lundi 30 décembre 2019

2019, năm đại xui xẻo của Tập Cận Bình (1)



Biểu tình ở Hồng Kông ngày 22/12/2019 ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.
(Frédéric Lemaître, LeMonde 30/12/2019) Hồng Kông, vụ lộ tài liệu mật Tân Cương, và sự đối đầu với Hoa Kỳ đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc.

Những lá cờ được giơ lên hôm Chủ nhật 22/12/2019 ở Hồng Kông trong một cuộc biểu tình ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, là một tổng kết không thể nào hay hơn, về những khó khăn chồng chất mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt vào cuối năm 2019.

Ngoài những băng-rôn đen cổ vũ cho sự độc lập của Hồng Kông – vốn hầu như vắng mặt vào đầu phong trào phản kháng hồi tháng Sáu – người ta còn trông thấy những lá cờ màu xanh của Đông Thổ (Turkestan, tên mà những người muốn độc lập đặt cho Tân Cương), cờ Tây Tạng, cờ Đài Loan, kể cả cờ Mỹ và Úc, thậm chí cờ Liên hiệp châu Âu.

Khởi đầu hôm 2 tháng Giêng bằng một bài diễn văn hiếu chiến của Tập Cận Bình về sự cần thiết phải « tái thống nhất » Đài Loan và Trung Quốc, năm 2019 nay tỏ ra là một năm đại xui xẻo của chủ tịch Trung Quốc. Đó là năm mà tình hình kinh tế tiếp tục suy sụp – điều tệ hại cho một nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi mà một sự cố nhỏ trong nước đều mang lại tai tiếng trên trường quốc tế.

Những nhân viên sốt sắng của một thư viện ở Cam Túc đã đốt khoảng 60 cuốn sách « sai lầm về chính trị » ? Sự xúc động của quốc tế về hành vi này của chính quyền địa phương khiến người ta phải giả vờ « mở điều tra » và rồi trừng phạt một nhân viên quèn. Nhưng đây chỉ là chuyện vặt, nếu so sánh với hai cuộc khủng hoảng lớn : Tân Cương và Hồng Kông.

Săng-ta

Việc bắt nhốt một triệu người Hồi giáo trong các trại cải tạo ở Tân Cương, trong thời gian đầu chỉ mới được các nhà đấu tranh nhân quyền và nhà báo phương Tây chú ý. Nay thì người Trung Quốc bắt đầu nói đến, Quốc hội Mỹ nắm lấy hồ sơ, và châu Âu tỉnh thức. Vấn đề thật là trầm trọng : việc báo New York Times hồi tháng 11 công bố trên 400 trang tài liệu mật của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiết lộ với thế giới những bất đồng ngay trong nội bộ đảng về chủ đề này.

Nhưng năm 2019 có lẽ là năm của khủng hoảng Hồng Kông. Cuộc khủng hoảng nặng nề nhất mà Trung Quốc gặp phải kể từ sau « sự cố Thiên An Môn » năm 1989, một lần nữa chứng tỏ một bộ phận giới trẻ sẵn sàng hy sinh tính mạng thay vì sống trong một Trung Quốc cộng sản. Cuộc biểu tình mới nhất tại Hồng Kông để tỏ tình liên đới với người Duy Ngô Nhĩ hôm 22/12 là hành động đầu tiên loại này. Cả hai cuộc khủng hoảng đều gây ra những phản ứng rộng rãi của quốc tế, khiến Trung Quốc phải trải qua những ngày tồi tệ nhất.

Khi tẩy chay Liên đoàn Bóng rổ chuyên nghiệp Bắc Mỹ (NBA) vì một huấn luyện viên ủng hộ người biểu tình Hồng Kông ; rồi đến tháng 12 lại loại khỏi chương trình truyền hình một trận đấu của câu lạc bộ bóng đá Anh Arsenal vì một cầu thủ Đức, Mesut Ozil tố cáo chính sách tại Tân Cương, Trung Quốc đã cho thấy họ muốn hạn chế tự do ngôn luận không chỉ đối với công dân nước mình, mà còn vượt ra ngoài biên giới. Một kiểu săng-ta mà nạn nhân còn là nhiều doanh nghiệp, thậm chỉ cả các quốc gia - nhất là Thụy Điển - vì cái tội đã không chiều theo ý muốn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hậu quả : theo điều tra mới nhất của Pew Research Center, hình ảnh của Trung Quốc là tiêu cực tại hầu hết trong số 34 quốc gia được thăm dò, và lại còn tệ hại hơn tại 17 nước. Chủ yếu là ở Bắc Mỹ, Tây Âu, nhưng cả ở Indonesia – quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, và Philippines, mặc cho Bắc Kinh đã đổ ra hàng tỉ đô la trong kế hoạch đại quy mô « Con đường tơ lụa mới ». Ngay cả Hy Lạp, nước châu Âu được hưởng ơn mưa móc nhiều nhất, cũng bị chia rẽ. Chỉ có 51% người Hy Lạp có ấn tượng tốt về Trung Quốc.

Tồi tệ nhất tất nhiên là ở Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất là các nhà lãnh đạo Trung Quốc dùng làm mốc để so sánh. Hình ảnh Trung Quốc vốn đã không tích cực, nay sụt thêm 12 điểm : chỉ có 26% người Mỹ có cảm tình, trong khi đến 60% có ác cảm. Cho dù đã có thỏa thuận bước đầu về tạm hưu chiến trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, trong năm 2019 chưa thấy có sự cải thiện nào về hồ sơ quan yếu này. Trung Quốc có cảm giác tệ hại mình chỉ là một con cờ trong chiến dịch của ông Donald Trump nhằm tái đắc cử vào năm 2020. Và cuộc xung đột này khiến Trung Quốc phải chịu đựng nhiều thiệt hại.

(Còn tiếp phần 2)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.