Nó ra đời như một may mắn không ngờ, như
nhờ một phép mầu.
Đối với tôi, nó có ý nghĩa đặc biệt. Một
thời, nó đã là người bạn tâm tình, là cái nạng cho tôi vịn vào mà đi trên con
đường vô định.
Mùa đông năm 1967 là một một mùa đông giá
buốt, ít nhất là cho tôi, trong cái xà lim không có sưởi và không có quần áo ấm.
Trong mùa đông ấy, không hiểu vì sao, tôi cảm thấy nhớ quê hương nhiều hơn bất
cứ lúc nào. Cái đầu tiên gợi nhớ đến quê hương là mùi khói cay nồng từ những đống
lá mà phu quét đường đốt lên để sưởi, ở bên kia bức tường đá của nhà tù. Ở quê
tôi người ta thường đốt những đống rấm như thế để khói ngăn sương muối sà xuống
những vườn rau. Mùi khói thoang thoảng lọt vào xà lim gây nên một nỗi nhớ cồn
cào, da diết.
Gối đầu trên đôi tay, tôi nằm dài trên phản
xi măng lạnh ngắt mà thả hồn về quá khứ, tự hứa thể nào rồi mình cũng phải viết
một cuốn sách về cái làng bùn lầy nước đọng quê hương. Cái làng nhỏ nhoi và
nghèo khổ ấy gắn liền với thời thơ ấu của tôi, cái thời không mấy hạnh phúc nếu
đứng ngoài nhìn vào, nhưng tuyệt đẹp đối với tôi, mà cũng có thể đối với bất cứ
ai từng có một cái quê để mà nhớ.
Lúc ấy tôi không nghĩ rằng cuốn sách tôi
định viết sẽ được thực hiện không phải ở nơi nào khác, mà trong nhà tù. Ở Hỏa
Lò tù nhân bị cấm đủ thứ, nhất là viết, hoặc đọc. Một mẩu giấy báo bị quản giáo
phát hiện trong xà lim cũng là một cái tội, người tù giấu nó sẽ bị kỷ luật cùm
chân, bị cắt "tiếp tế". Trong năm tù đầu tiên tôi chưa có đủ kinh
nghiệm để biết rằng khi cần thiết người tù có thể làm được những việc anh ta
không bao giờ ngờ tới.
Ở trại quân pháp Bất Bạt (Sơn Tây) sự sống
trong xà lim còn tệ hơn ở Hỏa Lò. Tôi hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên
ngoài. Nếu ở Hỏa Lò người tù xà lim còn có thể đoán biết được một sự kiện nào
đó xảy ra bên kia những bức tường và hàng rào dây kẽm gai nhờ nghe ngóng được động
thái của bạn đồng cảnh ở các xà lim cùng khu, thì ở Bất Bạt cái đó hoàn toàn
không có.
Những người bị giam ở đây, bên cạnh xà lim tôi, thường đã qua thời kỳ
hỏi cung (thẩm vấn). Họ yên tâm nằm chờ, tháng này qua tháng khác, mà cũng có
thể năm này qua năm khác, nhưng họ có cái để mà chờ: đó là ngày chắc chắn sẽ được
ra tòa lĩnh án. Án có thể ngắn, có thể dài, nhưng họ sẽ được trở về khi mãn hạn.
Những người tù chính trị, lại là thứ có tên gọi mỹ miều là “xử lý nội bộ”, thì
không thể có xử, cứ việc nằm đấy, không chờ.
May cho tôi, ở trại này trong một lần
"tiếp tế" vợ tôi lén lút giúi cho tôi một cây bút bi Trung Quốc hai
màu. Tôi có một đam mê khó hiểu đối với những cây bút. Vợ tôi biết người ta chẳng
đời nào cho tù nhận thứ đồ quốc cấm ấy nhưng đã mang nó cho tôi, tôi sẽ có cách
giấu. Tôi vờ xin đi vệ sinh, ở đó tôi kín đáo phá nát cây bút quý giá ấy, chôn
những mảnh vỡ của nó xuống đất, rồi luồn hai cái ruột bút bi vào nẹp áo bông để
mang vào xà lim.
Cuốn sách bắt đầu từ ấy, mùa thu năm
1969.
Tôi mải mê viết những trang đầu tiên trên
vỏ bao thuốc lá, trên giấy kẹo, trên những riềm báo cũ mà gia đình bọc đồ
"tiếp tế" (đến lúc đó nhà cầm quyền đã rộng lượng cho phép chúng tôi
được giữ lại một số tờ giấy có in chữ, nhưng phải là thứ cũ, hết sạch thời gian
tính). Viết phải rất cẩn thận, không được lãng phí những mẩu giấy hiếm hoi, lại
phải canh chừng lính gác năm phút mươi phút một lần lượn lờ qua phòng giam để
kiểm tra.
Những mẩu "bản thảo" lắt nhắt
không thể xếp thành trang, phải đánh số rõ ràng để không lẫn lộn, được gom lại,
được cất giấu bằng mọi cách trong cái xà lim nhỏ hẹp. Sau đó là những ngày chờ
đợi đến lần được gặp gia đình kế tiếp thì tuồn cho mẹ tôi, vợ tôi mang ra. Khi
viết được nhiều, bản thảo tích lại khá dày cũng gây ra mối lo. Mà những cuộc gặp
lại khôngcó kỳ có hạn, gia đình muốn gặp thì làm đơn, khi nào người ta rộng lượng
cho gặp thì được gặp. Được cái từ năm tù thứ ba trở đi đám quản giáo coi nhà tiếp
tế không còn khám xét kỹ mỗi lần tôi được gặp gia đình nữa. Vả lại, chẳng cần
khám làm gì - chúng tôi đâu có biết ngày nào tháng nào được gặp vợ con đâu mà
chuẩn bị. Tôi bao giờ cũng sẵn sàng, cho nên lần nào gặp gia đình cũng chuyển
ra ngoài được một ít bản thảo.
Về sau này, trong xà lim trại Tân Lập
(Phú Thọ), việc viết không còn khó như trước, mặc dầu vẫn phải canh chừng để
không bị phát giác. Sau nhiều lần yêu cầu kiên trì, chúng tôi thậm chí còn được
người ta chiếu cố cho phép gia đình mang cho giấy bút và vài cuốn tiểu thuyết
ngoại quốc để đọc.
Cuốn sách hình thành dần dần, từng ít một.
Một lần các nhân viên công an nghi ngờ
tôi chuyển gì ra, họ chặn mẹ tôi và vợ tôi lại để khám, nhưng hai người đã mang
được những mẩu giấy của tôi ra ngoài trót lọt.
Khi những bản thảo đã gom được kha khá,
các em tôi - Vũ Chí Dũng, Vũ Thanh Hương, Vũ Thu Hòa - hì hục chép lại. Năm
1976, sau chín năm tù, tôi trở về thì đã có một bản thảo hoàn chỉnh. Các em tôi
còn đánh máy ra làm mấy bản sạch sẽ để những người thân đọc.
Mẹ tôi đọc xong, bảo:
- Mẹ thích. Nhưng sách không in được đâu.
Một là, tên của con bị cấm. Hai là, chuyện một nhà, một làng, liệu mấy ai quan
tâm?
Bố tôi nhận xét:
- Dù sao thì nó cũng ghi lại dấu vết một
thời kỳ của nông thôn Việt Nam vùng Thiên Chúa giáo. Cứ để đấy, nó sẽ có ích
sau này. Cho những nhà nghiên cứu chẳng hạn.
Tôi không có ý định viết cho những nhà
nghiên cứu. Họ chẳng cần đến tôi. Tôi cũng chẳng có ý định viết để in. Tôi viết
vì đó là công việc duy nhất mà tôi có thể làm trong sự ăn không ngồi rồi bất đắc
dĩ. Tôi viết vì tôi thèm được làm công việc mà tôi yêu thích. Tôi viết, ít nhất
thì cũng để cho các con tôi, chúng không biết thời thơ ấu của tôi đã trôi qua
thế nào. Mà chắc gì sẽ có ngày tôi kể được cho các con tôi nghe?
Hồi ở trại Bất Bạt tôi không nghĩ tới
ngày về. Không ít người đã nằm lại trong các nghĩa trang nhà tù. Những nghĩa
trang ấy, thường ở sườn đồi, nếu có đồi, hoặc ở một bãi hoang giữa rừng. Trong
cái sự tù của chúng tôi nghĩ tới ngày về là ý nghĩ ngu ngốc.
Ý nghĩ viết cuốn sách để lại cho các con
đã làm cho cuốn Miền Thơ Ấu có một sắc thái riêng. Nó là hồi ký, nhưng trong lần
in đầu tiên nhà xuất bản đặt nó vào loại tiểu thuyết. Trên bìa sách cũng đề rõ
Miền Thơ Ấu - tiểu thuyết. Hồi ấy ở Việt Nam chỉ có loại hồi ký là hồi ký cách
mạng, do các lãnh tụ kể cho các nhà văn ghi. Người thường không ai viết hồi ký,
không được viết hồi ký. Để nó vào dạng tiểu thuyết thì dễ in hơn.
Còn có một lẽ nữa, là cuốn sách có hình
thức giống tiểu thuyết trong cách viết, trong cách miêu tả nhân vật, dựng lại đối
thoại. Tuy nhiên, tên người, tên đất trong cuốn này được giữ nguyên, không thay
đổi. Người trong họ ngoài làng sẽ nhận ngay ra người quen khi đọc. Mà người
làng tôi thì không quan tâm đến chuyện cuốn sách mà họ đọc thuộc thể loại gì.
Tôi cho rằng có thể chép cuộc đời vào
sách và tạo ra cho nó một dáng vẻ nghệ thuật, nếu ta nhìn đời theo cách nghệ
thuật.
Cuốn sách nằm lâu trong đống giấy má vàng
úa của một thời chữ nghĩa. Tôi cũng chẳng có thời giờ để ý tới nó vì còn bận
đánh vật với những thí nghiệm, chạy đi chạy lại các cơ quan nhà nước kiếm hợp đồng
làm hàng gia công, là việc có ích cho sự kiếm sống. Từ khi ra tù tôi làm đủ mọi
thứ nghề tạp nham, trong đó việc sản xuất hàng hóa liên quan tới hóa chất cho
các tổ hợp thủ công nghiệp đem lại nhiều tiền hơn cả.
Mãi tới năm 1987, anh bạn Lê Phát, biên tập
viên đài Tiếng nói Việt Nam, một người tò mò thích văn chương, đã khui nó ra
trong đống giấy má bừa bộn của tôi. Lê Phát đọc một lèo, anh thích nó, bèn đưa
cho nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, nơi nhà văn Hà Mậu Nhai làm
giám đốc. Hà Mậu Nhai cũng đọc một lèo, rồi nhắn tôi đến chơi. Anh tỏ ý muốn in
cuốn sách. Tôi ngăn anh:
- Anh không biết có một chỉ thị cấm in
tôi sao ?
- Tôi biết.
- Vậy mà anh vẫn quyết định in ?
Hà Mậu Nhai nói:
- Chừng nào chưa có trước mặt tôi một văn
bản pháp luật trong đó ghi rõ quyết định của tòa án cấm không được in Vũ Thư
Hiên thì tôi vẫn in. Tôi không ngán những lệnh miệng và những chỉ thị nội bộ.
Tôi in, và còn in tên Vũ Thư Hiên to hơn bình thường nữa kia.
Tôi ngần ngừ. Tôi không muốn vì cuốn sách
của mình mà bạn mình mang vạ. Hà Mậu Nhai nói chỉ cần tôi đồng ý cho in. Tôi miễn
cưỡng đồng ý.
Cuốn sách được in ra. Tên tác giả được in
to hơn bình thường, đúng như Hà Mậu Nhai nói. Hà Mậu Nhai là một nhà văn nhưng
không có chân trong Hội Nhà Văn. Anh chỉ có chân trong Xã Hội Những Người Tử Tế.
Năm sau Miền Thơ Ấu được giải thưởng loại
A của Hội nhà văn Việt Nam, tức là giải nhất, cho sách dành cho thiếu nhi, mặc
dầu nhà xuất bản không đưa nó vào danh sách tác phẩm dự thi. Trong chuyện này
Hà Mậu Nhai nghĩ như tôi, sách được in ra là tốt rồi, mong gì được giải.
Việc trao giải thưởng năm ấy là sự kiện lớn.
Đã nhiều năm chuyện xét và trao giải thưởng văn học bị xếp lại, vì chiến tranh,
và vì văn chương là cái sự không ra gì, một thứ xướng ca vô loài, dưới mắt các
nhà lãnh đạo. Chủ tịch Hội đồng xét giải là nhà văn Tô Hoài. Phùng Quán cũng được
giải thưởng, loại B, với tiểu thuyết ba tập Tuổi Thơ Dữ Dội.
Hai tên tội
đồ, một Xét Lại Hiện Đại, một Nhân văn-Giai phẩm, chiếm hai giải thưởng nhất
nhì trong một cuộc thi văn chương, là quá lố. Nhưng đã là năm 1988, hai năm sau
khi Đảng cộng sản tuyên bố "đổi mới" và "cởi trói". Nếu là
những năm trước, việc làm ngang bướng của Hà Mậu Nhai ắt bị trừng trị. Anh vẫn
ngồi yên trên ghế giám đốc cho tới khi qua đời, ba năm sau.
Giải thưởng này đối với tôi là bất ngờ,
không kém gì việc cuốn sách được in ra. Khi mọi người cho tôi biết các báo đều
đã đăng tin, tôi mới biết. Việc cuốn sách kể chuyện tầm phào về một làng quê khỉ
ho cò gáy mà được giải, lại giải cao, là điều khó tin.
Tô Hoài hiển nhiên đóng vai trò quan trọng
trong việc trao giải lần này. Uy tín của nhà văn già đã thắng tính bảo thủ của
các cơ quan lãnh đạo tư tưởng của đảng cộng sản.
Sau đó, đài phát thanh Sài Gòn đọc Miền
Thơ Ấu trong chương trình "Đọc truyện đêm khuya", nhà xuất bản
Kim Đồng ỏ Hà Nội tái bản một lần, rồi hai lần...
So với bản thảo, cuốn Miền Thơ Ấu
trong lần in đầu tiên được rút gọn còn một nửa theo yêu cầu của nhà xuất bản.
Vì không có giấy. Giấy vào những năm ấy đắt khiếp đảm.
Lần xuất bản sau ở hải ngoại không thiếu
giấy nhưng lại thiếu những trang bản thảo bị bỏ ra nọ. Chúng nằm lại ở Việt
Nam, cách tôi quá xa, không phải xa theo khoảng cách địa lý, mà bởi những khó
khăn. Tôi cũng không tìm cách bổ khuyết. Cuốn sách đã có cuộc sống riêng của
nó, diện mạo của nó. Chưa chắc gì một sự thay đổi sẽ làm cho nó đẹp hơn. Những
gì bị bỏ ra ngoài trong lần xuất bản đầu tiên rồi sẽ được đặt vào một lần xuất
bản khác, hoặc một chỗ khác.
Câu chuyện về một chú bé trong cuộc gặp gỡ
với quê hương của chú đã tìm được độc giả của nó. Thì ra quê hương của một người,
nếu nói về nó bằng tình yêu chân thật, từ trái tim mình, thì cũng mang dáng dấp
quê hương của bất kỳ ai khác, trong sự đồng điệu của tâm hồn.
Tôi bao giờ cũng nhớ về tuổi thơ của mình
với tất cả niềm thương yêu dịu dàng, bởi vì tuổi thơ của ai cũng vậy, nó chứa đựng
những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có thể cho ta, khi nắng bao giờ cũng lấp
lánh và gió bao giờ cũng ngát hương. Nơi miền đất tuổi thơ, mỗi đám mây bay
ngang cũng gợi ta hình dung ra những xứ sở xa xôi từ đó nó bay đến, mặt trăng rằm
nào cũng bắt ta phải ngắm nhìn để tìm ra bóng dáng cây đa với chú Cuội cổ tích,
thậm chí một con chuồn chuồn ngô cũng có phép màu làm cho ta biết bơi.
Bạn đã bao giờ cho chuồn chuồn ngô cắn rốn
chưa? Nếu bạn đã được một con chuồn chuồn ngô cắn rốn một lần để được sặc sụa một
lần trong dòng sông quê hương thì bạn là người hạnh phúc đấy.
Tôi đã đọc những dòng viết ấm áp và chân
thành, và lạ thay, bao giờ cũng đầy nuối tiếc, về tuổi thơ trong sáng của mình
nơi Lev Tolstoi, Maxim Gorky hay Paul Vaillant Couturier.
Chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô dạy: "Hãy
như con trẻ!"
Tôi chưa được nghe lời nào thông thái
hơn.
Nếu tất cả những con người sống trên mặt
đất này biết nâng niu gìn giữ trái tim con trẻ trong mình thì chúng ta đã không
phải chứng kiến những gì xấu xa mà chúng ta phải chứng kiến: chiến tranh, nhà
tù, và mọi sự hành hạ mà con người hàng ngày gây ra cho đồng loại.
Bằng cuốn sách bé nhỏ này, tôi muốn chia
sẻ với bạn đọc tình cảm trìu mến đối với những gì quý báu nhất trong cuộc đời,
những gì bạn và tôi đều có nhưng chóng quên, ở một miền thơ ấu của mỗi chúng
ta.
VŨ THƯ HIÊN 26.02.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.