Quyền lực trong xã hội con người, từ cổ đại
đến nay, đều đặt nền tảng trên sự « chính danh - légitime ». Không có chính
danh thì nói không ai nghe.
Quyền lực (power – pouvoir) ở đây được hiểu như là « quyền lực » của « quyền lực chính trị », tức là « thẩm quyền » áp đặt những nguyên tắc luật lệ mà mọi người trong xã hội (thuộc một vùng lãnh thổ nhứt định) phải tuân thủ.
Sự « chính danh » trong chính trị có thể
có thể được hiểu như là điều « hợp pháp » hay « hợp hiến ». « Légitime » nguyên
thủy bắt nguồn từ Latin « legitimus », có nghĩa là « xác định bằng luật », «
phù hợp với luật lệ ».
Nếu so sánh với xã hội loài thú, ta thấy
một đàn chim, một bầy sư tử… luôn có một con đầu đàn. Tính « chính danh » của
con thú này là sức mạnh, sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Sức mạnh không phải là «
mạnh được yếu thua » hay khả năng tiêu diệt, mà là sự cần thiết để bảo vệ an
ninh cho cả bầy trước sự tấn công của các con thú khác. Khôn ngoan và kinh nghiệm
cũng vậy, là sự cần thiết để dẫn dắt cả đàn đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi
ngon, cả bầy được sống trường tồn và sung túc.
Tính « chính danh » của « quyền lực » ở
Việt Nam được xác định ra sao ?
Hiến pháp Việt Nam quy định rằng thể chế
nước Việt Nam là « Cộng hòa xã hội chủ nghĩa » theo nguyên tắc « dân chủ tập
trung », đồng thời Việt Nam là một nước « có chủ quyền ».
Người ta hiểu thế nào là « cộng hòa » và
thế nào là « có chủ quyền » ?
« Cộng hòa », theo các định nghĩa thông
thường, là một thể chế chính trị mà quyền lực của người lãnh đạo, ở bất kỳ cấp
bậc nào, không đến từ sự kế thừa. Chế độ cộng hòa đối nghịch với các chế độ
phong kiến đế quyền.
Trong chế độ phong kiến, quyền lực thụ đắc
của người lãnh đạo là do sự kế thừa. Tính chính danh thể hiện qua việc kế thừa.
« Có chủ quyền » được hiểu là sự hiện hữu
(trong lãnh thổ Việt Nam) một quyền lực chủ tể. Trong một chế độ phong kiến, chủ quyền
thuộc về vị chủ tể (vua, lãnh chúa…). Trong một chế độ cộng hòa, chủ quyền thuộc
về dân tộc (nation) hay thuộc về nhân dân (populaire).
Hiến pháp Việt Nam khẳng định quyền lực
chủ tể (chủ quyền) thuộc về nhân dân.
Nhìn lại những sự kiện đã và đang xảy ra,
con ông này, con ông kia… quyền lực quốc gia được “kế thừa”, ban phát, bảo kê
cho nhau và lẫn nhau... một cách tùy tiện trong hàng ngũ con ông cháu cha.
Dĩ nhiên quyền hành của các ông hoàng đỏ
này bị thách thức. Một chế độ nhìn nhận là « dân chủ » được xây dựng trên nền tảng
« cộng hòa » với một đất nước « có chủ quyền », dứt khoát không thể có việc “kế
thừa” trong quyền lực.
Nguyên tắc của mọi chế độ dân chủ (dân chủ
tự do hay dân chủ tập trung) là việc phân bổ quyền hành trong bộ máy nhà nước.
Tất cả mọi quyền lực trong quốc gia đều phải đến từ « quyền chủ tể ». Mà “quyền
chủ tể” trong chế độ “cộng hòa” thuộc về nhân dân. Nhân dân trao “quyền lực”
này cho người lãnh đạo các cấp, từ tỉnh trưởng, quận trưởng… cho đến dân biểu,
nghị sĩ trong Quốc hội... qua thể thức “phổ thông đầu phiếu”. Tính chính danh của
« quyền lực » được bảo đảm bằng sự trung thực của kết quả các cuộc bầu cử.
Quyền lực của các đảng viên, các thái tử
đỏ vì vậy không có chính danh. Nhân dân nào đã bầu cho họ vào các chức vụ trong
hệ thống quyền lực nhà nước ?
Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay « cơ
bản » đặt trên nền tảng « dân chủ tập trung ».
Theo nguyên tắc dân chủ (kể cả dân chủ tập
trung), không có một chức vụ hay cơ chế (quyền lực) nào thuộc bộ máy nhà nước
mà không thông qua (sự bầu cử) của người dân, hoặc đến từ sự bổ nhiệm của một
cơ quan quyền lực chính đáng.
Nhân sự do đảng “sàng lọc” qua các đại hội
đảng, sau đó nhân sự này được bổ nhiệm vào các chức danh nhà nước. Vì không
thông qua ý chí của người dân, quá trình bổ nhiệm hiển nhiên là không hợp hiến.
Trước đây, những người cộng sản bảo vệ
tính chính danh của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) với lý do đảng « đã lãnh đạo
dân tộc giành lại độc lập ».
Điều này không đúng trong thời điểm hiện
tại (và dĩ nhiên, tương lai).
Tạm cho rằng đảng CSVN đã « lãnh đạo
dân tộc giành lại độc lập » là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần
tranh biện. Thì những người cộng sản hôm nay cũng không thể vịn vào lý do này để
tiếp tục giành quyền lãnh đạo.
Những thế hệ « khai quốc công thần » chống
Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần
lượt khuất núi. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc
chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng
không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến « chống Mỹ ».
Nếu dựa vào « công lao », thì trong đảng
hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự «
chính danh ». Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.
Mà tính chính danh không có « kế thừa ».
Nếu nhìn nhận sự kế thừa thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt
sĩ, những thương phế binh... phải làm lãnh đạo mới đúng.
Con cháu của con chim đầu đàn, của con sư
tử đầu bầy, chỉ đơn thuần là một thành tố trong bầy. Không hề có việc kế thừa
cho các con thú này để lên nắm đầu đàn. Muốn trở thành con thú đầu đàn, con
chim đầu bầy, những con thú này phải khẳng định sức mạnh, hay chứng minh trí
khôn và kinh nghiệm. Đó là sự « chính danh » trong thế giới loài thú.
Việc bổ nhiệm nhân sự đảng viên, hay các
thái tử đỏ, những người xem ra tài năng chỉ ở mức (tối đa là) trung bình, đã
khiến chế độ « cộng hòa xã hội chủ nghĩa » trở thành chế độ « quân chủ xã hội
chủ nghĩa ».
Có người biện hộ cho tính chính danh của
đảng CSVN với lý lẽ đảng này được dân bầu lên: « Đầu năm 1946, Đảng Cộng sản đã tổ chức
bầu cử Quốc hội và ra Hiến pháp. Hệ thống chính trị Việt Nam có bầu cử và những
người của Đảng ra ứng cử vào các chức vụ. » (Vũ Minh Giang, nguyên thành viên Hội Đồng lý
luận của đảng, nói trên BBC về tính chính danh của đảng).
Điều này không đúng sự thật. Thứ nhứt, thời
điểm tổ chức bầu cử Quốc hội (1946) đảng CS đã giải tán. Thứ hai, số dân biểu đắc
cử vào Quốc hội gồm một số lớn nhân sự không thuộc đảng CSVN.
Nhưng cũng giả sử rằng thời điểm đó đảng
CS không giải tán và số người trong Quốc hội 100% là đảng viên đảng CSVN. Thì
tính chính danh của đảng cầm quyền chỉ có hiệu lực trong nhiệm kỳ bầu cử đó mà
thôi. Không lẽ nhiệm kỳ đó kéo dài (đến nay đã gần) 70 năm ?
Lý lẽ khác cũng thường thấy người cộng sản
nhắc để biện hộ cho tính « chính danh » của họ là đại diện « giai cấp vô sản ».
Bất kỳ đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ
có « chính danh » để lãnh đạo đất nước, vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô
sản) trong xã hội. Nhà nước họ lập nên là « nhà nước vô sản », sử dụng sự «
chuyên chính vô sản », tức sự « độc tài » cho tầng lớp vô sản, nhằm triệt tiêu
giai cấp bóc lột đem lại sự « công bằng » trong xã hội.
Trong xã hội cộng sản (hay XHCN), quyền lực
quốc gia tập trung vào đảng CS. Quyền lực này chỉ chính đáng khi đảng này còn
phục vụ cho giai cấp mà họ đại diện, tức giai cấp vô sản, công nhân, nông dân…
nói chung là tầng lớp lao động nghèo.
Khi đảng này phục vụ cho một giai cấp
khác, như tầng lớp tư bản nước ngoài, tầng lớp tư bản đỏ… thì nó đã phản bội lại
giai cấp mà họ đại diện. Tính chính đáng để lãnh đạo của nó bị mất đi.
Ngày hôm nay, dựa vào « giai cấp vô sản »
để biện hộ cho tính chính danh trở thành một sự ngụy biện trắng trợn. Đảng CSVN
bây giờ không hề đại diện cho quyền lợi của « giai cấp vô sản », tức giai cấp
công nhân, nông dân, những người lao động nghèo… trong xã hội. Bản thân đảng
viên công sản đã trở thành những trọc phú, tỉ phú đỏ bóc lột nhân dân lao động
và nhân dân vô sản. Bản thân họ là những quan tham, những kẻ phản bội. Họ phản
bội lại giai cấp mà họ đại diện, phản bội lại lý tưởng mà họ tôn thờ, họ phản bội
lại nguồn gốc nơi chốn mà họ xuất thân.
Quyền lực kế thừa không chính đáng. Nhân
sự trong hệ thống quyền lực quốc gia đã trở thành những con sâu mọt đục phá tài
sản quốc gia, nhũng nhiễu nhân dân.
Ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước
đây có than thở về tình trạng tham nhũng hết thuốc chữa của cán bộ Cộng sản rằng
: không phải một con sâu làm rầu nồi canh mà cả nồi canh đã nhung nhúc sâu bọ. Ông
Sang đã gỡ mặt nạ của đảng. Đảng cộng sản đã trở thành một “nồi sâu nhung
nhúc”. Đảng dựa vào cái gì để biện hộ cho việc “độc quyền lãnh đạo nhà nước và
xã hội” ?
Những con sâu mọt thì làm gì có tư cách,
có “chính danh” để lãnh đạo ?
Xã hội chủ nghĩa hiện hữu là do việc phản
bác nền kinh tế thị trường (tư bản). Lý thuyết cộng sản đặt nền tảng trên sự phản
biện tư sản bóc lột giai cấp lao động. Khi nền kinh tế XHCN được thay thế bằng
nền kinh tế thị trường thì đảng cộng sản phải cáo chung.
Đảng CSVN không thể lãnh đạo nền kinh tế
thị trường. Nếu gượng ép, họ không chỉ mất tính chính danh mà còn trở thành một
tập đoàn lừa bịp, treo đầu dê bán thịt chó.
Đảng CSVN sau nhiều thập niên lãnh đạo đã
tàn phá đất nước, đã dẫn dắt đất nước ngày càng tụt hậu, nay đã lùi sau cả Lào,
Kampuchia. Nửa thế kỷ đảng CSVN đã đào tạo ra những thế hệ Việt Nam không có
giá trị một đồng xu. Việt Nam xuất khẩu lao động với những con người “nam làm
nô nữ làm tì”, không có chuyên môn. Tức là, nếu so sánh với bản năng của các
con thú đầu đàn, đảng CSVN thua xa lắc. Họ chỉ còn sức mạnh của bạo lực.
Đảng CSVN bây giờ là đại diện cho tầng lớp
tư bản hoang dã, đỡ đầu cho tầng lớp đầu cơ trục lợi, bóc lột sức lao động, đất
đai, nhà cửa, của cải… của dân nghèo. Đảng trở thành người đại diện cho quyền lợi
của tầng lớp tư bản nước ngoài. Đảng viên cộng sản trở thành những tên cai thầu,
coi ngó công nhân Việt Nam cho tập đoàn nước ngoài.
Chính danh của đảng đã trở thành chính
danh của một lớp cai thầu, chính danh đưa dân tộc vào vòng làm thuê vác mướn.
Và khi đảng không còn chính danh thì đảng
đã đánh mất tư cách lãnh đạo. Tầng lớp đảng viên mới lên chính danh không có. Họ
nói sẽ không ai nghe. Đất nước vào trong tay họ chỉ chờ ngày tan rã mà thôi.
TRƯƠNG NHÂN TUẤN 27.12.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.