Với virus corona, phải chăng Trung Quốc đang phải trải qua tai nạn Tchernobyl của mình?
Thoạt
nhìn thì hai cuộc khủng hoảng rất khác nhau : một bên là dịch bệnh đang
lan tràn, bên kia là một tai nạn nguyên tử rốt cuộc đã được khoanh lại,
cho dù ảnh hưởng vượt ra bên ngoài biên giới Liên Xô. Ngược lại, tác
động của cả hai sự kiện này đều bi kịch, trong nước cũng như ngoài nước,
xứng đáng được so sánh về tính chất của chế độ chính trị và các hậu quả
dẫn đến đối với hai nước này và phần còn lại của thế giới.
Cần
nhắc lại rằng vào tháng 4/1986, vào lúc xảy ra vụ nổ ở nhà máy điện
nguyên tử Tchernobyl, ông Gorbatchev, tân tổng bí thư Liên Xô đã hứa hẹn
sẽ minh bạch (glasnost). Thế nhưng phải mất gần mười ngày sau Matxcơva
mới nhìn nhận tai nạn, dưới áp lực từ nước ngoài vốn đã phát hiện vụ nổ
từ khi nó mới xảy ra.
Sau đó người ta biết được các điều kiện thảm
hại về những « người tình nguyện » bổ sung, không có trang bị bảo hộ
đặc biệt, được điều đến để cố chận lại thảm họa. Hàng trăm người trong
số đó đã chết vì sự bất cẩn này. Sự im lặng cộng thêm vô trách nhiệm đã
bộc lộ cung cách hoạt động của chế độ hãy còn toàn trị mà Gorbatchev cho
rằng có thể cải cách được.
Trong
dịp này Gorbatchev đã bị mất đi phần lớn sự tin cậy. Không phải từ nhân
dân Liên Xô, vốn không hề tin tưởng ông, nhưng từ các nước phương Tây
mà ông muốn dựa vào để giúp vực dậy một Liên bang Cộng hòa Xô viết đang
phá sản.
Dịch virus corona cũng đã tiết lộ những yếu kém của chế
độ cộng sản Trung Quốc, làm nghi ngờ khả năng bảo đảm vị trí trên trường
quốc tế mà Bắc Kinh đang đầy tham vọng. Trước hết, tất cả các lời chứng
đều phù hợp với nhau, khẳng định bản tổng kết số nạn nhân được chính
quyền tiết lộ nhỏ giọt mỗi ngày để chứng tỏ sự minh bạch, thật ra thấp
hơn rất nhiều so với thực tế.
Trong một chế độ hoàn toàn kiểm soát
mọi thứ, những con số này có thể nhào nặn tùy ý muốn. Sự tăng cường
kiểm duyệt trong thời điểm khủng hoảng càng làm gia tăng nghi ngờ.
Trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng vừa qua đời, người bị công an và báo chí
nhà nước buộc tội lan truyền tin đồn do đã cảnh báo nguy cơ virus từ
tháng 12, là minh họa cho sự bất lực của chế độ trong việc thông tin cho
dân của mình và cho thế giới một cách đàng hoàng. Theo nghĩa này, thì
có thể so sánh với vụ Tchernobyl.
Cuộc khủng hoảng dịch tễ này còn
cho thấy đại cường muốn nắm trọn thế giới trong tay vẫn là một nước kém
phát triển. Điều này đặc biệt đúng trong lãnh vực dịch vụ nhất là về y
tế, vì lãnh vực này chưa bao giờ là ưu tiên đối với các nhà lãnh đạo
Trung Quốc. Họ chỉ quan tâm đến tăng trưởng, sản xuất, thặng dư thương
mại, Con đường tơ lụa mới, sức mạnh quân sự, nhưng thờ ơ trước cuộc sống
người dân - ngoài nhiệm vụ người tiêu thụ mà chính quyền giao cho.
Ở
điểm này, lại có thể so sánh với những lỗ hổng đã bộc lộ qua tai nạn
Tchernobyl. Nhà máy nguyên tử của Liên Xô lúc đó lạc hậu, nhân viên
không có động lực làm việc. Tình trạng thảm hại của hệ thống y tế Trung
Quốc là một trong những nguyên nhân khiến virus độc hại có thể tung
hoành như thế.
Một vài hình ảnh có được nhờ mạng xã hội cho thấy
những bệnh nhân nằm la liệt, làm cho người ta nghĩ đến một nước thuộc
thế giới thứ ba. Việc xây dựng các bệnh viện dã chiến trong thời gian
ngắn ngủi đầy ấn tượng, được dàn dựng rất công phu, chỉ nhằm tuyên
truyền hơn là hiệu quả, vì vấn đề là đã chậm trễ mất nhiều thập niên.
Tác
động của hai cuộc khủng hoảng trên đây cũng xứng đáng được so sánh.
Dưới góc độ này, tình hình Trung Quốc hiện đáng lo hơn là Liên Xô hồi
trước, vào thời kỳ Tchernobyl. Thu mình lại, được bức màn sắt bảo vệ,
chính quyền xô viết có thể xử lý tai nạn mà không làm ảnh hưởng nhiều
đến nền kinh tế vốn đã hom hem.
Ngày nay, các biện pháp cô lập
khắc nghiệt áp đặt lên dân chúng để chận lại sự lây lan của virus gây
thiệt hại rất nhiều cho Bắc Kinh. Sức tiêu thụ rơi tự do, sản xuất thu
hẹp, tăng trưởng - mà chế độ dựa vào đó để có được tính chính danh -
đang xuống dốc. Việc cách ly một đất nước với toàn thế giới là thảm họa
cho phương thức phát triển luôn luôn lệ thuộc vào ngoại thương, vào sự
hội nhập thị trường quốc tế.
Hình ảnh của chế độ, của nhà lãnh
đạo Tập Cận Bình trở nên xám xịt, cũng như Liên Xô của Gorbatchev hồi
năm 1986. Bởi vì cuộc khủng hoảng này cùng với nỗi sợ hãi dịch bệnh mà
nó gây ra cho thế giới, đã làm sống dậy sự ám ảnh xưa cũ về « hiểm họa
vàng », khi Trung Quốc bị kẹt vào một vòng xoáy không thể kiểm soát,
trong đó nhà cầm quyền phải chịu một phần lớn trách nhiệm.
Tai nạn
Tchernobyl từng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của
Liên bang Xô viết năm năm sau đó. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,
người khổng lồ chân đất sét, như mọi chuyên gia đều biết, không thể
tránh khỏi tác động từ con virus này.
Tác giả Thierry Wolton kết
luận, dù sao đi nữa, trong lịch sử Trung Quốc cộng sản, đã có một cái
mốc trước và sau dịch virus corona. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh biết thế,
họ càng thêm lo sợ khi cuộc khủng hoảng có thể làm lung lay hệ thống
toàn trị của Trung Quốc.
Trong bài viết « Phải chăng Tập Cận Bình đã bị mất đi Thiên mệnh? », tác giả Renaud Girard trên Le Figaro cho rằng việc tập trung quyền lực vào tay một người duy nhất đã gây phản tác dụng.
Dưới
thời nhà Chu, hoàng đế được coi như Thiên tử, nhưng nếu bất tài, tham
tàn, không thu phục được nhân tâm thì mệnh trời có thể bị rút lại – theo
quan niệm Mạnh Tử.
Đưa « tư tưởng Tập Cận Bình » vào điều lệ
đảng, hủy bỏ quy định không được quá hai nhiệm kỳ để làm chủ tịch suốt
đời, phá vỡ nguyên tắc lãnh đạo tập thể…Việc nắm trọn quyền hành gần đây
không giúp gì được cho ông Tập. Đe dọa người dân Hồng Kông không thành
công, can thiệp vào bầu cử Đài Loan lại giúp kẻ thù đắc cử, chưa thắng
nổi Mỹ trong tranh chấp thương mại.
Tác giả đặt câu hỏi, một chế
độ đã bị mất đi sự ủng hộ của quần chúng có thể tồn tại được bao lâu?
Tại Nga, chủ nghĩa Lênin đã sống sót được hơn 60 năm, sau khi ám sát nền
dân chủ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.