mardi 25 février 2020

Trần Trung Đạo - Đọc hai bài thơ « Chiều đông » và « Con có một Tổ quốc »


Một lần trong nhiều năm trước, tôi được ban tổ chức đại hội sinh viên Bắc Mỹ mời đến nói chuyện với các bạn trẻ đại diện của khoảng 50 tổ chức thanh niên sinh viên Hoa Kỳ và Canada về tham dự đại hội lần thứ nhất, được tổ chức tại đại học Emerson, thành phố Boston.

Vì khẩu hiệu chính của đại hội là "Tôi là người Việt Nam" nên buổi tâm tình của tôi cũng tập trung chung quanh ý nghĩa của câu khẩu hiệu này. Trong buổi sáng tâm tình đó, tôi có dịp chia sẻ với các em niềm vui khi biết các em đã trưởng thành.

Đối với các em du học sinh, những người sinh sau cuộc chiến Việt Nam, có được cơ hội ra nước ngoài học hỏi, không phải em nào cũng là cộng sản.

Thành phố Boston, nơi tôi ở, là thành phố đại học nên tôi có cơ hội gặp khá nhiều sinh viên từ trong nước sang. Trong những lần gặp gỡ đó, có khi tôi cũng nghe vài em thao thao bất tuyệt về một "Bác Hồ anh minh và vĩ đại", nghe các em đọc dăm bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên đầy sắt máu hận thù, và cũng có khi nghe các em nói lên niềm hãnh diện về nước Việt Nam, nơi đó, cái gì cũng vượt trên tầm thời đại.

Trong những lần như thế, bạn bè tôi, nhiều người cảm thấy khó chịu, đứng dậy đi ra, một số khác e ngại và từ đó tìm cách tránh xa, nhưng tôi thì không.

Tôi ở lại với các em.

Tôi ở lại với các em vì tôi thật sự không tin những điều các em nói phát xuất từ trái tim trong sáng Việt Nam hay những bài thơ các em đọc phát xuất từ tâm hồn đầy ắp thi ca và nhân bản Việt Nam. Ý thức của các em khi sinh ra giống như một tờ giấy trắng, đảng Cộng Sản vẽ lên hình gì, sẽ hiện lên hình đó, chế độ độc tài sơn lên màu gì, sẽ hiện ra màu đó. Trách nhiệm lương tâm và đạo đức của những ai còn nghĩ đến tương lai dân tộc, không phải xé bỏ tờ giấy đó đi nhưng chỉ nên xóa đi màu đỏ của hận thù trong tâm thức của các em. Nếu làm được vậy, tấm giấy kia vẫn sẽ là tấm giấy Việt Nam. Thay vì đẩy các em về phía bóng tối, hãy giúp các em đi về phía ánh sáng của tình đồng bào, tình đất nước.

Tôi ở lại để nói với các em về một nước Việt Nam mà có thể các em chưa biết, một Việt Nam đang bị bỏ rơi tận đàng sau đuôi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật không ngừng của nhân loại. Thế giới mà các em đang đối diện không phải là thế giới mà các em đã học ở trong nước. Sau 1975, những nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tự mãn với hào quang chiến thắng của họ đến nỗi trở nên cô lập với thế giới bên ngoài. Hậu quả của căn bịnh kiêu căng đầy hoang tưởng đó là một Việt Nam suy thoái về mọi phương diện.

Tôi ở lại để nói với các em về lòng yêu nước, một đức tính vô cùng cao quý và đáng ca ngợi của dân tộc Việt Nam. Nhưng yêu nước là một tình yêu cần được soi sáng và hướng dẫn bằng trí tuệ chứ không phải là một thứ tình yêu cực đoan và mù quáng.

Tôi ở lại để nói với các em, dân tộc chúng ta đã được những gì sau cuộc chiến Việt Nam. Một thành quả của đảng Cộng Sản mà các em nghe hàng triệu lần là thống nhất dân tộc. Vâng, thống nhất dân tộc là một nhu cầu cần thiết. Không một người Việt yêu nước nào không muốn dân tộc Việt Nam thống nhất, nhưng liệu cần thiết đến nỗi phải đổi bằng thân xác của nhiều triệu người dân vô tội, hủy diệt mầm sống của 90 triệu người còn lại trong suốt nửa thế kỷ qua và hậu quả xã hội sẽ kéo dài không biết đến bao giờ.

Và tôi ở lại để nói với các em một điều hệ trọng hơn tất cả những điều đã nói, rằng, dù em sinh ra ở đâu, các em cũng nên hãnh diện để nói lớn rằng "Tôi là người Việt Nam." Định mệnh lịch sử khắc nghiệt đã đẩy các em vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều kiện trưởng thành khác nhau, nhưng tôi tin một ngày không xa, tất cả những người con yêu của mẹ Việt Nam sẽ gặp lại nhau tại một điểm hẹn huy hoàng của lịch sử, đó là ngày phục hưng dân tộc Việt Nam. Đó cũng là ngày, những người con của Mẹ Việt Nam ở năm châu bốn biển sẽ hẹn nhau về lại Phong Châu, quỳ trước điện Hùng Vương và cùng thưa với anh linh Quốc Tổ Việt Nam: "Con có một tổ quốc."

Tổ quốc của các em cũng là tổ quốc của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Trong đêm tối giữa nhà lao Phan Đăng Lưu hay trong buổi chiều mưa tầm tã, tay dắt bà mẹ già 90 tuổi trên đường lưu đày ra Thái Bình, ngài vẫn một tấm lòng son sắt với quê hương:

Nghe lòng xa vắng những chiều đông
Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng
Bát ngát núi xa mờ bóng cọp
Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng
Bao độ cà tan cà nở nụ
Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng son gởi núi sông
(Thơ Hòa thượng Thích Quảng Độ)

Tổ quốc của các em cũng là tổ quốc của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Trong giờ phút cùng cực của khổ đau hoạn nạn tại Cây Vông, Phú Khánh ngày 8-12-1975, ngài đã dặn dò lấy chính ngài và cũng nhắn nhủ các thế hệ mai trong bài thơ Con Có Một Tổ Quốc hùng hồn như trang sử:

Con có một Tổ Quốc: Việt Nam
Quê hương yêu quý ngàn đời
Con hãnh diện
Con vui sướng
Con yêu non sông gấm vóc
Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn
Con yêu chiến sĩ hào hùng
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn
Núi cao cao, xương chất cao hơn
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn
Nước tuy nhỏ nhưng danh vang
Con phục vụ hết tâm hồn
Con trung thành hết nhiệt huyết
Con bảo vệ bằng xương máu
Con xây dựng bằng tim óc
Vui niềm vui đồng bào
Buồn nỗi buồn của dân tộc
Một nước Việt Nam
Một dân tộc Việt Nam
Một tâm hồn Việt Nam
Một văn hoá Việt Nam
Một truyền thống Việt Nam.
(Thơ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận)

Tôi tin một ngày không xa, các em học sinh Việt Nam sẽ có cơ hội đọc lớn những bài thơ của các ngài trong giờ Việt Văn ở trường học các em, và bên ngoài cửa lớp, những cánh chim họa mi đang cất cao tiếng hót, báo hiệu mùa Xuân đang về trên quê hương không còn hận thù, rẽ chia, ngăn cách.

Cám ơn Đức Hồng Y, cám ơn Đại Lão Hòa Thượng đã trao cho chúng con và các thế hệ mai sau niềm hy vọng Việt Nam.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.