Ông Tedros gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 28/01/2020. |
Ngày 12-2-2020, Tổng giám đốc WHO, Tedros
Adhanom Ghebreyesus, một lần nữa lại khen ngợi tài điều hành trong vụ cúm Vũ
Hán của Tập Cận Bình. Tedros cũng phủ nhận những chỉ trích về việc WHO “cúi đầu”
trước sức ép Bắc Kinh…
Như được thuật trên Wall Street Journal
(12-2-2020), nhiều người đang làm việc cho WHO và những người từng nghiên cứu
hoạt động của tổ chức này đều nhận định rằng việc WHO không công bố tình trạng
khẩn cấp sớm hơn là do họ đặt vấn đề theo cách nhìn Bắc Kinh, trong đó có sự lo
lắng về xáo trộn xã hội, gây tác động xấu đến sản xuất khiến tổn thất kinh tế
và đặc biệt làm ảnh hưởng “tiêu cực” đến hình ảnh giới lãnh đạo chóp bu.
Những người chỉ trích WHO nói rằng, việc
khen ngợi “phản ứng hiệu quả” của Trung Quốc, trong đó có việc “thiết lập nên
chuẩn mực mới” khi đối phó cúm Vũ Hán (như lời Tổng giám đốc WHO), cho thấy WHO
đang đánh đổi chính những nguyên tắc tiêu chuẩn về phản ứng trước dịch bệnh và
làm xói mòn quyền giám sát toàn cầu của họ. Đồng thời gửi đi một thông điệp sai
đến những quốc gia có thể đối mặt tình trạng dịch bệnh tương tự trong tương
lai. “Thông điệp WHO là, Không sao, chẳng có gì phải hoảng hốt, cứ đi du lịch,
cứ mở biên giới…” – nhận xét của Kelley Lee, giáo sư Đại học Simon Fraser
(Canada), người từng viết một quyển sách về WHO.
Trong cuộc họp báo đầu tháng 2-2020, Tổng
giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, buổi nói chuyện “thành thật
và thẳng thắn” với Tập Cận Bình ngày 28-1-2020 đã mang lại những kết quả cụ thể,
chẳng hạn thỏa thuận chia sẻ thông tin và đưa một phái đoàn y tế quốc tế vào
Trung Quốc. Tuy nhiên, mãi đến ngày 10-2-2020, một đoàn tiền trạm vỏn vẹn ba
người của WHO mới đến Bắc Kinh, để thảo luận “cách thức hợp tác và làm việc”!
Và bốn ngày sau, 14-2-2020, khi những con số tử vong do cúm Vũ Hán tiếp tục
tăng vọt một cách đáng sợ, WHO mới thông báo một phái đoàn quốc tế sẽ đến Trung
Quốc vào cuối tuần này.
WHO có “thỏa hiệp” và chịu ảnh hưởng
trong các quyết định bởi Trung Quốc? Cho đến thời điểm này, không ai biết Tổng
giám đốc WHO Tedros bàn gì với Tập Cận Bình kể từ khi dịch cúm Vũ Hán bùng nổ.
Liệu sự “cúi đầu” của WHO trước Bắc Kinh, như cáo buộc đang phổ biến, có liên
quan đến việc ngân sách WHO đang lệ thuộc vào đóng góp Trung Quốc (không chỉ hiện
tại mà còn tương lai)? Có điều rằng, vài năm gần đây, WHO đã “làm việc” rất gần
gũi với Bắc Kinh. Tổng giám đốc WHO Tedros cũng thường xuyên ca ngợi chính sách
chăm sóc y tế của Tập Cận Bình; rằng Trung Quốc bây giờ có thể cung cấp bảo hiểm
y tế cho tất cả công dân; và đó là hình mẫu cho một chính sách chăm lo sức khỏe
đáng học hỏi…
Chính trị hóa hay không thì quan hệ
WHO-Trung Quốc cũng ít nhiều nhuốm màu chính trị. WHO đã đồng ý, theo yêu cầu Bắc
Kinh, không cho Đài Loan dự hội nghị thường niên của WHO từ khi bà Thái Anh Văn
đắc cử tổng thống, một hội nghị mà Đài Loan có mặt với tư cách quan sát viên
liên tục từ 2009-2016.
Ngoài ra, việc WHO – dưới điều hành
Tedros từ năm 2017 – có những “đầu tư”, bằng việc cùng Trung Quốc xây loạt
trung tâm y tế lẫn đưa chuyên viên WHO đến làm việc tại những quốc gia nằm
trong chuỗi “Nhất đới, Nhất lộ”, trong đó có đất nước Ethiopia của Tedros, cũng
khiến dư luận đặt ra những nghi vấn. Cần nhấn mạnh, Ethiopia ngày càng lệ thuộc
tiền đầu tư Trung Quốc. Tờ Politico (7-2-2020) cho biết, Ngân hàng xuất-nhập khẩu
Trung Quốc đã chi 2,9 tỉ USD vào dự án hỏa xa trị giá 3,4 tỉ USD nối Ethiopia với
Djibouti.
Trung Quốc cũng chi mạnh cho dự án cao tốc
sáu làn đường đầu tiên ở Ethiopia trị giá 800 triệu USD. Bắc Kinh là chủ nợ của
gần ½ nợ nước ngoài Ethiopia và cho nước này vay ít nhất 13,7 tỉ USD từ năm
2000-2018 – theo số liệu của Trường nghiên cứu quốc tế cấp tiến thuộc Đại học
Johns Hopkins. Năm 2019, Ethiopia là nước chủ nhà tổ chức một hội nghị về “Nhất
đới, nhất lộ”; và Thủ tướng Abiy Ahmed Ali, dù từng được xem là người có khuynh
hướng nghiêng về phương Tây, cũng tỏ ra rất gần với Bắc Kinh. Tháng 9-2019,
trong một tiệc chiêu đãi do Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức, Abiy Ahmed Ali đã
ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc trong việc “thúc đẩy phát triển những giá
trị nhân bản” (thegeopolitics 10-12-2019)…
Trở lại với Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Nhận chức tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 1-7-2017, Tedros mang
tham vọng cải tổ WHO; củng cố việc ra các quyết định dựa vào chứng cứ thực tế;
nhấn mạnh những ảnh hưởng sức khỏe từ hiện tượng biến đổi khí hậu; cung cấp gói
bảo hiểm y tế cho một tỉ người… Tuy nhiên, ông chưa kịp làm gì nhiều thì xảy ra
dịch cúm Vũ Hán. Người ta cũng chưa kịp nhớ những gì ông đã làm, trừ những
chương trình y tế của WHO tại các quốc gia liên quan vành đai “Nhất đới, nhất lộ”.
Chỉ hơn ba tháng từ khi nhậm chức, Tedros
đã gây sốc khi, vào ngày 21-10-2017, ông tuyên bố giao trọng trách “đại sứ thiện
chí” của WHO cho nhà độc tài “lừng lẫy” Robert Mugabe, người nắm quyền cai trị
một quốc gia mà sự bi thảm của y tế-sức khỏe cộng đồng thuộc vào hàng tệ hại nhất
nhì thế giới. Dù việc “bổ nhiệm” này rút lại vào hôm sau trước chỉ trích dữ dội
của thế giới nhưng nó hiển nhiên cho thấy đó là một quyết định không hề “dựa
vào chứng cứ thực tế”. Nó dường như cũng không khác so với những “quyết định” của
WHO trong vụ cúm Vũ Hán lần này.
MẠNH KIM 15.02.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.