vendredi 21 février 2020

Đoàn Bảo Châu - Thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì khi biết tội ác của nhân vật được dựng tượng ?


Gia đình Sa hoàng Nicholas II chụp năm 1914.

Kính gửi UBND tỉnh Nghệ An

Được biết UBND thành phố Vinh quyết định xây dựng khu vực tượng đài Lê Nin, vườn hoa và công trình đài phun nước nhân việc chính quyền tỉnh Ulyanovsk, Liên bang Nga sẽ trao tặng tỉnh Nghệ An bức tượng Lê Nin được đúc bằng đồng, có chiều cao 3 mét.

Tôi muốn nêu ra một câu hỏi để các vị cân nhắc thêm: Tại sao nhiều nơi trên thế giới như các nước Đông Âu, 14 nước thuộc liên bang Xô Viết, Mông Cổ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đều đập bỏ tượng Lê Nin và nhân dân Nga nhiều lần kiến nghị đưa Lê Nin ra khỏi lăng?

Bởi thế hệ sau đã có cái nhìn xuyên suốt về lịch sử và đã xem Lê Nin như là một tội đồ của dân tộc Nga. Việc này theo tôi, càng về sau thì sự phán xét sẽ càng quyết liệt và thẳng thắn hơn nữa.

Việc chủ nghĩa cộng sản đã phô bầy những yếu kém và cả những tội ác trong quá trình vận động của nó thì đã rõ. Ở đây tôi muốn chỉ ra một tội ác liên quan trực tiếp tới Lê Nin. Đấy là việc tàn sát toàn bộ gia đình Sa hoàng Nga Nikolai II, vợ ông Aleksandra Feodorovna và 5 người con của họ là Olga,Tatiana,Maria, Anastasia, Aleksei ; những người hầu, Eugene Botkin, Anna Demidova, Aleksey Trupp, Ivan Kharitonov và người bác sĩ riêng của họ vào đêm 16, rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918 tại Yekaterinburg.

Cùng một chiêu trò che giấu sự thật, vào thời gian đó, các phương tiện thông tin đại chúng của nước Nga đều nói Hồng quân đã phá tan âm mưu đến giải cứu cho gia đình Sa hoàng của một nhóm bạch vệ. Trong cuộc đụng độ Sa hoàng đã bị bắn chết, còn cả gia đình ông đã được đưa đến "nơi an toàn".

Ngày 18 tháng 7, Lê Nin đã trả lời trên báo là việc tàn sát gia đình Sa hoàng là một sự bịa đặt trắng trợn của giới báo chí tư sản. Nhưng thực ra quyết định thủ tiêu toàn bộ gia đình Sa hoàng đã được chính Lê Nin và Ban chấp hành Trung ương đảng Bolshevik thông qua từ đầu tháng 7 năm 1918. Chính Lê Nin đã trao đổi với các nhân viên an ninh của Xô viết tỉnh Ekaterinburg nhiều lần trước khi tiến hành vụ tàn sát.

Gia đình Sa Hoàng bị gọi dậy vào lúc 2 giờ sáng, và bị đưa xuống tầng hầm "để chuẩn bị đi sơ tán", theo như lời một người Bolshevik nói với họ, ở đó tất cả 11 người đã bị bắn chết và bị tưới 176 lít a xít nguyên chất, 400 lít xăng để phi tang.

Mấy chục năm sau, ngày 11.7.1991, với sự đồng ý của Yeltsin, ngôi mộ tập thể của gia đình Sa hoàng đã được khai quật và họ đã có kết luật chính xác về các nạn nhân mặc dù thân thể của họ đã bị quăng lựu đạn để tan ra nhiều mảnh, bị đốt bởi xăng và axit.

Vào năm 1998, trong đám tang tổ chức cho gia đình Sa Hoàng, Yelsin đã phát biểu:

“Kính thưa đồng bào:

Đó là một ngày lịch sử đối với Nga. Tám mươi năm đã trôi qua kể từ khi hoàng đế Nga cuối cùng và gia đình ông bị giết. Chúng tôi từ lâu đã im lặng về tội ác ghê tởm này. Chúng ta cần phải nói lên sự thật: Vụ thảm sát Yekaterinburg đã trở thành một trong những thước phim đáng xấu hổ nhất trong lịch sử của chúng ta.

Bằng cách chôn cất hài cốt của các nạn nhân vô tội, chúng tôi muốn chuộc lại tội lỗi của tổ tiên.

Những người đã trực tiếp phạm tội này cũng như những người đã phê duyệt cho phép việc tàn sát này ở nhiều thập kỷ trước và giờ đây là cả chúng ta, tất cả đều có tội.

Không thể nói dối chính mình bằng cách biện minh cho sự tàn ác vô nghĩa trên cơ sở chính trị. Vụ nổ súng của gia đình Romanov là kết quả của sự chia rẽ cực đoan trong xã hội Nga thành ''chúng ta'' và ''họ.” Kết quả của sự chia rẽ này có thể được nhìn thấy ngay cả bây giờ.

Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về ký ức lịch sử của dân tộc. Và đó là lý do tại sao chúng ta không thể không đến đây. Tôi phải ở đây với tư cách là một cá nhân và là tổng thống và xin cúi đầu trước những nạn nhân bị giết một cách dã man. Trong khi xây dựng một nước Nga mới, chúng ta phải dựa vào kinh nghiệm lịch sử của nó.

Chúng ta phải kết thúc thời đại của máu và bạo lực ở Nga, với sự ăn năn và hòa bình, bất kể quan điểm chính trị, dân tộc hay tôn giáo….”

Đấy là mấy dòng sơ qua về một vụ thảm sát đẫm máu, đầy man rợ mà tác giả là người mà chính quyền Nghệ An đang muốn dựng tượng. Rồi đây thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì khi được biết tội ác của nhân vật được dựng tượng? Tôi sợ rằng các vị sẽ rất khó giải thích và câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Việt Nam muốn hòa nhập với thế giới, muốn phát triển thành một đất nước văn minh thì cần phải những quyết định đúng đắn cho hợp với thời đại, nếu không sẽ trở nên lạc lõng.

Là chính quyền “của dân, do dân, vì dân” thì các vị nên biết lắng nghe và đưa ra quyết định đúng đắn.

ĐOÀN BẢO CHÂU 21.02.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.