Nguyễn Bắc Son ráo riết chăm lo cho một
chiến sĩ tư nhân mới toanh trên mặt trận thông tin truyền thông là lớp vỏ câu
chuyện. Cốt lõi nằm ở chỗ khác.
Cách thức mà hệ thống quan chức thực hiện
sáng kiến AVG cho thấy, có thể người ta gắn đuôi cho kinh tế thị trường chỉ là
khư khư rịt giữ một thứ chiến lợi phẩm chưa chia. Nhưng vỡ lỡ ra mới hay còn gì
trong hệ thống hiện tại mà bọn người ấy đã không thương mại hóa ?
Những thứ duy trì kiểu ứng xử đặc thù cho
nó chỉ là lối tư duy của người phúc ta. Của càng còn của người thì phúc ta còn
dày dạn.
Nhân vụ xét xử Nguyễn Bắc Son, Trương
Minh Tuấn, thử đọc mã bùa chú thị trường có đuôi ấy. Thử coi, tới đâu hay tới đó. (Tức là rảnh
viết được tới đâu thì bạn bè đọc chơi, ít nhiều có chút phận người trong cuộc
buổi giang hồ đó của nước nhà).
Trên thế giới rất khó xảy ra chuyện hai bộ
trưởng liên nhiệm cùng dính vào một vụ âm mưu làm thiệt hại cho nhà nước hàng
ngàn tỉ đồng như trường hợp ở Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Cái âm mưu gì đó chẳng có gì ghê gớm.
Phạm Nhật Vũ từ Liên Xô cũ về Việt Nam
mua biệt thự nhà ông Tố Hữu nghe đâu tới hơn chín triệu đô làm văn phòng, để rục
rịch chạy cuộc chạy truyền hình tư nhân, nhất là ở thời điểm Việt Nam vừa gia
nhập WTO.
Đảng thì vẫn luôn khẳng định không có báo
chí tư nhân. Nhưng từ 20 năm nay những măng-sét cho tư nhân núp bóng, khai thác
bắt đầu nở rộ và hầu như an toàn đi lên chủ nghĩa xã hội.
AVG khi ấy tin chắc sẽ trở thành nhà đài
tư nhân đầu tiên nhưng làm ăn quy mô, bài bản. Những năm đó, AVG là một công việc
mới mẻ, hứa hẹn thu nhập cao, phúc lợi dồi dào cho dân truyền hình, báo chí.
Làn sóng AVG từng hút theo họ nhiều nhân tài, dọn đường tìm đến tương lai một đế
chế truyền thông, truyền hình.
Mọi thứ dường như chỉ còn là kéo cái hộc
tủ phòng bộ trưởng nữa thôi. Thình lình thủ tướng nói kiên quyết không cho phép
báo chí tư nhân.
AVG thành nhà đài mắc nghẹn, đảo lộn hết
thảy. Người hứa thí điểm có phải là người đủ thực quyền cho phép AVG duyệt sản
phẩm phát sóng trong hệ thống báo chí cách mạng đâu.
Được chính thủ tướng cho phép thí điểm sử
dụng, khai thác bốn băng tần, lại tập hợp một lực lượng giỏi nghề làm nội dung,
hoạt động từ chương trình tới truyền dẫn phát sóng nhưng vẫn chưa được phép là
nhà đài. AVG vẫn chưa có được quyền duyệt phát sóng, một thứ quyền lực thuộc
nhóm độc quyền chế độ bất khả ủy nhiệm.
Nói cho công bằng, Phạm Nhật Vũ, hay bất
kỳ nhà kinh doanh nào, cũng không thể lượng định cái cơ chế định đoạt quái gở ấy
của báo chí, truyền hình trong nước. Thành ra dù mạnh “binh”, Phạm Nhật Vũ cũng
cam thất thủ, ôm rủi ro đầu tư cho cả giàn giá kỹ thuật và nội dung, ngúc ngoắc
mãi...Thân trách thân, phận trách phận, rằng mình sinh ra đã phải mang kiếp số
một nhà đài dang dở, trót qua lọt cửa mà thành gánh nặng đầu tư. Trách được ai
hứa hẹn, cho đường, chỉ nẻo.
Phạm Nhật Vũ cũng khó lòng chào bán AVG
cho các nhà đầu tư bên ngoài, dù truyền hình lúc ấy là một thị trường hết sức hấp
dẫn. Đơn giản, đó không phải là thị trường, nơi luật của đảng, ý chí của lãnh đạo
mới chi phối toàn diện hoạt động của nó trong thực tế.
Không rõ căn duyên nào, AVG được bộ trưởng
Nguyễn Bắc Son háo hức mua cho doanh nghiệp viễn thông thuộc quyền, với cái giá
có lẽ đủ trang trải cho nó toàn bộ thua lỗ.
Ông bộ trưởng gấp gáp đến nỗi không kịp về
hưu, phải triệu tập họp đảng, họp lãnh đạo để mua cho bằngđược AVG. Thậm chí
Nguyễn Bắc Son gài cả một trận thế về sau sẵn sàng “tháo gỡ” cho AVG. Cấp phó
Trương Minh Tuấn được giao nhiệm vụ bộ trưởng tiếp nối. Nào phải trưởng ép phó
theo lối quýt làm cam chịu.
Hàng đổi hàng, ghế bộ trưởng đổi việc mua
lại cơ đồ cũ kỹ, lép kẹp AVG. Cứ nhìn khả năng của Trương Minh Tuấn huy động cả
hệ thống chính trị cùng vào cuộc ở bộ 4T phản đối kết luận thanh tra, thì đủ biết
tay nghề của tân bộ trưởng chẳng phải dạng vừa. Đặc sắc là cái cách xì hơi lép
xẹp của Trương Minh Tuấn, liền ngay sau cái khí thế cách mạng xem xém cái tội lợi
dụng quyền tự do dân chủ mà giới ăn nói trong nước dễ dàng bị liệng bao cao su.
Diễn tiến cứ như là Nguyễn Bắc Son phục sẵn
ở vị trí bộ trưởng để chung cuộc lo cho AVG vậy.
Thủ tục hãy còn chưa xong thì cư sĩ họ Phạm,
ông chủ AVG đã cho mang tiền tới.
Son thì điềm đạm vài va li chứa giấy bạc
Mỹ tầm đâu 3 triệu đô la. Rồi còn phải tư duy, cái đống bạc ấy được Son nát óc
tính toán quyết định để hớ hênh ngoài ban công phòng ngủ của Son, táo bạo, bất
ngờ theo phương sách phòng gian, bảo mật.
Tuấn nhầm số tiền 200.000 đô tưởng là quà
mừng tân bộ trưởng. Tuổi gì mà cỡ Tuấn có quà mừng chức khơi khơi 5 con số.
Son và Tuấn là những cán bộ chính trị,
tuyên giáo, leo tới ủy viên trung ương đảng, khét tiếng trị báo chí, trấn áp dư
luận, chà đạp lên cả luật pháp, trung kiên nhất mực.
Trung kiên hái ra tiền. Thì phải có cơ chế
để tận lòng trung kiên mới hòng leo lên tới phù hoa.
Tới đây cũng đặng dài, hàng xóm đã dậy
mùi ốc luộc, thôi thì đi khính cuộc ăn ốc buổi chiều tàn nay vậy. Tối nói mò tiếp.
TÂM CHÁNH 17.12.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.