mardi 18 février 2020

Cuộc chiến 02/1979: Xâm lược dưới chiêu bài ‘phản kích tự vệ’


Một số bài viết hiếm hoi trên báo nhà nước nhân 41 năm cuộc chiến tranh vệ quốc 1979 chống giặc Tàu xâm lược…

(Đất Việt 18/02/2020) - Cái gọi là ‘Cuộc chiến phản kích tự vệ’ tháng 2/1979 mà Bắc Kinh luôn miệng, thực chất là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc với Việt Nam.

Năm giờ sáng ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất ngờ huy động hơn 60 vạn quân mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, bất chấp việc Việt Nam và Trung Quốc thời điểm đó là 2 nước anh em trong Khối Xã hội Chủ nghĩa.

Trung Quốc từ trước đến nay luôn rêu rao rằng, đây là một “Cuộc chiến phản kích tự vệ” chống sự bành trướng của “Tiểu bá Việt Nam”; nhưng giới phân tích quốc tế đều thống nhất cho rằng, cuộc chiến năm 1979 có đầy đủ những đặc trưng của một cuộc “Chiến tranh xâm lược”, thể hiện rõ nhất là ở việc nhà cầm quyền Bắc Kinh hạ quyết tâm, chuẩn bị cực kỳ chu đáo cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao và chủ động vạch kế hoạch tác chiến đánh Việt Nam ngay từ năm 1978.

Trung Quốc nuôi ý định từ rất lâu

Trước hết, cần chú ý tới tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa vào ngày 30/7/1977: “Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà không cần phải thương lượng gì hết”.

Theo những tài liệu được tiết lộ sau này, ngay từ cuối năm 1977, các văn kiện của Quân khu Quảng Châu luôn nhấn mạnh tinh thần phải chuẩn bị mọi mặt để đánh Việt Nam”.

Sang đầu năm 1978, song song với việc liên tục xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc cũng ráo riết chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, tập trung những quân đoàn chủ lực lớn dọc theo biên giới Việt - Trung.

Theo nguồn tin của Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA (sau này được các báo chí Mỹ tiết lộ), thì từ giữa năm 1978, Trung Quốc đã hoàn chỉnh các phương án tác chiến, các đơn vị quân đội đã sẵn sàng mở cuộc tiến công quân sự quy mô lớn chống Việt Nam, vấn đề còn lại chỉ là chờ thời cơ.

Châu Đức Lễ (Zhou Deli), cựu Tham mưu trưởng Quân khu Quảng Châu sau này đã kể lại rằng, vào tháng 9/1978 đã có một cuộc họp được tổ chức trong Bộ tổng Tham mưu quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, để bàn về vấn đề xung đột biên giới trên bộ với Việt Nam.

Một đề xuất sơ bộ đề nghị tiến hành một chiến dịch quy mô nhỏ nhằm vào một trung đoàn bộ đội địa phương thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam, nằm sát đường biên giới với tỉnh Quảng Tây.

Tuy nhiên, sau khi một báo cáo của tình báo được nêu ra về tình hình căng thẳng với Campuchia ở biên giới tây nam Việt Nam, thì đa số người tham gia cuộc họp đều đồng ý rằng cần phải tiến hành một hành động quân sự lớn, gây được ảnh hưởng đáng kể với Hà Nội và tình hình ở Đông Nam Á.

Đa phần ý kiến cho rằng, cần phải tiến công vào các đơn vị quân đội chính quy của Việt Nam trên một địa bàn rộng lớn.

Mặc dù cuộc họp kết thúc mà không đưa ra bất cứ quyết định cụ thể nào về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng nó đã cho thấy dã tâm của Trung Quốc, âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc của Việt Nam, đã manh nha từ rất lâu.

Cuối tháng 12/1978, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Túc Dụ báo cáo tại Hội nghị lần 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI rằng, chỉ cần dùng một phần lực lượng của các Đại quân khu Quảng Châu và Thành Đô là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần.

Ngày 23/11/1978, Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp khác. Tại đây, một kịch bản mới về một cuộc chiến tranh quy mô, trong thời gián khá dài, nhằm vào các vị trí quân sự chính của Việt Nam và các thành phố đối diện qua biên giới với các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đã được bàn bạc kỹ lưỡng.

Ngày 11/2/1979, hai ngày sau khi Đặng Tiểu Bình hoàn tất chuyến thăm Mỹ-Nhật, cuộc họp Bộ Chính Trị mở rộng được triệu tập. Đặng Tiểu Bình đã ra mệnh lệnh phát động cuộc tấn công Việt Nam vào ngày 17/02/1979, gửi tới các tư lệnh quân khu tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.

Như vậy, mưu đồ đánh Việt Nam đã được nhà cầm quyền Bắc Kinh thai nghén và tích cực chuẩn bị từ cuối năm 1977 đến đầu năm 1979, chứ không phải là một “Cuộc chiến phản kích tự vệ” như họ đã nói.

Xe tăng của Trung Quốc tiến vào địa phận Lạng Sơn của Việt Nam.
Chủ động tạo dư luận, tìm kiếm sự ủng hộ

Trong cuộc họp được tổ chức tại Bộ tổng Tham mưu quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào tháng 9/1978, để bàn về vấn đề xung đột biên giới trên bộ với Việt Nam, đa số tướng lĩnh Trung Quốc tham gia cuộc họp đều đồng ý rằng cần phải tiến hành một hành động quân sự lớn, gây được ảnh hưởng đáng kể với Hà Nội và tình hình ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên khi đó, tiếng nói ủng hộ Việt Nam rất đông đảo, không dễ để Trung Quốc thuận lợi phát động chiến tranh. Do đó, chính quyền Bắc Kinh khi đó đã ổ ạt triển khai những hoạt động ngoại giao và tuyên truyền rầm rộ để tìm kiếm ủng hộ và chuẩn bị dư luận.

Ngày 5/11/1978, Đặng Tiểu Bình đi thăm các nước ASEAN để tập hợp lực lượng cho bước đi sắp tới về Việt Nam. Việc Việt Nam - Liên Xô ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện vào ngày 03/11/1978 đã được Đặng Tiểu Bình lấy làm lí do để “đo lường” phản ứng của khối này.

Đặng Tiểu Bình tuyên truyền rằng, việc ký Hiệp ước Việt - Xô là mối de dọa đối với các nước ASEAN và nói rõ quyết tâm của Trung Quốc không để khu vực Đông Nam Á rơi vào tay Hà Nội. Đặng Tiểu Bình không giấu giếm ý định dùng biện pháp quân sự để đối phó với Việt Nam, kêu gọi thành lập Mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam (tất nhiên là do Trung Quốc lãnh đạo) với khối các nước ASEAN để “tái cân bằng quyền lợi” của các nước Đông Nam Á.

Thái độ của từng nước ASEAN có điểm khác nhau và cơ bản là không đồng ý tham gia liên minh chống Liên Xô và Việt Nam.

Riêng Thái Lan chấp thuận đề xuất của Đặng Tiểu Bình, đồng ý cho phép máy bay Trung Quốc quá cảnh qua vùng trời Thái Lan để tới Campuchia. Việc này đã khiến Trung Quốc mở ra con đường tiếp vận an toàn cho Campuchia và hậu thuẫn cho tàn quân Polpot sau này.

Bên cạnh việc tìm kiếm đồng minh ủng hộ việc đánh Việt Nam, Trung Quốc cũng tung ra các khẩu hiệu tuyên truyền “Việt Nam là tiểu bá theo đại bá Liên Xô”; “Việt Nam là tay sai của Liên Xô, có tham vọng xâm lược Campuchia, Lào, chiếm Đông Nam Á, thực hiện bá quyền khu vực” hay “Việt Nam là tiểu bá ở châu Á, xâm lược Campuchia, xua đuổi người Hoa” Trung Quốc quyết không để cho ai làm nhục”; nên “không không thể không đánh và phải đánh lớn”...

Trong chuyến công du châu Á tới hàng loạt nước như Nhật, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Miến Điện, Nepal… vào tháng 12/1978, tại một cuộc trả lời phỏng vấn được Trung Quốc truyền hình trực tiếp, Đặng Tiểu Bình đã bộc lộ chủ nghĩa bá quyền nước lớn qua tuyên bố: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam một bài học”.

Tuy ngày hôm sau báo chí chính thống của Trung Quốc “giảm nhẹ” thành “phải dạy cho Việt Nam bài học” nhưng truyền thông thế giới đã ghi nhận điều này và công khai bình luận về dã tâm của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Với những hành động này, chính quyền Bắc Kinh đã chủ động tuyên truyền sai lạc để tạo cớ, tạo dư luận và tìm kiếm sự ủng hộ, nhằm “hợp thức hóa” cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của họ, chứ không phải là những tuyên truyền rùm beng về việc “Trung Quốc chỉ tự vệ trước sự hành động bá quyền của Việt Nam!”.

Đặng Tiểu Bình gặp Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong chuyến thăm Mỹ.
Tìm kiếm sự ủng hộ của “đồng minh mới” Hoa Kỳ

Sau thời kỳ “Ngoại giao bóng bàn” năm 1972, với hàng loạt chuyến thăm viếng lẫn nhau của giới lãnh đạo Trung-Mỹ, quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Liên Xô đã xấu đi trông thấy, trên thực tế, lúc này Bắc Kinh đã coi Hà Nội và Moscow là “những kẻ thù”.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bắc Kinh quay sang bắt tay Mỹ chống lại Liên Xô. Khi đó, Washington tập trung chống phá Moscow, với sự gây rối giúp sức của Bắc Kinh, đồng thời Trung Quốc cũng lãnh trách nhiệm ngăn cản sự lớn mạnh của Việt Nam và ảnh hưởng của Liên Xô tới đông nam Á.

Tháng 11/1978, Đặng Tiểu Bình đã gặp Trưởng văn phòng đại diện của Mỹ ở Trung Quốc là Leonard Woodcock và thông báo Bắc Kinh đã gác tất cả các yêu sách trước đây đối với Washington và quyết định bình thường hóa quan hệ với Mỹ, để hình thành một liên minh Trung-Mỹ chống Liên Xô và Việt Nam.

Chuyến đi Mỹ của Đặng Tiểu Bình từ 28 đến 30/01/1979, (sau khi vừa bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ từ ngày 1 tháng 1 năm 1979), sau đó tới thăm Nhật Bản cũng là nằm trong mục đích chuẩn bị cho cuộc tấn công Việt Nam vào tháng 2/1979.

Đặng Tiểu Bình đã thông báo về ý định chuẩn bị tấn công Việt Nam cho đồng minh mới Hoa Kỳ, mong nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh của Washington trong khối NATO và ngăn chặn các nghị quyết chống nước này do Liên Xô khởi thảo trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong chuyến đi này, Đặng đã hứa lãnh trách nhiệm thay Mỹ “dạy cho Việt Nam một bài học”, dùng hành động thực tế để chứng minh những cam kết giữa hai bên, đồng thời cũng bảo đảm rằng, cuộc tấn công Việt Nam sẽ diễn ra nhanh chóng, có giới hạn và đạt hiệu quả cao.

Giới chức Mỹ sau đó đã khuyến cáo Liên Xô chớ có can thiệp sâu vào mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối đầu với cả Mỹ và Trung Quốc, mà ảnh hưởng trực tiếp là các Hiệp định mà 2 nước có thể sẽ ký kết ngay sau đó, ví dụ như Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (SALT).

Tóm lại, thông qua các bước đi ngoại giao với mật độ dày đặc, Bắc Kinh đã đạt được hiệu quả mong muốn là tìm được sự ủng hộ của Mỹ và sự im lặng của một số nước, trước cuộc chiến tranh phi nghĩa của họ đối với Việt Nam. Trung Quốc thấy rằng, nếu đánh Việt Nam, Mỹ sẽ đồng tình, các nước ASEAN ít nhất cũng chưa lên tiếng phản đối, Liên Xô sẽ có phản ứng, nhưng khó có khả năng can thiệp trực tiếp, cùng lắm cũng chỉ hỗ trợ vũ khí và chuyên gia quân sự.

Điều này cho thấy rõ là nhà cầm quyền Bắc Kinh đã “chủ động chuẩn bị chủ động gây chiến tranh chứ không phải là chỉ bắt buộc phải áp dụng biện pháp tự vệ trước sự xâm lược của Việt Nam” như những lời họ đã ra rả tuyên truyền.

Xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn hạ ở bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng lúc 8 giờ sáng ngày 17-2-1979.
Chủ động leo thang căng thẳng, gây khó khăn cho Việt Nam

Qua sự tiết lộ sau này của giới truyền thông Trung Quốc và các học giả quốc tế về kế hoạch tàn sát các tỉnh phía Bắc Việt Nam, chúng ta càng nhận rõ hơn dã tâm và âm mưu thâm độc của những nhà cầm quyền Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 02/1979.

Tháng 1/1978, Trung Quốc hủy bỏ hiệp ước về lãnh sự quán với Việt Nam, đồng thời buộc lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh, Quảng Châu và Nam Ninh phải trở về nước vào tháng 6 năm đó, để gây sức ép với Việt Nam, khiến quan hệ Việt-Trung tiếp tục xấu đi nghiêm trọng và thiếu những kênh liên lạc ngoại giao cần thiết để giải quyết các khúc mắc.

Theo nguồn tin của Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA sau này được báo chí Mỹ tiết lộ, thì trong giai đoạn giữa năm 1978, Trung Quốc đã dần dần gia tăng sức ép với Việt Nam, buộc chúng ta phải khuất phục hoặc chí ít là cũng khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn, không thể đối phó được với cuộc chiến trong mấy tháng sau.

Với lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương, tháng 5 năm 1978, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút bớt chuyên gia về nước. Đến tháng 7, Trung Quốc cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.

Đây chính là giai đoạn Bắc Kinh đã hạ quyết tâm và vạch kế hoạch huy động hàng chục vạn quân xâm lược nước ta.

Tiếp theo, vào ngày 12/8/1978, Trung Quốc ký với Nhật Bản Hiệp ước hòa bình, hữu nghị có giá trị trong mười năm (và sẽ tái ký sau đó), nhằm tạo sự ổn định tại khu vực Đông Bắc Á có lợi cho Bắc Kinh, vừa để rảnh tay đánh Việt Nam, vừa nhằm cô lập Việt Nam.

Ngày 22/12/1978, Trung Quốc ngừng tuyến xe lửa liên vận tới Việt Nam, sau đó, đến đầu tháng 01/1979, đường bay thẳng Bắc Kinh - Hà Nội cũng bị cắt. Đây chính là giai đoạn Bắc Kinh đang huy động hàng chục vạn quân xâm lược tập trung đến tuyến biên giới phía Nam, giáp phía Bắc Việt Nam.

Bắc Kinh cũng cắt nguồn viện trợ dầu vốn chiếm tới hơn một nửa tiêu thụ dầu của Việt Nam vào cuối năm 1978, trong khi Liên Xô chưa kịp viện trợ bổ sung, khiến dự trữ dầu chiến lược của Việt Nam bị thiếu hụt trong thời điểm quyết định khi quân Trung Quốc tấn công.

Từ ngày 1 đến ngày 13 tháng 1 năm 1979, phía Trung Quốc liên tiếp có nhiều phát biểu và bình luận bênh vực chính quyền của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, tố cáo Việt Nam xâm lược.

Ngày 15 tháng 02 năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 29 năm hiệp ước Trung-Xô về vấn đề Mông Cổ và thời điểm kết thúc chính thức Hiệp ước hợp tác Trung-Xô (không được tái ký), Đặng Tiểu Bình tuyên bố Trung Quốc có thể chuẩn bị tấn công giới hạn Việt Nam.

Trước thái độ đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương với chức vụ Thủ tướng) Liên Xô A.Kosygin thì nhận định, tuyên bố của Đặng Tiểu Bình có thể là một bản “tuyên ngôn chiến tranh với Việt Nam”. Đây chính là đêm trước cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam

(Còn nữa)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.