vendredi 7 février 2020

Đặng Sơn Duân - Không có tự do để nói lên sự thật, không có tự do để chết đi


Trái tim của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán và bị cảnh cáo về việc này, đã ngừng đập vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 6.2.

Những nỗ lực cấp cứu đều vô ích. Các bác sĩ đồng nghiệp của anh đã thông báo tin buồn này cho nhiều phóng viên tụ tập ở bệnh viên trung ương Vũ Hán đưa tin về việc điều trị dịch corona.

Từ những cơ quan truyền thông quốc doanh thập thành như Nhân dân Nhật báo, Hoàn cầu Thời báo cho đến những tờ báo chuyên nghiệp bậc nhất ở Trung Quốc như Tài Tân đều đã phát đi tin tức xáo động nhân tâm này.

Như một con đập khổng lồ vỡ tung sau một sự dồn nén cảm xúc cực độ kéo dài vài tuần lễ qua, vô số dòng trạng thái phản ứng ùa ra như thác lũ trên mạng xã hội ở Trung Quốc.

Hàng triệu người trong số đó đang sống trong cảnh như bị giam lỏng trong chính ngôi nhà của mình, vì lệnh phong tỏa để phòng chống bệnh dịch mà bác sĩ Lý đã lần đầu tiên cảnh báo cho những đồng nghiệp của mình vào ngày 30.12.2019.

Cơn đau buồn mau chóng trở thành phẫn nộ. Trong lúc vinh danh và tưởng nhớ người anh hùng của những người bình thường này, hàng triệu người cũng tự hỏi về những hậu quả từ việc nhà cầm quyền bịt miệng bác sĩ Lý và 7 đồng nghiệp của ông.

Trong một sự đoàn kết hiếm thấy nhiều thập niên qua, gần như mọi thành phần trong xã hội Trung Quốc hòa nhịp thống thiết kêu gào về một thứ: Tự do ngôn luận, điều lẽ ra có thể đã cứu mạng bác sĩ Lý và cứu cho Trung Quốc khỏi những điêu tàn hiển hiện của cơn dịch đang hoành hành.

Trend liên tục xuất hiện như sóng Trường Giang, lớp này bị kiểm duyệt thì lớp khác nổi lên. Hashtag “Chúng tôi muốn tự do ngôn luận” vừa mất tăm thì hashtag “Chúng tôi ĐÒI HỎI tự do ngôn luận” lập tức được hàng triệu người chia sẻ. Người ta chưa từng chứng kiến một phản ứng tập thể nào ở mức độ như thế, ít nhất từ năm 1989.

Đột nhiên, bệnh viên trung ương Vũ Hán thông báo bác sĩ Lý vẫn chưa chết và đang được cứu chữa bằng kỹ thuật Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO), hay là chạy tim phổi nhân tạo.

Những bản tin buồn lần lượt biến mất, hàng triệu người ngây thơ cầu nguyện và thầm mong vào một phép lạ. Nhưng cũng hàng triệu người khác biết thừa nhà cầm quyền đang mua thời gian để có thể ứng phó trước cơn giận dữ chưa từng thấy trong xã hội, khi mà bộ máy kiểm duyệt khổng lồ gần như bất lực.

Giới nhà báo và bác sĩ tại bệnh viện Vũ Hán choáng váng và phẫn nộ. Các phóng viên biết chắc họ đã đưa những bản tin chính xác. Các bác sĩ biết chắc đồng nghiệp của họ đã ra đi.

Sử dụng ECMO VÀI TIẾNG sau khi tim đã ngừng đập? Bác sĩ Lý đang được cải tử hoàn sinh không phải bằng một liệu pháp y tế mà bằng một quyết định chính trị. Vị bác sĩ đáng kính chưa được phép chết khi mà Trung Nam Hải vẫn chưa suy nghĩ ra cách đối phó với cơn cuồng phong bạo vũ từ cái chết của anh.

Đó là một cuộc cấp cứu không phải cho sinh mệnh của bác sĩ Lý mà là cho uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc và những nhà lãnh đạo độc đoán của nó - một cuộc cấp cứu chính trị, một sự hành hạ kinh tởm xác thân của vị bác sĩ anh hùng.

Trần Khánh Khánh, cô phóng viên yêu đảng thuần thành của tờ Hoàn Cầu thời báo trong tâm trạng gần như nổi loạn giận dữ viết trên mạng: “Bác sĩ Lý không có tự do để nói lên sự thật. Không có cả tự do để chết”. “Cách đây vài tuần người ta không cho anh tự do để nói sự thật. Nay họ cũng khước từ quyền tự do chết đi của anh”, một phóng viên khác viết.

Hình các bác sĩ cúi đầu chào tiễn biệt người đồng nghiệp ngay trước cửa phòng ECMO mà người ta nói là đang nỗ lực cứu chữa bác sĩ Lý bên trong xuất hiện trên mạng như một cái tát vào sự dối trá kinh tởm.

“Các người tưởng chúng tôi sẽ đi ngủ, nhưng chưa đâu, chúng tôi còn thức!”, dòng trạng thái tưởng không liên quan lại được hàng triệu lượt chia sẻ. Nó hàm ý họ biết nhà cầm quyền cố gắng sử dụng bài vở kéo dài việc thông báo cái chết khi trời đã sang ngày, khi nhiều người say ngủ để giảm nhẹ phản ứng.

“Anh có thể làm việc này không? Anh có hiểu không?” là một hashtag trending khác. Đó là hai câu hỏi mà bác sĩ Lý phải trả lời và điểm chỉ trong biên bản khiển trách trước đó. “Việc này” chính là im lặng và “hiểu” chính là hiểu anh sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn nếu “tái phạm”.

Bác sĩ Lý không phải là một người hùng tạo thời thế, đội đá vá trời. Anh chỉ là người bình thường, anh không đăng tải thông tin công khai trên mạng hay là whistleblower đúng nghĩa. Anh chỉ cảnh báo cho những người đồng nghiệp, và anh cũng cam chịu khi bị trả đũa như đại đa số những người thấp cổ bé họng bình thường khác.

Nhưng chính sự bình thường đó khiến anh trở thành một nhân vật gây chấn động nhân tâm. Bởi người dân Trung Quốc nhìn thấy chính họ trong khổ nạn của anh. Bất kỳ người bình thường có lương tri nào cũng có thể trở thành như bác sĩ Lý, cũng có nỗi phẫn uất như anh.

Và họ cảm thấy “đã đủ rồi”. Hậu quả kinh hoàng đã nhãn tiền và tình trạng này không thể kéo dài hơn được nữa. “Chúng tao không hiểu. Mẹ kiếp!”, cũng là một hashtag trending khác, trả lời cho câu hỏi “Anh có hiểu không?” khi mà người ta vẫn đang dối trá rằng bác sĩ Lý đang được cứu chữa.

Một bức hình xúc động khác cũng trở nên viral trên mạng. Đó là hình ảnh một thiên thần đeo khẩu trang đang dìu bác sĩ Lý bay lên trời, giữa không trung một chiếc kéo thò ra cắt phăng đôi cánh thiên thần. Chiếc kéo kiểm duyệt, chiếc kéo của nhà cầm quyền chưa cho bác sĩ Lý ra đi, buộc anh phải lưu lại trần thế vài tiếng nữa, để cứu chữa cho sinh mệnh chính trị của họ.

Nhưng như một hệ thống không thể sửa chữa luôn phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác mỗi khi có khủng hoảng, những nỗ lực lấy giấy gói lửa trên chỉ càng khiến dư luận Trung Quốc giận dữ hơn.

Điều gì đến cũng phải đến, rạng sáng, Bệnh viện trung ương Vũ Hán thông báo bác sĩ Lý qua đời vào lúc 2 giờ 58 phút ngày 7.2, sau những nỗ lực cứu chữa. Một chỉ thị tuyên giáo cũng được ban hành, yêu cầu các tổ chức truyền thông tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn dẫn nguồn, cấm mở bình luận, từ từ hạ nhiệt những tìm kiếm về bác sĩ Lý…

Nhưng, như một phóng viên đã viết: “Là một nhà báo, tôi sẽ không viết bác sĩ Lý chết vào rạng sáng nay như họ thông báo. Bác sĩ Lý đã chết lúc 21 giờ 30 đêm 6.2”.

Đối với nhiều thế hệ, từ những người trưởng thành sau năm 1989 cho đến lớp lớn lên giữa sự bùng nổ về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc trong thập niên 2000, những gì xảy ra đêm qua đã mở mắt cho họ. Họ đã biết có một thứ cần đòi hỏi: “Tự do ngôn luận”.

“Vô số người trẻ sẽ trưởng thành qua đêm nay: Thế giới không đẹp như chúng ta từng tưởng tượng. Các bạn có giận dữ không? Nếu bất kỳ ai trong số chúng ta ở đây có vinh dự lên tiếng vì công chúng trong tương lai, làm ơn hãy nhớ đến nỗi giận dữ của các bạn đêm nay!”.

Giới cầm quyền Trung Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vài thập niên qua. Có thể họ sẽ không mất ngay vai trò lãnh đạo ở Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng có một thứ họ đã mất đi rất nhiều trong đêm qua: sự chính danh.

ĐẶNG SƠN DUÂN 07.02.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.