dimanche 1 décembre 2019

Lưu Trọng Văn - Alexandre de Rhodes: Trái tim tôi vẫn còn mãi ở nơi này


Sáng 30.11 Đại học Văn Lang Sài Gòn (có 33.000 sinh viên) tổ chức Hội thảo kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ chính thức được vua Khải Định công nhận.

Hội thảo trên có mặt hơn 20 giáo sư tiến sĩ hàng đầu chuyên ngành ngôn ngữ, văn học, lịch sử cùng lãnh đạo Hội Ngôn ngữ Việt Nam, Hội Ngôn ngữ TP.HCM.

Diễn giả chính là tiến sĩ Kiều Ly, người trước các giáo sư tiến sĩ hàng đầu của Pháp vừa bảo vệ rất thành công luận án tiến sĩ về Lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ. Ts Kiều Ly với các chứng cứ lịch sử, khoa học sau nhiều năm tìm hiểu nghiên cứu công phu tại các kho tàng sử liệu tại Pháp, Bồ Đào Nha, Vatican, Ý... đã chứng minh rõ ràng vai trò sáng tạo của các cha Dòng Tên: Pina, Amaral, Borbasa, Rhodes.

Đặc biệt Ts Kiều Ly đã đưa ra chứng cứ có hai cuộc hội thảo khoa học của các nhà ngôn ngữ và các cha Dòng Tên, do Vatican và Hội Dòng Tên đứng ra tổ chức tại Macao thuộc Bồ Đào Nha về chữ Quốc ngữ.  Cùng với các báo cáo thường xuyên của các cha về việc ghi âm tiếng Việt bằng tiếng Latinh gửi về Vatican chứng minh rằng việc sáng tạo chữ Quốc ngữ là việc làm có hệ thống và tổ chức của Vatican. Đồng thời Ts Kiều Ly còn công bố, ngoài các cha nêu tên trên còn có các cha Fontes, Majorica đã góp công rất lớn vào việc sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ mà Dân tộc chúng ta còn nợ các cha lời tri ân.

Tham luận của tiến sĩ ngôn ngữ Hoàng Dũng đánh giá vai trò của cha Alexandre de Rhodes khi soạn từ điển Việt-Bồ-La không chỉ vấn đề dịch từ, mà đây còn là bộ sách lớn giá trị về khảo cứu lịch sử, đời sống văn hóa của Đại Việt từ thế kỷ 17. A.Rhodes rất công phu giải nghĩa từng từ Việt và lý do vì sao có từ đó do phong tục tập quán nào của người Việt.

Ts Hoàng Dũng khẳng định Alexandre de Rhodes không chỉ là nhà khoa học ngôn ngữ uyên thâm mà còn là nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam vô cùng xuất sắc, đồng thời là người có tấm lòng tha thiết yêu VN.

Ngày 3.7.1645 khi bị trục xuất khỏi Đại Việt Alexandre de Rhodes đã viết: “Thân thể tôi rời khỏi Đàng Trong nhưng trái tim tôi vẫn còn mãi ở lại nơi này, cả Đàng Ngoài nữa”.

Ts Hoàng Dũng cũng chứng minh các luận điểm của 11 trí thức kiến nghị Đà Nẵng dừng đặt tên đường Alexandre de Rhodes vì ông kêu gọi người Pháp xâm lăng Việt Nam là sai, do dịch thuật sai lời Alexandre de Rhodes nói. Và hành động như vậy là vô ơn với Alexandre de Rhodes.

Ts Hoàng Dũng trong tham luận của mình còn đưa ra lịch sử vai trò của một người Việt Nam có công không nhỏ góp vào việc sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ, đó là cha Philiphe Bỉnh. Cha Philiphe Bỉnh đã viết 35 cuốn sách liên quan đến việc hình thành, sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Gs.Ts Nguyễn Văn Hiệp, viện trưởng Viện Ngôn ngữ Việt Nam - người quyết định bỏ chuyến đi nước ngoài để từ Hà Nội vào dự hội thảo - có tham luận khẳng định giá trị của chữ Quốc ngữ cũng như khẳng định công lao to lớn của các cha Dòng Tên sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Gs.Ts Nguyễn Văn Hiệp nêu lên lịch sử nhiều cuộc cải cách chữ Quốc ngữ đã thất bại thế nào, và ông đề nghị hãy chấm dứt các ý tưởng làm sai lệch chữ Quốc ngữ đi, mà hãy làm đẹp nó bằng những lời hay ý đẹp của cuộc sống.

Trong hội thảo Ts văn học Đoàn Lê Giang của Đại học Quốc gia TP.HCM có nêu lo ngại chữ Quốc ngữ làm mất đi sự sâu sắc của loại chữ Hán tượng hình, rằng dùng chữ Quốc ngữ dân tộc ta bị kém cỏi đi và tụt hậu so với các nước Nhật, Hàn, Trung Quốc.

Tại diễn đàn hội thảo không ai tranh luận ý kiến này, nhưng dưới khán phòng nhiều Gs.Ts cười bảo: sự lo ngại vớ vẩn. Bắc Triều Tiên vẫn dùng chữ gốc Hán đó mà vẫn nghèo kém. Vấn đề phát triển hay không là do thể chế chứ đâu do ngôn ngữ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.