jeudi 26 décembre 2019

Cá Biển Hồ giảm mạnh, hồi kết được báo trước của làng nổi Cam Bốt


Ngư dân ở Biển Hồ (Tonlé Sap), Cam Bốt, đối mặt với mực nước thấp nhất từ trước đến nay trong năm 2019. RFI/Juliette Buchez
Đăng ngày:


Nước cạn, cá không vào Biển Hồ

Một người buôn cá từ 20 năm qua nói với đặc phái viên của Libération tại Phat Sanday, là trước đây mỗi ngày bà mua được một đến hai tấn cá từ sáu ngư dân quen, nhưng nay chỉ còn 200 ký. Trưởng xóm chài có 400 gia đình, ông Ly Kimsring cho biết thường thì nước dâng vào tháng Năm, tháng Sáu, đó là lúc các loài cá từ sông Mê Kông đến sinh sản. Nhưng năm nay đến tháng Bảy, tháng Tám nước mới ngập, và ngư dân biết rằng thu hoạch sẽ thất bát vì nước cạn, cá sẽ không vào Biển Hồ.

Những người đánh cá hy vọng nước sẽ dâng lên từ tháng 12 đến tháng Hai, nhưng mọi người đều bi quan. Biển Hồ cung cấp đến phân nửa lượng tôm cá cho cả nước Cam Bốt, gồm cá nước ngọt, nước mặn và cá nuôi. Hệ sinh thái ở đây dựa vào một sự thăng bằng mong manh, và là hiện tượng độc nhất trên thế giới. Vừa là hồ vừa là sông, nước Biển Hồ đổ vào sông Mê Kông trong mùa khô và vào mùa mưa, nước từ Mê Kông lại tràn vào Biển Hồ. Đây là nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 7% diện tích Cam Bốt. 

Nhưng năm nay, mực nước sông Mê Kông thấp đến mức lịch sử, thấp hơn trung bình 2,5 mét. Nhiều nhà nghiên cứu dự báo năm nay là năm khô hạn nhất thế kỷ đối với khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Bình thường thì những khu rừng ngập nước của Biển Hồ là nơi sinh sản ưa thích của các loài cá từ Mê kông sang, nhưng khi nước cạn, sẽ ảnh hưởng đến một số loài. 

Làng nổi trên Biển Hồ.
Theo tổ chức phi chính phủ Fact, số lượng ngư dân đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Có đến 2/15 triệu dân Cam Bốt sống nhờ vào nghề cá ở Biển Hồ. Hiện tượng trái đất nóng lên, lạm sát thủy sản, các đập thủy điện ở thượng nguồn khiến nạn nghèo đói đang đe dọa người dân sống quanh Biển Hồ. Ông Ly Kimsring cho biết, đa số gia đình ở Phat Sanday phải vay mượn, và đôi khi chủ nợ đến tịch thu ghe chài và nhà cửa của họ. 

Đập thủy điện thượng nguồn đe dọa an ninh lương thực

Một hiện tượng gây chú ý cho Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) và tạp chí Nature : kích thước của cá ngày càng nhỏ đi. Rất nhiều ao hồ bị cạn nước khiến cá không thể di cư, và đến khi chúng đi được thì đầu to hơn thân, do không tìm được đầy đủ thức ăn khi mực nước quá thấp. Đối với nhiều chuyên gia và tổ chức phi chính phủ, việc số lượng và kích thước cá giảm còn do vô số các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông. 

Trên dòng chính của con sông quan trọng này, có đến 11 đập thủy điện lớn do Trung Quốc xây. Từ cuối tháng 10, thêm hai đập quy mô đi vào hoạt động tại Lào, bất chấp cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế ; và 9 đập khác đang được xây dựng tại Lào, Thái Lan, Cam Bốt. Một nghiên cứu của MRC cho thấy những đập thủy điện này đang đe dọa nặng nề an ninh lương thực của khu vực, làm giảm 40% đến 80% nguồn lợi thủy sản từ nay cho đến năm 2040. 

Một số người dân xóm chài, nhất là những người trẻ, đã chuyển đi sống trên đất liền để tìm tương lai. Người vào làm việc ở các nhà máy dệt may, người khác đến Phnom Penh hoặc sang Thái Lan làm thuê, người lại chuyển sang trồng trọt. Hồi kết của những ngôi làng nổi, những căn nhà sàn trên sông đã được báo trước.

Cái bắt tay giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (T) và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Thành Đô, Trung Quốc ngày 24/12/2019.
Bắc Kinh đóng vai người hòa giải Nhật-Hàn

Cũng liên quan đến châu Á nhưng về ngoại giao, Les Echos chú ý đến việc Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, mà tờ báo cho là « một mũi tên bắn ba con chim », trong lúc hình ảnh Bắc Kinh ngày càng trở nên xấu xí qua phong trào phản kháng của sinh viên Hồng Kông.

Tokyo và Seoul xung đột từ hơn một năm qua, hậu quả là số du khách Hàn Quốc thăm Nhật giảm mất 2/3, có đến 72% người dân Hàn tẩy chay hàng Nhật, cho đến nỗi bia Nhật xuất sang Hàn hầu như còn bằng 0. Đối thoại giữa đôi bên có thể dần dần được tái lập sau cuộc gặp ở Thành Đô (Tứ Xuyên). Cả ba nước Trung-Nhật-Hàn đều có mối quan tâm chung là sự đe dọa từ chế độ Bình Nhưỡng, và thông cáo chung ủng hộ việc « phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên và một nền hòa bình bền vững tại Đông Á ».

Cây cổ thụ do hoàng hậu Marie-Antoinette trồng cách đây hơn 200 năm bị bật gốc do bão Lothar ngày 26/12/2019.
20 năm trận bão thế kỷ tại Pháp

Tại Pháp, nhân dịp Noël, Le Figaro quan tâm đến việc « Thiên Chúa giáo ở Pháp tìm cách đổi mới », còn La Croix nhìn sang một đất nước Phi châu bị quân Hồi giáo tấn công đúng ngày Noël làm 35 người chết, với dòng tựa « Burkina Faso sống trong sợ hãi ». Nhật báo kinh tế Les Echos cảnh báo « Tín dụng địa ốc, mối nguy mới cho các ngân hàng ». Hôm nay, đúng 20 năm kể từ trận bão thế kỷ năm 1999, Libération chạy tựa « 20 năm sau bão, cây rừng lại mọc rễ », và dành đến bốn trang báo để kỷ niệm sự kiện.

Các trận bão Lothar và Martin ập vào Pháp và các nước châu Âu khác trong những ngày 26, 27 và 28/12/1999 được các chuyên gia đánh giá là lịch sử. Chỉ trong ba ngày, đã có đến 88 người chết, những vạt lớn của các khu rừng Pháp bị hủy hoại toàn bộ, nhất là ở Lorraine, Aquitaine, Alsace…với gần một triệu hecta rừng bị thiệt hại, tạo ra « đứt gãy trong kim tự tháp tuổi » của rừng, như đã từng xảy ra trong hai trận đại chiến thế giới. Bão năm 1999 cũng là thiên tai lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm Pháp với 7 tỉ euro đền bù cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Bài xã luận của Libération nhận định, với trên 80 người thiệt mạng, 1/10 diện tích rừng cả nước bị tàn phá, thảm họa này không chỉ đánh vào lòng hoài nhớ đất đai và cây rừng đã bị mất vì kỹ nghệ hóa, mà còn đánh thức lương tâm. Thiên nhiên đã tự làm lành một phần lớn vết thương, và Nhà nước sau đó đã ra sức trồng lại cây rừng. Bao phủ một phần ba diện tích nước Pháp, rừng hấp thụ khí một phần lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra. Nhưng cần phải chạy đua với thời gian : tình trạng trái đất nóng lên khiến côn trùng sinh sôi nảy nở, đe dọa cây rừng.

Cây ngã trước cung điện Versailles ngày 26/12/1999.
Công viên Versailles hồi sinh sau bão

Trong bài « Công viên Versailles sẵn sàng thách thức thể kỷ », Le Figaro cho biết sáng nay, 440 cây sồi đã được trồng tại đường Saint-Cyr trong công viên lớn của lâu đài Versailles, mà đúng vào ngày này 20 năm trước, cơn bão Lothar đã tàn phá. 

Ngày 26/12/1999, trong suốt hai tiếng đồng hồ, các trận cuồng phong có tốc độ lên đến 210 km/h đã làm bật gốc 18.500 cây cổ thụ, phá hủy 80% các loại thảo mộc hiếm. Có những cây quý hiếm đã vĩnh viễn biến mất, như hai cây tulipier Virginie do hoàng hậu Marie-Antoinette trồng năm 1783, hay cây thông đảo Corse của hoàng đế Napoléon I. Trong những tuần lễ sau đó, còn phải đốn hạ thêm 30.000 cây cổ thụ có nguy cơ bị ngã.

Mặc dù trận bão thế kỷ hoành hành trên khắp nước Pháp, nhưng những thiệt hại ở điện Versailles gây xúc động lớn, vượt qua khỏi biên giới, tạo ra một làn sóng liên đới mạnh mẽ. Đợt quyên góp với nhiều nhân vật nổi tiếng cổ vũ như cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, nữ diễn viên Ý Claudia Cardinale…đã thu được 2,5 triệu euro ủng hộ từ hàng ngàn mạnh thường quân. Ngay cả thủ lãnh da đỏ Raoni cũng tham gia vào việc trồng lại rừng Versailles.

Theo ông Alain Baraton, người phụ trách khu vườn Trianon và công viên lớn của cung điện Versailles, thì trong cái rủi có cái may. Rừng Versailles năm 1999 vô cùng xinh đẹp nhưng già cỗi vì không được chăm sóc đúng mức, trận bão năm ấy đã thức tỉnh mọi người về di sản này ; nhiều người nhận bảo trợ những cây cổ thụ tại đây. Có những câu chuyện cảm động, như một người Mỹ đề nghị tặng một cây tulipier mới, nhóm của ông sang nhận và mang về Pháp đến 2.000 cây do người dân địa phương tặng.

Ngày nay cây cối được trồng với khoảng cách lớn hơn để cây có thể chống chọi với gió mạnh, đa dạng hóa các loài để tồn tại được nhiều thế kỷ nữa, và đặc biệt không dùng đến thuốc trừ sâu, 100% là bio (sinh thái).

Bia Saigon và bia 333 của Việt Nam nằm trong số hàng nhập khẩu chỉ bán bằng đồng peso chuyển đổi. Ảnh chụp ngày 13/12/2019.
Cuba hợp nhất hai loại đồng peso

Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, Les Echos nói về việc Cuba đang chuẩn bị hợp nhất hai đồng tiền : peso Cuba và peso chuyển đổi. Hệ thống này không còn phù hợp với việc mở cửa kinh tế của đất nước.

Đồng peso Cuba sẽ được duy trì, có tỉ giá 24 đồng đổi 1 đô la, được sử dụng trong các cửa hàng nhà nước và trả lương cho công chức, người về hưu, công nhân viên quốc doanh (chiếm 85% dân số). Còn đồng peso chuyển đổi có trị giá tương đương 1 đô la, sẽ biến mất. Đồng tiền này lâu nay được dùng để mua hàng nhập khẩu, người lao động khi muốn đổi được đồng tiền này phải xếp hàng dài dằng dặc. Các công ty quốc doanh được hưởng tỉ lệ ưu đãi là 1 peso Cuba đổi ngang 1 peso chuyển đổi, sự bất bình đẳng này tạo ra nạn buôn lậu.

Hệ thống hai đồng tiền như thể buộc phải kiểm tra rất chặt việc đổi tiền, trong khi nền kinh tế Cuba đang mở cửa một cách tương đối, nhất là qua du lịch. Từ hai tháng qua, người dân Cuba đã được phép mở tài khoản bằng đô la, và lệnh cấm sử dụng đô la có từ năm 2004 nay bị bãi bỏ. Lương công nhân viên từ 667 peso Cuba đã được tăng lên 1.067 peso. Theo nhà kinh tế Everleny Perez, việc hủy bỏ hệ thống hai đồng peso cần đi kèm với việc giảm hối suất, cải cách sản xuất để tránh lạm phát do tăng giá và thiếu hụt một số mặt hàng.

Năm sự kiện khoa học nổi bật trong năm 2019

Trên lãnh vực khoa học, Le Figaro điểm qua năm sự kiện đáng chú ý trong năm 2019.

Trước hết là chân dung của « lỗ đen » mà lần đầu tiên loài người có thể chứng kiến vào tháng Tư, đây là thành tựu khoa học quan trọng nhất trong năm. Để có được bức ảnh này, tất cả kính viễn vọng lớn nhất thế giới phải phối hợp với nhau, cùng lúc chiếu vào trung tâm lỗ đen ẩn trong siêu thiên hà M87. Tiếp theo là việc một tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh vào mặt tối của Mặt Trăng, chạy được 350 mét, vượt qua kỷ lục của chiếc Lunokhod (Liên Xô) năm 1971.

Sự kiện các nhà khảo cổ tìm thấy xương của những con khỉ đột đi bằng hai chân tại một hang động hóa thạch ở Bayern (Đức), đã đẩy lùi lại bốn triệu năm trước, khiến giả thiết sự tiến hóa của loài người hoàn toàn diễn ra ở châu Phi, khó thể đứng vững. Năm 2019 còn được đánh dấu bởi hội nghị khí hậu COP25 đáng thất vọng, mọi hồ sơ đều phải dời sang năm 2020. Cuối cùng là việc các loại thuốc vi lượng đồng căn (homéopathie), chủ đề tranh cãi lâu nay, sẽ không còn được bảo hiểm y tế Pháp thanh toán, vì không đủ bằng chứng cho thấy sự hiệu quả. 

Tờ báo dự đoán năm 2020 sẽ là năm chạy đua lên Hỏa tinh, với bốn tàu thăm dò của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc, Châu Âu và NASA.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.