Tôi hiểu, khi đọc cái tít này, nhiều người nổi đóa
lên, thậm chí là chửi tục. Nhưng bình
tĩnh đọc mấy dòng tôi viết sau đây đã.
Sau khi nhận được 8.900 tỉ đồng, Phạm Nhật Vũ đưa lại tiền cho ông Son, ông Tuấn, ông Trà, ông Hải. Viện Kiểm sát, Tòa án, báo chí và phần lớn cộng đồng mạng cho rằng đây là hành vi đưa hối lộ của Phạm Nhật Vũ; còn các ông kia nhận hối lộ.
Về hình thức, có vẻ như đây là hối lộ (có người đưa và người nhận tiền). Nhưng về bản chất đây là sự chia phần, hoặc là bốn quan chức kia nhận tiền "lại quả" hay tiền "gửi giá".
Đưa ra một ví dụ cho dễ hiểu: Trưởng phòng hành
chính của một cơ quan được giao nhiệm vụ mua sắm thiết bị. Ông đi khảo giá và
biết là tổng số tiền để có số thiết bị đó là 100 triệu đồng. Nhưng ông thỏa
thuận với người cung cấp ghi vào hóa đơn là 130 triệu đồng. Sau khi nhận tiền
thì người cung cấp đưa lại cho ông trưởng phòng hành chính 30 triệu đồng. Không
thể gọi đây là hành vi hối lộ vì ông trưởng phòng lấy tiền của cơ quan ông ấy
chứ có lấy tiền của người cung cấp đâu? Đây chỉ là hành vi tham nhũng vặt phổ
biến hiện nay.
Vụ AVG thì rắc rối, phức tạp hơn nhiều nhưng bản chất vẫn thế. Ông Son, ông Tuấn, ông Trà, ông Hải nhận phần của mình khi tham gia vào vụ mua bán mà số tiền trả cao hơn nhiều lần giá trị món hàng. Tiền của ông Vũ đưa cho các quan chức không phải tiền túi của ông Vũ, mà là tiền của MobiFone chuyển cho ông Vũ. Rõ ràng ông Vũ không thể ăn cả số tiền này mà phải chia cho những người góp công sức vào vụ việc này.
Chỉ có điều số tiền là hàng ngàn tỉ mà ông Son chỉ nhận được có 3 triệu USD thì quá ít. Dẫu không phải là người thông minh sáng láng nhưng nếu ông là người chủ mưu, người quyết định trong phi vụ này thì ông phải được nhiều hơn chứ. Đến đây, chúng ta suy luận rằng, có thể có những nhân vật còn cao hơn ông Son, họ sẽ nhận nhiều hơn.
Như vậy, rõ ràng vụ AVG là một điển hình cho việc dàn dựng chuyện mua bán để chiếm đoạt tiền Nhà nước chia nhau. Tòa án cần tập trung mổ xẻ vấn đề này, chỉ ra kẻ chủ mưu thực sự để lấy lại tiền của Nhà nước. Điều này giúp chúng ta lấy lại được tiền đã bị mất trong những vụ đã cổ phần hóa (như vụ cảng Quy Nhơn chẳng hạn), hoặc là sẽ cổ phần hóa sắp tới (ở đây thì ngược lại là món hàng bị định giá thấp nhiều lần).
Nhưng trên thực tế, trong quá trình điều tra và đưa ra xét xử, không biết vô tình hay cố ý, các cơ quan tố tụng dựa vào hình thức để đẩy tội đưa và nhận hối lộ lên thành trung tâm, và dựa vào luật pháp để kết tội tử hình ông Son. Đây là một điều không thỏa đáng!
Tôi nhắc lại, theo cách hiểu của tôi, việc ông Son, ông Tuấn, ông Trà, ông Hải nhận tiền từ Vũ không phải là nhận hối lộ, mà là nhận phần của các ông ấy trong một vụ đánh cắp tập thể. Điều đáng nói là các ông ấy được chia hơi ít so với số tiền MobiFone chi ra.
Điều này khiến chúng ta nghĩ có thể có những nhân vật
cao hơn ông Son, được hưởng nhiều hơn ông Son. Việc của cơ quan chức năng cần
làm rõ là có những nhân vật đó hay không? Ông Son là một trong những "chìa
khóa" quan trọng để "mở" điều này. Nếu tử hình ông Son thì rất
khó "mở".
HỒ BẤT KHUẤT 21.12.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.