Đăng ngày:
Trang bìa tuần báo L’Express kỳ này đăng ảnh Sylvain Tesson, nhà văn best-seller Pháp. L’Obs
dành riêng một số báo 48 trang tưởng niệm Jean Daniel, người đồng sáng
lập tuần báo, một nhà báo tự do, trí thức dấn thân và nhà văn nổi tiếng.
Le Point lo ngại trước « Phe siêu cực tả, mối đe dọa mới », Courrier International dành chủ đề cho « Mafia mạnh nhất thế giới tại Ý », lực lượng Nrangheta. Trên trang nhất của The Economist là quả địa cầu với những con virus corona như những tiểu hành tinh bay quanh, khi nạn dịch « đã trở nên toàn cầu ».
Các tập đoàn đa quốc gia chưa sẵn sàng đối phó với nạn dịch
Trong bài « Virus corona gây xáo trộn nền kinh tế thế giới », The Economist
nhận định nạn dịch đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với các chuỗi cung
ứng, và rất ít công ty thực sự chuẩn bị đối mặt với những nguy cơ như
vậy.
Điển hình là Apple, lệ thuộc cho đến nỗi hãng United Airlines hàng
ngày đưa khoảng 50 nhà quản lý qua lại giữa Trung Quốc và California.
Nhưng nay United và nhiều hãng hàng không đã ngưng các chuyến bay đến
Trung Quốc, và chuỗi sản xuất của Foxconn đang thiếu nhân công, như vậy
con virus khiến số iPhone được Apple đưa ra bán sẽ giảm 5 đến 10% trong
quý này.
Cùng
với tốc độ lan truyền, virus corona ngày càng tác động mạnh lên các
hoạt động kinh tế. Du lịch đến và đi từ Trung Quốc giảm mạnh : khoảng
400.000 du khách Trung Quốc phải hủy chuyến đến Nhật, một tàu du lịch bị
năm quốc gia từ chối. Hội chợ hàng không lẽ ra mang lại 250 triệu đô la
cho Singapore, đã có đến 70 công ty từ chối tham gia trong đó có
Lockheed Martin. Hội chợ viễn thông thế giới ở Barcelona bị hủy bỏ.
Hầu
hết các tập đoàn đa quốc gia đều bị bất ngờ, tuy đây không phải là lần
đầu chuỗi cung ứng tại châu Á bị rối loạn. Trận sóng thần ở Nhật Bản và
nạn lụt ở Thái Lan năm 2011, rồi mới đây là cuộc chiến tranh thương mại
do tổng thống Donald Trump khởi động với Bắc Kinh đã cho thấy nguy cơ
khi quá lệ thuộc vào Trung Quốc, tuy vậy lãnh đạo các tập đoàn liên quan
vẫn chưa sẵn sàng đối phó với Covid-19.
Lao đao vì lệ thuộc quá nhiều
Có
ba lý do khiến những tháng tới sẽ khó khăn hơn. Trước hết, là do chiến
lược giảm giá thành, và lượng hàng dự trữ của một số công ty chỉ còn đủ
vài tuần. Thứ hai, nhiều tập đoàn ngày nay lệ thuộc vào các nhà máy
Trung Quốc nhiều hơn thời dịch SARS : hồi đó Trung Quốc chỉ chiếm 4% GDP
thế giới còn nay lên đến 16%. Trung Quốc chiếm 40% xuất khẩu toàn thế
giới về dệt may, 26% đồ gỗ ; đồng thời tiêu thụ đến 20% khoáng sản toàn
cầu. Từ 2003 đến nay, các nhà máy vùng duyên hải đã mở rộng đến vùng nội
địa nghèo hơn, như Vũ Hán, sự dịch chuyển của công nhân khiến chuỗi sản
xuất dễ tổn thương hơn. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp Trung Quốc nay
không chỉ lắp ráp mà còn sản xuất.
Lý do thứ ba, Hồ Bắc là trái
tim của « thung lũng sợi quang », với nhiều nhà sản xuất thiết bị cần
thiết cho mạng lưới viễn thông, chiếm đến 25% số cáp quang. Một trong
những nhà máy sản xuất chip hiện đại nhất Trung Quốc, làm ra bộ nhớ
flash cho smartphone cũng đặt tại đây. Các lãnh vực bị ảnh hưởng nhiều
nhất là điện tử, xe hơi do thiếu linh kiện.
Tất nhiên các tập
đoàn muốn sản xuất lại càng sớm càng tốt, nhưng chưa biết đến bao giờ
công nhân mới được phép trở lại nhà máy. Hơn nữa các khu cư xá công nhân
bị quá tải : tại nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, nhân viên chen chúc 8
người một phòng, nếu con virus tái xuất, sẽ có nguy cơ lại bị đóng cửa.
Ngay cả khi bắt đầu làm việc lại, việc vận chuyển rất khó khăn. Về lâu
về dài, nạn dịch sẽ làm giảm bớt sự gắn bó của các tập đoàn đa quốc gia
với Trung Quốc, sau thời gian dài tin rằng chuỗi sản xuất ở nước này là
khả tín.
Bước ngoặt dịch chuyển sản xuất khỏi Hoa lục
Tương tự, Courrier International trích dịch bài viết của Nikkei Asian Review, theo
đó các tập đoàn đa quốc gia sẽ tổ chức lại chuỗi cung ứng, và giải pháp
tạm thời này rất có thể trở thành vĩnh viễn. Một số chuyên gia còn cho
rằng việc này sẽ lại bản đồ sản xuất ở châu Á nếu các công ty « một đi
không trở lại ».
Nhà sản xuất thiết bị cho ngành xây dựng Komatsu
đang dịch chuyển sản xuất các bộ phận bằng kim khí và bó cáp từ Trung
Quốc sang Nhật và Việt Nam, tương tự với Meiko Electronics. Daikin
Industries muốn dời sản xuất máy lạnh sang Malaysia hay một nơi nào khác
ngoài Vũ Hán. Nhà sản xuất trang phục thể thao Asics nghĩ đến việc
chuyển từ Vũ Hán sang Việt Nam và Indonesia.
Tuy chỉ là tạm thời,
nhưng theo chuyên gia Edward Alden thuộc think tank Council on Foreign
Relations, đây sẽ là một bước ngoặt, trong khi nhiều công ty đã buộc
phải đa dạng hóa nguồn cung vì tiền lương và giá thành ở Hoa lục tăng
lên, đặc biệt là cuộc chiến thuế quan với Mỹ còn kéo dài.
Dan
Alpert, giám đốc ngân hàng đầu tư Westwood Capital ở New York cho rằng
Bắc Kinh sẽ để cho đồng nhân dân tệ sụt giá để hỗ trợ các nhà xuất khẩu
Trung Quốc, khuyến khích các tập đoàn ngoại quốc quay lại. Nhưng như vậy
Bắc Kinh sẽ gặp rắc rối với chính quyền Trump, « vì việc này rõ ràng vi phạm thỏa thuận giai đoạn 1 ».
Virus corona dạy bài học đích đáng khi phụ thuộc vào Trung Quốc
The Economist nhấn mạnh, « Covid-19 đang dạy những bài học nghiêm khắc về việc chuỗi cung ứng dựa hoàn toàn vào Trung Quốc ».
Cho
đến gần cuối tháng Giêng, chỉ có vài nhà lãnh đạo ngành dược phẩm,
thanh tra an toàn dược và những con diều hâu kiên trì là lo âu trước
việc phần lớn nguồn cung kháng sinh phụ thuộc vào một ít nhà máy tại Hoa
lục, chủ yếu là một cụm nhà máy đặt tại Nội Mông. Rồi nạn dịch Covid-19
bùng phát, việc cách ly khiến nhiều cơ xưởng, hải cảng, và cả những
thành phố bị phong tỏa tại Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh
khẳng định đang chiến thắng con virus, nhờ đó các doanh nghiệp hàng đầu
sẽ mở cửa trở lại. Một thắng lợi trước virus corona chủng mới một lần
nữa chứng tỏ « ưu thế vượt trội nhờ sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc »
- ông Tập Cận Bình tuyên bố trước 170.000 cán bộ trong hội nghị truyền
hình hôm 23/2. Nhưng cho dù sự khoa trương này có trở thành sự thực đi
chăng nữa, các chính phủ ngoại quốc và chủ doanh nghiệp không quên bài
học đáng sợ : đối với một số mặt hàng thiết yếu, họ lệ thuộc vào một
quốc gia duy nhất !
Trung Quốc đang thống trị về các hoạt chất
(API) trong ngành dược. Nhà máy sản xuất penicilline cuối cùng của Mỹ
đóng cửa vào năm 2004, và những nhà máy quốc doanh hoặc được nhà nước
trợ giá của Trung Quốc mọc lên thay thế. Các công ty tư nhân nước ngoài
tìm kiếm nguyên liệu giá rẻ, không quan tâm đến xuất xứ.
Một ủy
ban của Quốc hội Mỹ đã mở điều trần hồi tháng 7/2019 về mối đe dọa và cơ
hội từ kỹ nghệ dược phẩm Trung Quốc. Một quan chức bộ Quốc Phòng đề
nghị thử hình dung Bắc Kinh ngưng cung cấp những loại thuốc không thể
thay thế cho quân đội, thí dụ về bệnh than. Một chiến lược gia lưu ý, sự
lệ thuộc lẫn nhau trước đây được cho là hợp lý khi quan hệ Mỹ-Trung tốt
đẹp, nhưng nay khi đôi bên không còn tin tưởng nhau, thì tình trạng phụ
thuộc này thật đáng sợ.
Nguy cơ bị Bắc Kinh bắt chẹt khi xung đột chính trị
Đối
với những nhân vật diều hâu như Peter Navarro, cuộc khủng hoảng virus
corona đã được báo trước. Hôm 23/2 ông nhận xét trên kênh Fox News là
nguồn cung những loại thuốc chính yếu ở quá xa, cần phải đưa sản xuất
trở về nước Mỹ.
Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng thương mại châu Âu
tại Trung Quốc cho biết sự thống trị của Bắc Kinh trong dược phẩm và
thuốc trừ sâu là quan ngại chính mà ông nghe được trong những chuyến
công du Berlin, Bruxelles và nhiều nơi khác. Người ta lo ngại Bắc Kinh
sử dụng thế độc quyền để bắt chẹt khi có bất đồng chính trị, như đã từ
chối xuất đất hiếm qua Nhật Bản năm 2012. Theo ông, thời kỳ toàn cầu
hóa, tổ chức sản xuất ở bất kỳ nơi nào hiệu quả, nay đã qua rồi.
James
McGregor, nhà tư vấn Mỹ đã nhìn thấy các doanh nghiệp bỏ nhiều trứng
vào cùng một cái rổ Trung Quốc trong suốt một thập niên. Với giá nhân
công tăng, thương chiến Mỹ-Trung và giờ đây là con virus corona, nhiều
công ty kết luận cần đa dạng hóa nguồn cung, dù khó tìm được những nước
có cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động thích ứng như Trung Quốc.
Một
tác động khác từ virus thấy rõ ở dàn lãnh đạo. Các tập đoàn đa quốc gia
ngày càng đưa người Trung Quốc (thường là được đào tạo ở phương Tây)
vào bộ máy điều hành, và nạn dịch có thể khiến các nhà điều hành ngoại
quốc còn ở lại sẽ ra đi. Ô nhiễm không khí, dân tộc chủ nghĩa, độc tài,
virus…khiến không ít nhà quản lý người nước ngoài để gia đình về nước,
sống một mình tại Hoa lục.
The Economist kết luận, ngay
cả khi dịch Covid-19 sớm kết thúc, rõ ràng là thế giới ngày càng lo ngại
hơn về Trung Quốc. Rất ít công ty có thể hoàn toàn rời hẳn Hoa lục,
nhưng tâm lý muốn ra đi đang sôi sục.
Vũ Hán dối trá về số nạn nhân virus corona ngay từ đầu
Sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh về dịch bệnh luôn là nghi vấn. Courrier International đặt câu hỏi « Thành phố Vũ Hán có nói dối về số người bị Covid-19 ? ».
Hôm 23/2, Trường Giang Nhật Báo
(Changjiang Ribao), nhật báo chính thức của thành phố Vũ Hán, đăng một
bản tin tưởng niệm Xia Sisi, nữ y tá 29 tuổi vừa tử vong buổi sáng hôm
đó. Tờ báo viết : « Ngày 14/2, Sisi đã chăm sóc một bệnh nhân vừa được xác nhận dương tính với virus corona ». Nhưng Sở Y tế thành phố lại tuyên bố hôm đó không có ca nào.
Tạp chí kinh tế uy tín Tài Kinh (Caixin) ngày 20/2 đưa tin « 11 người cao tuổi tại một nhà dưỡng lão đã chết ». Hôm sau, chính quyền Vũ Hán bác bỏ, và còn dọa « lan truyền tin đồn trong thời kỳ dịch bệnh »
có thể bị tù đến 7 năm. Cao Wenjiao, nhà báo của Tài Kinh không chịu
thua, ngay sau đó cho công bố danh sách cụ thể những người tại cơ sở
trên bị chết, tuổi, thời điểm và nguyên nhân tử vong. « Từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 có 19 người chết tại nhà dưỡng lão này, chỉ cách chợ hải sản Vũ Hán có vài trăm mét ». Chính quyền thành phố lần này không cải chính.
Một điểm gây tranh cãi nữa là ca tử vong đầu tiên do virus corona xảy ra khi nào ? Theo Tân Hoa Xã, đến nửa đêm 10/1 « có 41 ca dương tính, trong đó có một người chết ». Nhưng một tuần sau Tân Kinh báo tiết lộ « có đến 15 tử vong và 104 ca dương tính trước ngày 31/12/2019 », và theo Hiệp hội y tế dự phòng Trung Quốc, « lây nhiễm từ người sang người đã diễn ra từ giữa tháng 12/2019 ».
Dịch bệnh do con người làm xáo trộn môi trường
Le Monde Diplomatique đặt vấn đề về mặt sinh thái. Phải chăng đã đến lúc tự hỏi vì sao các loại dịch bệnh liên tục xảy ra ?
Thủ
phạm có phải là loài tê tê, dơi hay rắn ? Từ năm 1940, hàng trăm loại
virus gây bệnh xuất hiện tại những vùng trước đây chưa bao giờ quan sát
thấy. Đó là trường hợp của HIV, Ebola hay Zika, và 60% có xuất xứ từ
động vật hoang dã. Nhưng thú hoang không có tội tình gì, hầu hết virus
sống chung hòa bình với chúng. Nạn phá rừng, đô thị hóa và kỹ nghệ hóa
đã giúp cho virus tiếp cận với con người, thích ứng với cơ thể chúng ta,
và từ vô hại trở thành độc hại.
Virus Ebola là một minh chứng.
Một nghiên cứu năm 2017 chứng minh virus này xuất hiện nơi nhiều loài
dơi, chủ yếu tại Trung Phi và Tây Phi, nơi nhiều cây rừng bị đốn hạ. Dơi
đành phải bay đến đậu trên những cây trong vườn nhà, ăn trái cây và lây
bệnh cho người. Nhà dịch tễ học Larry Brilliant nói : « Không thể tránh được sự xuất hiện của virus, nhưng dịch bệnh thì được » - với điều kiện con người không làm xáo trộn thiên nhiên và cuộc sống của loài vật.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.