mercredi 5 février 2020

Thái Vũ - Từ Tân Sơn Nhất về O’Hare, Chicago trong mùa dịch virus Corona



Hành khách xếp hàng nhập cảnh vào Mỹ tại phi trường O’Hare, Chicago. (Hình: Thái Vũ)

(Người Việt 04/02/2020) Lời Tòa Soạn: Ông Thái Vũ, một người gốc Việt, cư dân thành phố Greendale, tiểu bang Wisconsin, vừa trở về từ Sài Gòn, Việt Nam, hôm 3 Tháng Hai, 2020, bằng chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific, qua ngả phi trường O’Hare, Chicago. Trở về nhà, ông Thái Vũ đã viết lại những gì ông trải qua trên chuyến bay trong mùa dịch virus Corona cho nhật báo Người Việt nhằm chia sẻ cùng độc giả.

Giữ “khoảng cách” với người Hoa

Về lại Mỹ, quá cảnh Hồng Kông, nên chuyến bay, từ Tân Sơn Nhất tới Hồng Kông, người nói tiếng Hoa là chủ yếu.

Chúng tôi tới Tân Sơn Nhất lúc lúc 3 giờ sáng ngày 3 Tháng Hai, 2020, quầy check-in của hãng hàng không Cathay Pacific chưa mở, nhưng dòng người xếp hàng đã dài. Quan sát từ xa, cứ thấy có những đoạn (chừng 4, 5 xe chất đầy hành lý) cách nhau với những đoạn khác của dòng người. Thì ra, đó là những nhóm người nói tiếng Hoa. Những người xếp hàng cố tình đứng cách xa họ ít nhất 1 mét.

Thường ngày, bất kỳ chỗ nào, chứ không chỉ phi trường, người Hoa luôn ồn ào, í ới gọi nhau, quát tháo, mắng con, chửi chồng, điện thoại, đoàn du lịch thì vẫy cờ dắt đoàn như hành quân… Nhưng hôm nay lạ lắm, họ lặng lẽ, khẩu trang kín mít, không “nị hảo, sé sé, sa lủm, sa thầy,” hay cười hô hố… Họ chỉ thì thầm qua khẩu trang. Có ồn ào chăng chỉ là tiếng cười nói của mấy đứa trẻ con mà thôi. Họ rất lặng lẽ.

Nhận ra họ từ đâu cũng không quá khó, người Hồng Kông nói tiếng Anh nghe rõ lắm, cũng rõ như khi nghe người Singapore nói Singlish, dân Thượng Hải thì cao ráo trắng trẻo, điềm đạm. Còn dân Đại Lục (Mainland China) thì rõ rồi, quần áo hầm bà lằng, không nói một câu tiếng Anh, quát tháo chồng con như đang ở nhà và huyên thuyên đủ chuyện trên Viber.

Nhưng người Đại Lục tại Tân Sơn Nhất hôm nay yên ắng lắm. Họ tụ lại thì thầm và biết là mình đang bị chính người Hoa Thượng Hải, Hồng Kông… giữ khoảng cách.

Máy bay của hãng hàng không Cathay Pacific tại phi trường Hồng Kông cho chuyến bay về Mỹ. (Hình: Thái Vũ)
Tờ báo cho hành khách là tờ South China Morning Post chạy tiều đề to nhất “Các nhân viên y tế Hồng Kông sẽ biểu tình nếu không đóng biên giới với lục địa” càng làm không khí xa cách thêm… xa.

Qua máy kiểm tra an ninh, cô nhân viên “xì là xì lồ” tiếng Hoa với mình, mình cố ý nói to: “I do not speak Chinese, I speak Vietnamese and can speak English, Russian.”

Cô nhân viên an ninh kia bảo “cháu chỉ yêu cầu chú tháo dây lưng, giầy và cái bao đeo trước bụng.”

“Thì cháu cứ nói tiếng Việt đi, bộ chú nhìn giống người Hoa lắm à?”

Khi lên máy bay, có hai bà người Hoa kia nhất định không ngồi chung với một khách người Hoa khác, họ lấy lý do là chân bị đau, ngồi chỗ đó không hạp.

Một bà người Hoa khác ngồi vị trí cửa thoát hiểm, bà đi máy bay với dịch vụ hỗ trợ (ngồi xe lăn) nên phải đổi chỗ (ngồi chỗ thoát hiểm phải đạt 1 số điều kiện), bà ta nhất định không chịu. Họ cãi nhau bằng tiếng Hoa nên chả hiểu, nhưng biết chắc bà kia chửi “ĐM… chúng mày.”

Mình hy sinh chọn chỗ ngồi giữa, cho vợ ngồi cửa sổ (bả chỉ muốn ngồi vị trí đó để dễ ngủ). Cậu thanh niên người Hoa nói tiếng Anh hoàn hảo, ngồi cạnh bảo: “Anh yên tâm, em là dân Thượng Hải, du học sinh trở lại Mỹ, em không bị gì hết, anh chị cần bước ra thì cứ việc nói, vì em sẽ luôn ngồi yên nhắm mắt như ngủ nhưng không ngủ.” Thằng bé thật biết điều và chu đáo.

Từ máy bay, đến phi trường, khắp nơi đều có biển báo, màn hình tivi cảnh báo virus Corona. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời, hai vợ chồng đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay.

Các bảng thông báo vì virus Corona trên màn hình phi trường. (Hình: Thái Vũ)
Chuẩn bị tinh thần khi qua Hồng Kông và về đến Mỹ

Dưới đây là một số điểm mới nhất mình vừa trải qua trong chuyến đi để mọi người đang lục đục về lại Mỹ sau kỳ nghỉ Tết chuẩn bị tinh thần.

1-100% người trong phi trường bất kỳ ai cũng đều đeo khẩu trang. Vì thế nếu bạn không đeo khẩu trang thì rất… lạ. Dù như đã nói, khẩu trang không bảo vệ hoàn toàn nhưng ít nhất, nó làm cho người xung quanh không thấy khó chịu. Nên chuẩn bị cho mình mấy cái khẩu trang dùng trên đường đi. Mình chỉ mang 1 cái, bị hư. May có một người Việt cùng đi san sẻ cho 2 cái.

2-Tập hắt hơi, sổ mũi, ho cho đúng cách, dù nhiều khi ăn phải miếng ớt cay cũng ho. Không khí trong phi trường căng thẳng, vì ai cũng đeo khẩu trang sùm sụp, không nói chuyện ồn ào như thường lệ. Nên nếu ta ho, sẽ bị để ý lắm. Và, đừng đứng quá gần người khác. Không thì họ né ra ta sẽ bị quê.

3-Tại phi trường Hồng Kông, ngoài “Temp Screening” (kiểm tra thân nhiệt) tức thời, nghĩa là với cổng của Cathay Pacific sẽ có một nhân viên dí cái máy đo thân nhiệt lên trán, còn có các trạm đo kỹ hơn nếu có bất thường.

Cũng tại phi trường Hồng Kông, sẽ có nhân viên an ninh gọi là AVSECO tới từng người khi đang đợi ở cửa lên máy bay, thẩm vấn travel history (thời gian địa điểm đi lại trong thời gian qua), luggage security (an ninh hành lý, có ai đóng giùm không, có bao nhiêu kiện, trong các kiện đó có máy móc điện tử gì,….) và sẽ phải qua một cửa an ninh kiểm tra hộ chiếu lần cuối trước khi đưa vé lên máy bay.

4-Tại phi trường O’hare mới “thấm đòn” virus Corona

Các chuyến bay từ Trung Quốc (lục địa) tới đều bị hủy nhưng các chuyến quá cảnh tại Hồng Kông thì vẫn được, có điều tất cả hành khách phải qua một trạm kiểm dịch (quarantine) rất mất thời gian.Theo làn nhập cảnh riêng, hộ chiếu bị giữ cho đến khi qua trạm kiểm soát. Mình mất hơn 3 tiếng chờ đợi mới tới phiên và cho qua. Mệt mỏi vô cùng.

Các nhân viên An Ninh Nội Địa thường ngày rất kiêu ngạo nhưng hôm nay phải tiếp nước cho người chờ. Ai đi “connection flights” (bay nối chuyến tiếp tới đâu) là phải xem, nói trước với viên chức nhập cảnh để họ ưu tiên thế nào, nếu không lỡ chuyến bay là cái chắc.

5-Về Việt Nam nhưng đi du lịch nước nào, nhất là Trung Quốc thì phải cẩn thận. Khai báo cho rõ ràng. Từ ngày 2 Tháng Hai, 2020, Mỹ đã ngưng nhập cảnh du khách hoặc người từ Hồ Bắc, tỉnh có thành phố ổ dịch Vũ Hán. Nếu những người này là công dân Mỹ, thì sẽ phải cách ly 14 ngày để theo dõi.

Còn nếu có triệu chứng nhiễm virus, toàn bộ chuyến bay đó sẽ bị đem đi đâu thì không biết!

THÁI VŨ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.