Một trang sử đau thương của một dân tộc vốn
là “đồng chí” và ướm lên mình 16 cái chữ “vàng” với Trung Quốc: ngày 17/2/1979,
tiếng súng từ “bạn vàng” nổ trên vùng biên giới.
Là lúc Việt - Trung không gọi nhau là “đồng
chí”. Một bên gọi nơi từng là “đồng chí em của mình” là “kẻ nhược tiểu phải
nhận một bài học”; còn một bên, dù có gọi gì chăng nữa cũng hiện nguyên
hình ác ôn bành trướng. Mấy nghìn năm dã tâm không đổi.
Những chàng trai áo xanh tóc xanh “hôm
qua đi bên em giữa thành phố yêu thương” nay khoác ba lô lên đường. Máu họ nhuộm
đỏ sắc hoa gạo đường biên, xanh những đồi sim nơi biên giới. Và bao năm, những
nấm mồ xanh lặng lẽ nơi biên cương, người thân đau mà không được khóc một lần
cho thỏa.
Chẳng có “bạn vàng” nào sất. Bạn nào lại
đi gieo đau thương cho bạn mình? Đó là tội ác, là dối trá. Máu đã đổ, lòng đã tổn
thương, dù thời gian nguôi quên ít nhiều thù hận, nhưng làm sao quên được cái sự
kiện đó? Làm sao quên những thị xã đổ nát bởi “người anh” gian ác và những tuổi
xuân một đi không trở lại?
17/2, đến cả một pho tượng đá triệu năm -
Tô Thị bồng con chờ chồng về, cũng gục xuống trước đạn pháo của kẻ xâm lăng.
Giờ đây, tháng 2, trời biên cương lạnh lắm.
Hoa sim lại bắt đầu tím nhức nhối thêm mùa Xuân thứ 41, nhói cho những đau
thương mất mát và cho những giả dối hão huyền.
Tôi không mang chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi,
mà chọn lợi ích dân tộc dù quá khứ từng như thế nào. Nhưng, 17/2/1979, tôi
không thể nào quên: nỗi đau, tội ác và cả những dối trá trong suốt quãng thời
gian lịch sử đã qua.
Lịch sử đi qua mọi thứ sẽ nhẹ nhàng,
nhưng đi qua sự mất mát của con người, sẽ chẳng bao giờ nhẹ nhàng đâu!
HOÀNG NGUYÊN VŨ
17.02.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.