vendredi 27 décembre 2019

Ryan Duong - Tác giả ca khúc « Dư Âm » qua đời và ước nguyện mặc áo dòng không thành


(Saigon Nhỏ 26/12/2019) Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả ca khúc Dư Âm đã qua đời lúc 17h15 ngày 26-12-2019 tại nhà riêng, thọ 94 tuổi.

Theo tài liệu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5-3-1925 tại Vinh, Nghệ An, quê gốc ở Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông thông thạo bát âm của miền quê Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào.

Cũng theo một số tư liệu về ông, thuở bé nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý học ở Trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca.

Vào lúc 11 giờ đêm ngày 26-12-2019, phóng viên Saigon Nhỏ có mặt tại nhà riêng của nhạc sĩ khi được tin ông qua đời. Một người thân trong gia đình đã kề cận chăm sóc ông những ngày cuối đời cho biết: "Di nguyện của ông là được mặc áo dòng khi nhắm mắt và khi làm lễ nhập quan. Đó là lý do khi ông qua đời, tôi mặc cho ông chiếc áo dòng này."

Theo hình ảnh do phóng viên Saigon Nhỏ ghi nhận được lúc đó, có thể lúc sinh tiền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã tham gia sinh hoạt với một Hội Dòng Ba (là hội dòng dành cho thành phần giáo dân trong Giáo hội Công giáo), nên khi qua đời, ông đã có di nguyện được khâm niệm với bộ áo dòng như một hình thức xác tính niềm tin của ông với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vào khoảng 11h30, người con rể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về đến nhà, đã thay chiếc áo dòng của ông trước khi làm lễ nhập quan. Khi phóng viên Saigon Nhỏ hỏi lý do, những người hàng xóm của ông có mặt lúc đó chỉ nói: "Đến khi nhắm mắt ông vẫn không yên."

Qua nhiều thông tin từ truyền thông trong nước cho biết, năm 2000, ông được Nhà nước CSVN trao tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh."

Người Hà Nội đi xem phim “Kiếp Hoa” (Hình: TTO)
Dư Âm: Một ca khúc ngậm ngùi và một niềm tự hào của phim truyện Việt Nam

Một số tài liệu âm nhạc ghi lại lời kể của ông lúc sinh thời về ca khúc Dư Âm, đó là vào cuối năm 1950, khi về chơi ngang nhà người bạn ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An:

“Đây là một hình ảnh hoàn toàn có thực. Người con gái mà tôi yêu đó, ít hơn tôi gần 10 tuổi. Cho nên lúc đó gia đình cô không cho phép tiến tới hôn nhân. Người con gái đó đã phản ứng khi lần cuối cùng gặp nhau là nàng đợi đêm đến lúc trăng lên, mới ra sau nhà gội đầu, rồi ôm đàn ra hát. Đó là một cơn điên trong người nàng, như một phản ứng quyết liệt chống lại gia đình phong kiến. Và gửi cho tôi một lời thông điệp. Cho nên tôi ghi nhận hình ảnh đó một cách trọn vẹn. Đó cũng là hình ảnh tôi đã ấp ủ bấy nhiêu năm, và tôi vẫn coi đó như một nguồn cảm hứng để viết lên những lời ca trong bài Dư Âm.”

Hơn thế nữa, ca khúc Dư Âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã được dùng làm nhạc chính cho "Kiếp Hoa", phim truyện đầu tiên quay tại Việt Nam năm 1953, được mệnh danh là niềm tự hào của nhà làm phim Việt.

Vợ chồng ông bầu Trần Viết Long - Kim Chung mời những nhà làm phim ở Hồng Kông về Việt Nam để thực hiện bộ phim Kiếp Hoa do chính ông viết kịch bản, lấy bút danh là Trần Lang. Vai nữ chính do vợ ông, nữ nghệ sĩ Kim Chung và em dâu là Kim Xuân, hai ngôi sao cải lương thời kỳ đó đảm nhận.

Hai ngôi sao của đoàn cải lương Kim Chung: Kim Chung (trái) và Kim Xuân (phải) (Hình: TTO)
Những ai từng được xem Kiếp Hoa lúc đó (hoặc sau này) trên các phương tiện truyền thông xã hội rất thích thú với phần song ca của hai nghệ sĩ Kim Xuân và Kim Chung ca khúc Dư Âm. "Không gian của cảnh đó trên phim đã hiển hiện rõ nhất cuộc sống đài các, thanh lịch, tri thức của người Hà Nội giữa thế kỷ 20, khi mà nền văn hóa Hà thành chưa bị chế độ Cộng sản tra tấn và truy diệt." Một người “Hà Nội xưa” từng xem qua phim truyện Kiếp Hoa, nay đang định cư ở Quận Cam, California nói.

Kiếp Hoa còn là một "huyền thoại" trong ký ức của người Hà Nội cũ với màn ra quảng bá phim có thể nói "có một không hai" cho đến ngày hôm nay, đó là ông bầu Trần Viết Long đã thuê chiếc máy bay dân dụng để thả các tờ quảng cáo phim xuống khu vực Bờ Hồ, Hà Nội.

Nữ ca sĩ Ánh Tuyết, người chuyển tải thành công ca khúc Dư Âm, trong một ngày đến thăm ông, đã viết lại lời tâm sự của nhạc sĩ: "Chú sống được đến bây giờ là nhờ những dư âm đó đấy."

Những năm cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mang nhiều chứng bệnh như cao huyết áp, viêm phổi, đau cột sống…10 giờ ngày 27-12, linh cữu ông được di quan ra Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ an táng ông vào sáng 29-12 tại Nghĩa trang hoa viên Bình Dương. Nơi đây có nhiều nghệ sĩ đang yên nghỉ: Nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Sơn Nam, soạn giả Viễn Châu, GS-TS Trần Văn Khê, nhà thơ Kiên Giang...

* Theo Wikimedia, năm 1948, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Sau đó, từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Bản Dư âm nổi tiếng được ông sáng tác khoảng 1950 sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, Dư âm viết về cô em gái của người bạn đó[3]. Cũng vì bản nhạc này ông bị đơn vị đưa ra kiểm điểm vì đã sáng tác một bài hát quá ủy mị, không hợp với thời kỳ đó.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.