jeudi 20 février 2020

Hoàng Linh - Ông Phạm Tuân nợ chúng tôi một lời xin lỗi


Phạm Tuân, với cái tên thôi đã trở thành huyền thoại, biểu tượng đam mê một thời của tuổi trẻ, trong đó có chúng tôi.

Những nhân vật lịch sử như Che Guevara, Fidel Castro hay kể cả những nhân vật tiểu thuyết như Ruồi Trâu, Pavel Korchagin Thép đã tôi thế đấy làm thế hệ chúng tôi mê mẩn và xem như thần tượng. 

Rồi những tấm gương anh hùng trong lịch sử khác như Thánh Gióng, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản…

Nhưng với Phạm Tuân thì khác, ông là một anh hùng bằng xương bằng thịt.

Hãy xem cách mà báo chí viết về ông, mấy mươi năm sau vẫn nghe như tiếng kèn, tiếng trống…

(Thethaovanhoa.vn) (20-7-2015) - Cách đây 35 năm, ngày 23-7-1980, nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vichtor Vaxilievich Gorbatco đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên tàu vũ trụ Liên hợp 37. Chuyến bay ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên Xô trước đây, cũng như đối với Liên bang Nga ngày nay.


“Lạ lùng chưa

Ta sống thật đây, gian khổ đêm ngày

Mà cứ tưởng bay trong mơ ước.

Bữa cơm khoai, ít cá nhiều rau

Mà ngăn sông làm điện, khoan biển làm dầu

Chân dép lốp

Mà lên tàu vũ trụ”


Đọc những câu thơ (trong tác phẩm Một nhành xuân) nhà thơ Tố Hữu đã viết để ca ngợi con người Việt Nam mà xúc động biết bao. Quả thật là “lạ lùng thay” bởi chỉ bằng những bữa cơm “ít cá nhiều rau” nhưng với sự nỗ lực không ngừng, người Việt Nam không những đã “ngăn sông làm điện, khoan biển làm dầu” mà còn lên cả tàu vũ trụ. Và người đem lại niềm tự hào này cho tổ quốc chính là Trung tướng Phạm Tuân, người mà cách đây đúng tròn 35 năm đã cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gorbatco thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên tàu vũ trụ Liên hợp 37.

Với đoạn trích Một nhành xuân nêu trên là cảm hứng cho hàng triệu bài văn của thế hệ người trẻ như chúng tôi.

Hỡi ơi.

Cuộc đời anh hùng của ông Phạm Tuân gắn liền với những trận không chiến với B 52 dĩ nhiên ông phải am hiểu về nó. Nhưng chẳng hiểu sao ông Phạm Tuân lại phát biểu sai bét về những thông số cơ bản của B52 tại một nơi mà sự có mặt của ông cũng tạo nên dị nghị, chùa Ba Vàng.

“B52 dài 600 m (Sai, số đúng là 48.5 m)
Nặng 200 tấn (Sai, số đúng là 83 tấn)

Luôn có ít nhất 30 máy bay chiến đấu bay chung quanh bảo vệ (Sai, thực tế máy bay chiến đấu luôn dọn đường, canh chừng Mig19/Mig21 để B52 ném bom chứ không phải bay kèm với số lượng như vậy). So sánh sức mạnh bằng số lượng động cơ B52 có 8 động cơ; máy bay khách lớn nhất có 4 động cơ (Sai, thực tế tổng lực đẩy bao nhiêu mới là quan trọng. Boeing777 chỉ với 2 động cơ nhưng tổng lực đẩy lớn hơn nhiều lực đẩy của B52 với 8 động cơ).

Phạm Tuân đã nói có Thích Thái Trúc Minh và cử tọa chùa Ba Vàng và Phật Tổ làm chứng.

Nói sai các số liệu kỹ thuật cơ bản như vậy chỉ thông cảm được cho người “ngoại đạo” chứ một phi công Trung tướng, suốt đời binh nghiệp, nói về chiếc B52 từng bị mình bắn rơi như vậy thật không thể hiểu nổi.

Đọc những lời chê bai, giễu cợt Phạm Tuân …tràn ngập trên mạng xã hội, chúng tôi cảm thấy ông cần xin lỗi chúng tôi, những người trẻ từng xem ông là thần tượng. Ông Phạm Tuân cũng cần đính chính vì phát biểu của ông đã được chùa Ba Vàng « công cộng hóa » trên mạng xã hội.

Khác với những bạn trẻ hiện nay chủ động cuộc đời mình, vấn đề là các bạn muốn làm gì và muốn mình trở thành ai thôi. Còn thế hệ chúng tôi không biết chữ muốn là gì và chỉ neo hy vọng vào những thần tượng như ông Phạm Tuân chẳng hạn.

Nói đến đây tôi chợt nhớ đến một trường học ở Bình Tân, nơi mà các em học sinh không mơ làm kỹ sư, bác sĩ, phi công, phi hành gia…

Khu vực Bình Tân trước đây là nơi tập trung những lao động nhập cư từ khắp ba miền. Thậm chí có cả những gia đình đang làm ăn lưu lạc ở Campuchia cũng đem con về. Ước mơ của các em vì thế cũng khác bạn cùng trang lứa. Em thì "lớn lên con đi bán vé số", em nói sẽ làm bảo vệ như bố, em "dự định" làm thợ hồ, em nói "con làm ve chai", đi bán rong hay làm công nhân; không có mấy em ước mơ làm kỹ sư hay bác sĩ.

Khoảng một phần ba phụ huynh không biết chữ, thiếu hộ khẩu, giấy tờ tùy thân. Nhiều em không có giấy khai sinh, khi nhập học, các thầy cô mới tìm cách giúp. Năm ngoái, một học sinh được tuyên dương ở lễ tổng kết năm học lại nhất quyết không nhận phần thưởng. Em khóc: "Đây không phải phần thưởng của con. Con mượn giấy khai sinh của bạn để đi học".
Các cô giáo ở đây cũng nửa ngày đi dạy, nửa ngày đi làm thêm, chạy chợ, dạy thêm, nhưng hầu hết đều gắn bó lâu năm. "Mỗi bé một hoàn cảnh nên chúng em mới có việc để làm", cô Linh nói.

Đối với mỗi con người ước mơ cực kỳ quan trọng, ngay cả khi tưởng chừng mất tất cả nhưng con người vẫn cần giữ lại những ước mơ. Nhất là với trẻ nhỏ, ước mơ giúp các em có niềm tin vào bản thân.

Nhưng các em tôi không ước mơ làm phi hành gia, nhà khoa học hay những gì đó cao sang bởi lẽ dù còn rất nhỏ nhưng các em vẫn biết cuộc đời sắp tới của mình sẽ như thế nào, còn tồn tại để bán vé số như ba má đã là…ước mơ rồi.

Tôi sợ rằng ngay cả ước mơ trở thành người bán vé số của các em cũng không thành khi mà cuộc sống ngoài kia quá đáng sợ cho cả những người có điều kiện, ranh giới giữ người lương thiện và tội phạm quá mong manh bởi quá nhiều lý do trong cuộc mưu sinh.

Còn thần tượng thì dù giả hay thật vẫn sống khỏe.

HOÀNG LINH 19.02.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.