau đó nói rằng bác sĩ Lý đang được hồi sức tích
cực, mãi đến bốn giờ sáng thì bệnh viện mới xác nhận. Le Monde
nhận định, hiếm khi nào thấy những lời bình lại thống nhất như thế trên
mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều cư dân mạng cho biết chờ đợi lời xin
lỗi của chính quyền.
Le Figaro ghi nhận trong suốt mấy tiếng đồng hồ, hashtag « tự do ngôn luận » và bài hát « Do you hear the people sing ? » của người biểu tình Hồng Kông nở rộ trên mạng Vi Bác, thách thức kiểm duyệt. Một người viết « Tôi hy vọng có thể lập ra một đạo luật mang tên Lý Văn Lượng để xúc tiến tự do ngôn luận », câu này nay đã bị xóa trên Vi Bác.
La Croix
cho biết thêm, người bác sĩ « tử đạo » có một con trai còn nhỏ, vợ đang
mang bầu nhưng chị cũng bị nhiễm virus corona như cha mẹ. Theo tờ báo,
trong trái tim người dân, bác sĩ Lý Văn Lượng không chỉ là hình mẫu của
sự chính trực, nhưng còn là nạn nhân bi thảm của một hệ thống chính trị
độc đoán, tham tàn. Hai ngày trước khi mất, từ giường bệnh ông đã thổ lộ
với CNN : « Nếu chính quyền công bố sớm nạn dịch, tôi tin rằng tình hình đã tốt hơn. Họ cần phải cởi mở và minh bạch » - một di chúc thực sự.
Trước
khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, đã có những bác sĩ Vũ Hán thẳng thắn
tố cáo tình hình khác hẳn với trên tivi. Bác sĩ Peng Zhiyong nói với tạp
chí Tài Kinh : « Tôi thường phải rơi nước mắt vì vô số bệnh nhân
không được nhập viện, họ gào khóc trước bệnh viện. Một số còn quỳ gối
xin tôi cho vào viện, nhưng tôi không thể làm gì cho họ vì các giường
bệnh đều chật kín người ». Ông còn kể lại câu chuyện một phụ nữ
mang thai từ nông thôn lên, đã chi ra số tiền tương đương 26.000 euro,
rồi sau đó không còn khả năng đóng tiền tiếp và nay đã chết, trước khi
nhà nước quyết định gánh chi phí. Cư dân mạng còn xúc động trước cái
chết của Yan Cheng, một cậu bé bị liệt đã qua đời do cha và anh bị cách
ly, không ai chăm sóc cậu.
Đồng nghiệp chào vĩnh biệt bác sĩ Lý Văn Lượng. Ảnh Tài Kinh. |
Các « nhà báo công dân » dũng cảm đưa tin
Để
nói lên sự thật, một số người đã quyết định vào cuộc. Luật sư Trần Thu
Thực (Chen Qiushi), người từng tường thuật các sự kiện ở Hồng Kông và bị
công an cảnh cáo, đã lên chuyến tàu cuối cùng đến Vũ Hán trước khi
thành phố này bị cô lập hôm 23/1. Từ đó đến nay, ông liên tục thông tin
về tình hình tại chỗ, trong các video ông luôn xuất hiện với khẩu trang,
kính bảo vệ.
Vị luật sư « chuyển nghề » thành nhà báo đi khắp
các bệnh viện, hỏi chuyện những y tá hiếm hoi còn chịu phát biểu, và
cùng với những người tình nguyện kiểm tra hư thực của các thông tin. Khi
một cư dân mạng đăng video về ba xác người bị bỏ mặc trong hành lang
một bệnh viện của Hồng thập tự, ông Trần xác nhận được tin này nhờ một y
tá. Ông cũng báo động về vụ bắt giữ Fang Bin, một nhà báo công dân
khác, người đã đếm các xác chết trong một xe tang đậu trước bệnh viện.
Sau khi Tập Cận Bình hôm 4/2 kêu gọi đảng Cộng Sản Trung Quốc « tăng cường kiểm soát truyền thông và internet »,
một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất là giáo sư Hứa
Chương Nhuận (Xu Zhangrun) vẫn đăng trên mạng xã hội ở nước ngoài một
bài viết có tiêu đề « Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa ». Theo ông, « sự hỗn loạn ở Hồ Bắc chỉ là phần nổi của tảng băng, tất cả các tỉnh khác đều như thế ».
Bài viết tố cáo các quan chức tham nhũng, chủ nghĩa toàn trị trong việc
giám sát toàn dân, thất bại trước Donald Trump và cả ở Hồng Kông, Đài
Loan.
Bây giờ phải chăng đến lượt chính quyền phải sợ ? Đó là ý
kiến của Hồ Giai (Hu Jia), nhà đấu tranh nhân quyền từng được giải
Sakharov của Nghị viện Châu Âu. Ông cho biết bộ trưởng Công an mới đây
đã tổ chức ba cuộc hội nghị về vấn đề « an ninh ».
Một trong những con đường bị chặn tại Vũ Hán. |
Virus corona đe dọa Thượng Hải, nhiều địa phương âm thầm phong tỏa
La Croix lưu ý « Tại Trung Quốc, virus corona lan tràn và đang đe dọa Thượng Hải ». Con
virus từ từ lan về phía đông, cách Vũ Hán 800 kilomet, tiến vào nhiều
thành phố lớn vùng duyên hải, chiếc nôi của phép lạ kinh tế Trung Quốc.
Thậm chí Thượng Hải với 20 triệu dân, tủ kính trưng bày sự hiện đại của
Trung Quốc trước thế giới, đang lâm vào vòng nguy hiểm. Việc cô lập
thành phố khổng lồ này, sẽ có tác động như một trận động đất.
Nhưng
trước mắt đã có trên 800 ca ở Chiết Giang, thành phố hơn 60 triệu dân
(lớn hơn Hồ Bắc), còn Ôn Châu thì đã bị cách ly toàn bộ. Trên thực tế,
rất nhiều thành phố nhỏ và trung bình đã lặng lẽ áp đặt các biện pháp
kiểm soát, cấm người từ địa phương khác đến, nhất là Hồ Bắc. Tại tỉnh Hà
Nam (110 triệu dân, nằm ở phía bắc Hồ Bắc), thị trấn Trú Mã Điếm
(Zhumadian) chỉ cho phép mỗi gia đình có một người được ra khỏi nhà năm
ngày một lần, và hứa thưởng tiền cho những ai « chỉ điểm » người từ Hồ
Bắc sang.
Tổng cộng số người đang bị cô lập ở Trung Quốc được ước
tính lên đến khoảng 80 triệu, tuy chính quyền không chính thức công bố
như ở Vũ Hán hôm 23/1. Vào lúc đó dưới áp lực quốc tế, Bắc Kinh muốn
chứng tỏ có những biện pháp cứng rắn để chống dịch, tại thành phố ít
được biết đến này. Vài phút sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoãn lại
việc công bố tình trạng khẩn cấp quốc tế. Mãi đến ngày 30/1 rốt cuộc
quyết định cũng được đưa ra, nhưng theo La Croix, lần lựa đến một tuần lễ, tình hình đã khác biệt một trời một vực.
Đón tiếp người bệnh từ tàu Diamond Princess ở cảng Yokohama (Nhật) ngày 07/02/2020. |
Tàu Diamond Princess : Chuyến du lịch trong mơ thành ác mộng
Le Figaro
quan tâm đến sự kiện 3.700 hành khách trên chiếc tàu Diamond Princess
bị cách ly ở Nhật vì virus corona. Chuyến du lịch bằng tàu biển tưởng
như trong mơ bỗng biến thành ác mộng, sau khi một hành khách đã xuống
tàu tại Hồng Kông bị phát hiện nhiễm bệnh. Khủng hoảng càng tăng thêm
khi đến hôm nay, theo AFP, đã có 61 người trên tàu bị lây nhiễm !
Những
người chính thức xác nhận bị nhiễm corona đã được đưa xuống tàu và nhập
viện ở Nhật. Những khách còn lại trên tàu bị buộc phải ở trong ca-bin
ít nhất 14 ngày, bữa ăn kiểu bệnh viện được các nhân viên y tế bịt mặt
và đeo găng mang đến. Khách nào ở ca-bin không cửa sổ được lên boong tàu
hóng gió tối đa 90 phút mỗi ngày, người này đứng đứng cách người kia
một mét, bị nhân viên phụ trách cách ly theo dõi chặt chẽ. Le Monde cho biết thêm, chính quyền Nhật hôm 6/2 đã tiếp tế thực phẩm và vật liệu y tế, nhất là 7.200 khẩu trang và 4.000 nhiệt kế.
Một
cặp vợ chồng người Mỹ qua CNN đã kêu gọi tổng thống Donald Trump gởi
máy bay tới giải cứu. Lo âu tràn ngập đối với những ai đã từng tiếp cận
những người nhiễm bệnh, trên tàu và cả ở những cảng mà chiếc tàu từng
ghé qua sau khi xuất phát hôm 20/1 ở Yokohama : Hồng Kông, Việt Nam, Đài
Loan, Okinawa…Riêng Nhật Bản hiện có đến 86 bệnh nhân nhiễm virus
corona, nhiều nhất sau Trung Quốc. Chính quyền đang hoang mang khi sự
kiện lớn được chuẩn bị từ nhiều năm qua là Olympic Tokyo ngày 24/7 sẽ
khai mạc.
Dịch bệnh, Hồng Kông : Do Tập Cận Bình độc tài
« Virus corona, Hồng Kông, những sai trái thấy trước của ông Tập ». Les Echos
khẳng định việc đảng Cộng Sản Trung Quốc và Tập Cận Bình ngày càng siết
chặt xã hội Trung Quốc một cách độc đoán đã làm chậm trễ việc đối phó
với virus corona.
"Một xã hội lành mạnh không thể chỉ có một tiếng nói duy nhất". |
Theo tác giả, con virus này đã phong tỏa kinh tế
Trung Quốc, làm hơn 600 người chết và trên 30.000 người bị nhiễm bệnh,
nhưng bên cạnh đó còn có một nạn nhân khác : sự khả tín của bộ máy cầm
quyền. Đảng Cộng Sản Trung Quốc thiếu minh bạch, nhưng người dân tuân
lệnh vì hoạt động hiệu quả, nhất là về kinh tế - chỉ sau một thế hệ dân
Trung Quốc đã giàu lên.
Việc giấu thông tin về con virus mới làm
mất đi ít nhất 7 tuần lễ quý giá, khiến dịch bệnh lan tràn trên toàn
quốc và vượt ra ngoài Hoa lục. Les Echos cho rằng trách nhiệm phần lớn
là Tập Cận Bình. Nắm trọn quyền hành trong tay, đưa cả « tư tưởng Tập Cận Bình »
vào Hiến pháp, tự giành cho mình quyền lãnh đạo trọn đời, ông ta đã
thay đổi hẳn cách chọn người vào bộ máy từ thời Đặng Tiểu Bình.
Để
thăng tiến, còn có những tiêu chí khác như lý lịch, nhưng tiêu chuẩn
chọn người theo năng lực đã giúp cho bộ máy chính quyền các cấp có được
những người tài. Ngày nay, vâng lời mới là tiêu chuẩn chính, và cuộc
khủng hoảng virus corona ở Vũ Hán cho thấy quan chức đợi lệnh trên thay
vì xử lý một cách hiệu quả. Đảng, tức là Tập Cận Bình, hôm 3/2 nhìn nhận
dịch bệnh corona là « thử nghiệm quan trọng » cho năng lực
điều hành đất nước. Tuy nhiên sai sót này đã được báo trước, con virus
corona là sự cố đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng.
Một « sự
cố » khác là Hồng Kông. Việc giới trẻ ở đặc khu nổi dậy sẽ không khi nào
đạt được tầm vóc đại quy mô, nếu Tập Cận Bình không độc tài như thế.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.