Ông Hun Sen bắt tay một du khách vừa xuống tàu MS Westerdam đậu ở cảng Sihanouville ngày 14/02/2020. |
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Trong bài viết mang tựa đề « Cam Bốt phủ phục trước Trung Quốc » (tạm dịch), Asia Times
nhận định nhà lãnh đạo Hun Sen dường như không quan tâm đến việc con
virus corona đáng sợ đang nhanh chóng lan tràn, có thể giết người tại
quốc gia Đông Nam Á này. Nhưng rõ ràng mối ưu tư của ông chỉ là làm sao
duy trì mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc.
Hôm
13/02/2020, chính phủ của ông Hun Sen cho phép 2.200 hành khách trên tàu
Westerdam được cập cảng Sihanoukville, trong khi chiếc tàu du lịch
khổng lồ này đã bị năm nước (Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, đảo Guam
của Mỹ, Thái Lan) từ chối do sợ bị lây nhiễm virus. Tập đoàn Holland
America Line, chủ con tàu đã ngỏ lời cảm ơn chính quyền Cam Bốt.
Nhưng
cùng lúc đó, ông Hun Sen từ chối cho di tản những công dân Cam Bốt đang
kẹt ở Trung Quốc, nơi nạn dịch virus corona đến nay đã làm gần 1.900
người chết.
Không sơ tán sinh viên ở Vũ Hán để « chia sẻ vui buồn »
Khi được hỏi về khả năng đưa 23 sinh viên Cam Bốt ở ổ dịch Vũ Hán hồi hương, ông trả lời : «
Chúng tôi giữ họ ở đó để chia sẻ vui buồn và giúp đỡ người Trung Quốc
giải quyết tình hình. Nếu di tản các sinh viên này, có thể sẽ làm chấm
dứt cơ hội du học tại đây. Bắc Kinh có thể ngưng cấp học bổng ».
Trong
một động thái khác nhằm nịnh nọt Trung Quốc, Hun Sen nói rằng mọi người
ở Cam Bốt cần phải tháo khẩu trang ra, từ chối đeo. Ông từng giận dữ
quát tháo các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh những
ngày gần đây : « Thủ tướng không đeo khẩu trang, tại sao các vị lại đeo ? »
Hun
Sen cũng bác bỏ những lời kêu gọi cấm các chuyến bay từ Trung Quốc,
trong khi cho đến nay có ít nhất 3.000 người Trung Quốc bay thẳng từ tâm
dịch Vũ Hán đến Cam Bốt. Ông tuyên bố : « Không cần thiết phải
ngưng các chuyến bay từ Trung Quốc, vì làm như thế sẽ giết chết nền kinh
tế và phá hủy mối quan hệ với Trung Quốc ».
Trung Quốc đã
trở thành đồng minh thân cận nhất và là nhà đầu tư lớn nhất vào Cam Bốt.
Hiện nay có hơn 250.000 công dân Trung Quốc sinh sống ở Cam Bốt, chiếm
60% tổng số ngoại kiểu tại một đất nước có 17 triệu dân, theo số liệu
của bộ Nội Vụ Cam Bốt.
Tân Hoa Xã khen ngợi cách xử sự của Hun Sen trước nạn dịch corona đang bùng phát, cho rằng đây là « sự hỗ trợ quan trọng đối với Trung Quốc ». Ngược
lại, những người chỉ trích tỏ ra phẫn nộ, chế giễu ông trên mạng xã
hội, cáo buộc Hun Sen đã bán rẻ lợi ích quốc gia cho Bắc Kinh để kiếm
tiền.
Ông Hun Sen viện vào báo cáo chính thức, là tại Cam Bốt chỉ
có một người duy nhất bị nhiễm virus corona chủng mới, đó là một người
đàn ông Trung Quốc 60 tuổi ở Vũ Hán, hiện sống tại Sihanoukville. Theo
bộ Y Tế Cam Bốt, bệnh nhân tên Jia Jianhau đã khỏi bệnh và không còn bị
cách ly từ ngày 10/2.
- Đọc thêm: Sihanoukville, thuộc địa Trung Quốc ?
Thành phố cảng xinh đẹp này của Trung Quốc bị khách du lịch phương Tây than phiền là đã bị « Hán hóa
», do các nhà đầu tư Trung Quốc làm chủ hầu hết các khách sạn, nhà máy,
sở hữu nhiều căn hộ, nhà hàng massage và 80 casino. Đặc khu kinh tế
Sihanoukville là khu vực miễn thuế giữa Trung Quốc và Cam Bốt, là một
mắt xích trong kế hoạch « Một vành đai, Một con đường » được Bắc Kinh dự trù đầu tư đến 1.000 tỉ đô la.
« Bệnh sợ hãi »
Theo Asia Times,
trong những năm gần đây ông Hun Sen ra sức đè bẹp các phương tiện
truyền thông độc lập tại Cam Bốt, khiến người ta nghi ngờ thông tin chỉ
có mỗi một người bị nhiễm virus từ Vũ Hán. Đất nước này hầu hết là những
vùng nông thôn nghèo, nên số ca nhiễm không được báo cáo có thể cao hơn
nhiều.
Trước dư luận, Hun Sen hỏi ngược lại : « Đã có người
Cam Bốt nào, hay người ngoại quốc nào sống tại đây bị chết vì dịch bệnh
chưa ? Căn bệnh thực sự xảy ra tại Cam Bốt bây giờ là bệnh sợ hãi, chứ
không phải bệnh do virus corona ở thành phố Vũ Hán ».
Quan
điểm của thủ tướng Cam Bốt được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan
nghênh, và ông Tập đã tiếp đón ông Hun Sen tại Đại sảnh đường Nhân Dân ở
Bắc Kinh hôm 5/2. Hun Sen nói với Tập Cận Bình rằng ông đến Trung Quốc « để bày tỏ sự ủng hộ của Cam Bốt trong cuộc chiến chống dịch bệnh », và thăm các sinh viên Cam Bốt đang bị cách ly tại Vũ Hán cùng với cư dân của thành phố.
Không
có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh từ chối yêu cầu của ông Hun Sen.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói : « Chúng
tôi hoàn toàn hiểu rằng thủ tướng Hun Sen quan tâm sâu sắc tới sinh viên
Cam Bốt tại Trung Quốc. Tuy nhiên do Vũ Hán đang làm tất cả những gì có
thể làm được để chống dịch bệnh bùng phát, và lịch làm việc đang rất
kín, một chuyến thăm Vũ Hán lúc này không thể sắp xếp được một cách hợp
lý ».
Hun Sen, nhà lãnh đạo thường tuyên bố hùng hồn và từng
kinh qua chiến đấu, rõ ràng không muốn công khai thể hiện nỗi sợ hãi
đối với một con virus siêu nhỏ.
Hôm 11/2, để đáp trả quyết định của Liên hiệp Châu Âu hủy bỏ một số ưu đãi dành cho hàng xuất khẩu của Cam Bốt, ông tuyên bố : « Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến và bi kịch, nhưng vẫn không chết ».
Ông kêu gọi các công nhân dệt may, lãnh vực chủ chốt từng được dành
nhiều ưu tiên khi nhập vào thị trường châu Âu, không nên sợ hãi.
Ngành dệt may đang thu dụng đến trên 700.000 công nhân, và Cam Bốt là nhà cung cấp hàng dệt may đứng thứ sáu tại châu Âu. Asia Times cho rằng từ nay Cam Bốt lại càng lệ thuộc hơn vào viện trợ và đầu tư của Bắc Kinh.
Trong
số các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào Cam Bốt, có bảy đập thủy
điện, dự kiến cung cấp phân nửa nhu cầu điện của quốc gia. Trung Quốc
cũng đã xây dựng gần 2.900 kilomet cầu đường trong hai thập niên qua.
Trong cuộc họp báo về virus corona hôm 30/1, Hun Sen khẳng định : «
Chúng tôi chỉ cần phải hợp tác với đại sứ quán Trung Quốc tại Cam Bốt,
và đối xử tốt với các nhà đầu tư, công dân, khách du lịch Trung Quốc là
được ».
Câu chuyện được khoác tấm áo nhân văn bỗng trở thành ác mộng
Quay
lại với chiếc tàu Westerdam ở trên, câu chuyện tưởng chừng tốt đẹp này
lại bất ngờ có một kết thúc không…có hậu. Một hành khách nữ 83 tuổi
người Mỹ trên tàu, sau khi rời Phnom Penh và quá cảnh tại Kualar Lumpur
để trở về Hoa Kỳ, bị phát hiện sốt và xét nghiệm thì dương tính. Hai vợ
chồng bà đang bị cách ly ở Malaysia.
Hóa ra trước đó chỉ có 20
hành khách của Westerdam đến phòng y tế trên tàu để xét nghiệm, tất cả
đều âm tính – theo AP. Số còn lại chỉ điền vào một bảng câu hỏi về tình
trạng sức khỏe và được kiểm tra thân nhiệt. AFP cho biết trên 1.200 hành
khách sau đó đã xuống tàu. Một số còn được đến các bãi biển của
Sihanoukville hay thăm Phnom Penh bằng xe buýt, những tấm hình trên báo
chí cho thấy du khách tươi cười, không ai mang khẩu trang.
Bà
khách Mỹ bị lây nhiễm từ lúc nào, và đã tiếp xúc với những ai ? Đây là
nỗi lo lớn khi nhiều hành khách trên tàu đã tứ tán khắp nơi. Làm thế nào
tìm được dấu vết của họ và những người đã trực tiếp gặp họ ? Trước mắt
công ty Holland America cho biết đang hợp tác với nhiều chính phủ, Tổ
chức Y tế Thế giới (WHO) và các trung tâm xét nghiệm ở Hoa Kỳ để truy
tìm những người tiếp xúc với bà cụ bị nhiễm virus. Cuộc truy lùng số
hành khách còn lại chắc chắn mất rất nhiều công sức.
Thái Lan,
nước từ chối cho tàu Westerdam vào bến, muốn cấm nhập cảnh tất cả những
người từng có mặt trên chuyến tàu này, nhưng một số đã quá cảnh Bangkok.
Việt Nam may mắn hơn, nhờ một nhân viên tiếp tân khách sạn cảnh báo, 8
hành khách tàu Westerdam đặt phòng tại Hà Nội rốt cuộc đã hủy. Singapore
thì buộc cách ly hai công dân trên tàu, tuyên bố không cho hành khách
nào quá cảnh. Hiện trên tàu Westerdam còn 233 hành khách và 747 nhân
viên.
Bản thân thủ tướng Hun Sen cũng không mang khẩu trang khi
đến cầu tàu thân mật bắt tay các du khách, và còn ôm hoa tặng họ. Thế
nên có tin đồn ông Hun Sen đã bị nhiễm virus corona, bộ Y Tế Cam Bốt hôm
17/2 phải bác bỏ tin này.
Có thể may mắn không bị dính con virus Covid-19 vốn không « phân biệt đối xử » giữa lãnh đạo và thường dân, nhưng liệu bây giờ ông thủ tướng Cam Bốt có bị lây « bệnh sợ hãi » ?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.