Trong
lúc đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh cảm ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc, thì đúng vào
hôm nay, một tờ báo nhà nước Việt Nam đăng bài viết về việc giặc Tàu thảm sát
người dân Việt ở biên giới phía Bắc năm 1979. Đến bao giờ bọn xâm lược mới ra trước
tòa quốc tế về tội ác chiến tranh ??? (TM)
(Dân Việt 22/12/2019) Một ngày trung tuần tháng 2.1979, thị xã Cao Bằng
chìm trong không khí giá lạnh và mịt mù sương núi. Nông Thị Nương (ở khu Đức
Chính, xã Hưng Đạo) vẫn còn đang ngủ, trùm trong chiếc chăn bông kín mít. Cô bị
dựng dậy bởi một tiếng nổ như bom phía sau nhà. Người cô như bị một sức ép quá
mạnh, bị thổi bắn vào tường, đau điếng. Những người thân trong gia đình lúc ấy
cũng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng động quá lớn.
Sau
một vài giây định thần, Nương lồm cồm bò dậy, phát hiện phía sau nhà mình bị
trúng một quả đạn pháo, nền đất bị cày lên một mảng lớn. Cả gian bếp bị sức
mạnh của đạn pháo cũng tan tành. Lúc ấy, trời bên ngoài trời mới lờ mờ sáng.
Không
ai nói gì, mọi người trong nhà cắm cổ chạy thẳng ra ngoài, chẳng mang theo bất
kỳ một đồ đạc gì, cứ thế nhằm đường lớn mà chạy. Tất cả đều không biết sẽ đi
đâu, chỉ là ngược với hướng pháo.
Khi
đã cách khá xa nhà, Nương nhìn thấy xe tăng và lính Trung Quốc mang lưỡi lê rầm
rập trên đường, gọi nhau í ới và tiến vào từng đoàn. Chúng la hét, đốt phá ầm
ĩ. Khắp nơi, người dân gồng gánh, nháo nhác theo nhau chạy giặc.
Đến
bây giờ, sau 40 năm, bà Nông Thị Nương đã gần bước sang tuổi "thất
thập". Có nhiều câu chuyện mà trí óc bà nay đã quên quên nhớ nhớ, nhưng
Tổng Chúp vẫn là ký ức hằn sâu trong bà như một vết thương khó lành. Bà Nương
vẫn còn nhớ như in những âm thanh hỗn loạn hôm ấy.
Lúc
đó, bà cùng người thân vượt qua bên kia sông, chạy hướng về sâu trong nội địa.
Nhiều người dân Tổng Chúp cũng như các xã xung quanh cũng đều chạy về phía ấy.
Khắp nơi ngột ngạt mùi thuốc súng, tanh nồng bởi máu me. Tiếng la hét, gào
khóc, gọi nhau lạc cả giọng, tiếng trẻ con khóc không thành tiếng vì khát nước,
khát sữa lẫn âm thanh rầm rập của xe tăng, tiếng loảng xoảng của súng ống, lưỡi
lê... Thứ âm thanh đó bao nhiêu năm vẫn mãi ám ảnh trong giấc ngủ của bà.
Khi
đã bỏ chạy được một quãng xa và không thấy bóng quân Trung Quốc, mọi người
tưởng đã yên bình nên tụ tập nhau lại, bàn tính sẽ kéo nhau về Bắc Kạn lánh
nạn, chờ tình hình yên ổn mới trở về nhà thu dọn đồ đạc.
Nhưng
đoàn người mới chỉ đi được quãng ngắn thì lại rơi vào bẫy phục kích. Chúng lạnh
lùng lia một loạt súng, xả đạn thẳng vào giữa đám đông. Nhiều người chết vì
loạt đạn tàn khốc, thi thể đổ gục xuống như cây chuối, máu loang đỏ một vùng.
Không
kịp định thần, những người sống sót chạy tán loạn, mỗi người một hướng. Người
lao xuống suối, người chạy thẳng về phía rừng già. Bà Nương chạy theo một người
hàng xóm, đến lúc hoàn hồn trở lại mới nhận ra là người thân trong gia đình
không còn ai bên cạnh.
Bà
Nương đã may mắn sống sót nhờ chui vào hang đá ẩn náu.
Khi
nghe tin bảo quân Trung Quốc đã rút, mọi người lục tục kéo về. Lúc tìm về thì
ngôi nhà cũ bà Nương thấy chỉ còn là đống gạch vỡ nát, làng bản là một đống
hoang tàn. Trong đợt tấn công đó, lính Trung Quốc đã phá sạch sẽ từng ngôi nhà,
từng công trình, sục sạo làng bản...
Bà
Nương thảng thốt khi biết mấy chục công nhân xấu số ở trại lợn Đức Chính, toàn
phụ nữ cùng với trẻ em, đã không chạy thoát, tất cả đều bị bắt và hành quyết.
Tổng cộng chúng đã giết chết 43 người, trong đó có cả những người đang mang
thai. Gia đình bà may mắn thoát nạn trong cuộc thảm sát đẫm máu.
Những
ngày tháng Hai năm đó, bà Nương mới 15 tuổi.
“Tại sao lại có chiến tranh, chúng tôi
chỉ là người dân thôi mà, sao họ lại giết chóc như thế?”. Trong cơn giận tràn lên lồng ngực, sau 40 năm, bà
Nương vẫn lặp lại mãi một câu hỏi.
Nỗi đau vẫn còn ở lại
Không
chỉ bà Nương, những người còn sống ở làng Tổng Chúp đều mang một ký ức đau đớn
như thế cho dù 40 năm đã trôi qua. Nhiều người trong số họ vẫn chưa nguôi được
lòng căm hận. Những ký ức vẫn in hằn trong tâm thức của họ như mới ngày hôm
qua.
"Có cả trẻ con, đại đa số là trẻ
con. Khi bắt lần đầu bọn chúng thả ra, cho vượt sông, sang sông để trốn thoát.
Nhưng khi không vượt được sông thì lại bị bắt lại. Là hội khác chứ không phải
hội đầu nên chúng tàn sát cho xuống giếng".
Đó
là lời chị Nông Thị Kim Chung (người nhà nạn hân vụ thảm sát Tổng Chúp - Cao
Bằng) kể lại về buổi sáng tang thương tại làng Tổng Chúp trong một lần trả lời
phỏng vấn với trang VTC News vào năm 2016. Khi đó, nhóm người phụ nữ, trẻ em,
vợ con của những công nhân trong trại lợn đang trên đường đi sơ tán thì bị lính
Trung Quốc bắt giữ. Chị Chung kể rằng, khi vụ thảm sát xảy ra, mẹ chị vẫn đang
địu đứa em gái mới chỉ 8 tháng tuổi.
"Khi người ta gọi đến nhận xác,
lúc ấy bà nội cho chú út tôi lên nhận xác. Vì mẹ tôi có mái tóc dài nên chú út
mới nhận dạng được. Đứa em gái mẹ vẫn địu ở trên lưng cũng bị sát hại", chị Chung đau đớn, nấc lên từng tiếng, giọng nghẹn
lại khi nói về nỗi đau khi mất mẹ và em gái. Lúc đó chị Chung mới hơn 2 tuổi.
Từ
đó đến nay, người đàn bà ngoại tứ tuần vẫn đau đáu nỗi đau mất mẹ. "Ai cũng có một người mẹ nhưng hàng
ngày thấy người ta gặp mẹ thì mình cũng xúc động lắm. Từ năm 1979 không một lần
được gọi một tiếng Mẹ ơi mà lòng thấy tội nghiệp lắm", chị đưa tay gạt
dòng nước mắt đang xối xả tuôn.
Cùng
đám đông chạy loạn hôm đó, bà Tô Thị Yểng - mẹ của ông Đinh Ngọc Tinh (khu Đức
Chính, xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng) đã bị quân Trung Quốc giết hại trong vụ thảm
sát ngày 9.3. Năm đó bà Yểng 41 tuổi.
"Khi bố và anh em tôi chạy vào
rừng, từ trên đỉnh đồi chúng tôi còn nhìn thấy mẹ đang chạy giặc, nhưng chúng
tôi không thể nào gọi được. Không ngờ đó là lần cuối chúng tôi gặp
mẹ....", ông Tinh kể lại với
Dân Việt, đôi mắt ầng ậng nước.
Hai
anh em ông và bố chạy thoát được vào rừng. Khi nghe tin quân Trung Quốc đã rút
khỏi, ba bố con trở về nhà, chỉ thiếu mỗi mẹ.
Trong
trí nhớ của ông Tinh, lúc đó nghe mọi người kể lại, mẹ ông cùng một số công
nhân ở trại lợn chạy đến cây số 5, đang trên đường đi Bắc Kạn thì gặp phải một
toán lính Trung Quốc. Chúng không bắn mà trói họ lại rồi giải về Tổng Chúp. Mãi
sau đó, ông mới biết được mẹ mình đã bị vùi xuống giếng cổ.
"Hàng loạt xác chết được đưa lên
đều không phải, cả nhà chúng tôi le lói một tia hy vọng rằng bà còn sống. Nhưng
đến người cuối cùng được vớt lên, cả nhà bàng hoàng nhận ra đó là mẹ", ông Tinh nói với Dân Việt. Và ông tin rằng mẹ ông
chính là người đầu tiên bị quân lính sát hại rồi quẳng xuống giếng trong vụ
thảm sát ở Tổng Chúp hôm ấy.
"Khi bốc dỡ dưới giếng, thấy xác
chồng chất nhau. Lúc vớt lên chỉ thấy đàn bà và trẻ em. Đa số các em mới chỉ
khoảng 1-2-3 tuổi" - ông Nguyễn
Văn Sừ (Hòa An, Cao Bằng) là một trong những người khi quay về đã cùng một số
người dân xuống giếng trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em để đem đi chôn cất
kể lại. Ông Sừ tin rằng mình đã nắm giữ một mảnh ký ức quan trọng của vụ thảm
sát ở Tổng Chúp.
"Thảm thương nhất là nhiều người
không biết mẹ là ai, hoặc con chết mà mẹ cũng không biết là chết ở đâu. Vớt ở
dưới giếng toàn thấy xác chồng lên nhau, mẹ con đang cõng nhau", ông Sừ chùng giọng, rồi nói rằng, ông thật sự
bị sốc. Bao nhiêu năm qua, ông chưa bao giờ có thể quên những điều ông nhìn
thấy.
***
Suốt
nhiều năm nay, cứ đến sáng 17.2, ông Nông Văn Bàn ở xã Đức Long (Hòa An, Cao
Bằng) lại mang chai rượu, ít hoa quả sang vách núi cách nhà mình không xa lắm,
đặt xuống và ngồi trầm ngâm. Chỗ đấy giờ chỉ còn là đám lau lách rậm rạp, um
tùm. Nhưng 40 năm trước, nơi đây là tổ ấm của cả gia đình ông. Buổi sáng định
mệnh ấy đã cướp đi bố mẹ và các em, chỉ còn mỗi mình ông.
Không
chỉ ông Bàn, nhiều người dân ở các bản làng dọc biên giới phía Bắc cũng chịu
nhiều mất mát. Đạn pháo tầm xa của giặc đã phá hủy nhà cửa, trường học, bệnh
viện, cầu cống, nhiều người dân bị giết hại. Thị xã Cao Bằng lúc đó chỉ còn là
đống đổ nát, hoang tàn. Cho đến hôm nay, vẫn chưa có một số liệu chính thức về
số người đã chết trong cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt đó.
“Năm đó, tôi đi bộ đội đóng ở Quảng
Ninh, chỉ nghe là sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc ồ ạt đánh qua cửa khẩu Đức
Long, biết rằng nhà mình nằm trong vòng vây của giặc", ông nói. Lúc tìm về, ngôi nhà cũ chỉ còn là đống
gạch vỡ nát. Cả gia đình ông không ai thoát chết trong loạt đạn pháo của giặc.
Những
thông tin ông nghe được từ cuộc chiến ở Cao Bằng hôm ấy đều từ báo, đài, người
dân. Báo Quân đội Nhân dân lúc ấy đăng "4
giờ 17 phút ngày 17.2.1979, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì
bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc dội tới làm khắp biên giới bốc
lửa ngùn ngụt. Hàng loạt quả đại bác thi nhau trút xuống thị xã Lào Cai, Cốc
Lếu, nhằm thẳng các cơ quan, nhà máy...". Bất ngờ trước sự tấn công
của quân Trung Quốc, người dân thị xã Cao Bằng ngược đường quốc lộ, băng rừng
di tản về hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên...
Với
ông Lý Văn Dư (bản Bung, xã Danh Sĩ, Thạch An, Cao Bằng), trước khi xảy ra sự
kiện 17.2.1979, cũng như những người dân sống nơi vùng phên dậu chỉ nghĩ rằng,
quan hệ giữa hai nước dù có căng thẳng, nhưng “cùng là anh em cả ai lại nỡ bắn nhau. Thế mà...”.
Năm
giờ sáng 17.2.1979, bầu trời biên giới phía Bắc bỗng sáng rực. Ông Dư cùng mọi
người bị giật dậy khi khắp nơi có tiếng hô hoán: “Tàu đánh rồi, Tàu đánh rồi”. Chín giờ sáng, xe tăng Trung Quốc rầm
rập, tràn ngập thị trấn Đông Khê. Những người dân miền biên viễn chả ai kịp gói
ghém đồ đạc, mạnh ai nấy chạy, tìm đường sống...
Thời
điểm đó, Trung Quốc đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên
giới lãnh thổ Việt Nam, từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh). Cuộc
tấn công của Trung Quốc gây bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới, dù trước đó
Trung Quốc đã từng tuyên bố về ý định « trừng phạt ».
Thời
điểm tấn công, lính Trung Quốc ước tính 600.000 với
9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư
đoàn, trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng
nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn. Trong khi đó, theo Niên giám châu Á năm 1980,
tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các
tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân.
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã gấp rút điều động các sư đoàn bộ binh quân khu từ
tuyến sau lên, quân chủ lực từ chiến trường Tây Nam trở về tham chiến.
Thị
xã Cao Bằng lúc đó bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang. Chúng hình thành hai
cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông
bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng.
Tuy
vậy cả hai cánh quân đều bị bộ đội và dân quân Cao Bằng đánh chặn. Ba ngày đầu,
4 tiểu đoàn quân Trung Quốc bị thiệt hại, hàng chục xe tăng, xe bọc thép bị phá
hủy và Trung Quốc buộc phải đưa lực lượng dự bị vào vòng chiến. Trên trận địa
phòng ngự tại đồi Khâu Chia, các lực lượng của Việt Nam đã chặn đứng một sư
đoàn Trung Quốc trong 12 ngày, diệt hơn 4.000 lính.
Sáng
5.3, loa phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân
thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của
nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe
dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào
các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái,
trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên
bảo vệ Tổ quốc".
Ngay
sau lời kêu gọi, từ khắp các công, nông trường, xí nghiệp, thôn xóm trên cả
nước có hàng nghìn lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.
***
Cao
Bằng những ngày tháng 2.2019 vẫn chìm trong những đợt sương mù bất chợt. Ở
nhiều nơi miền biên giới này, người ta vẫn nghe thấy tiếng tụng kinh, mùi hương
trầm thoang thoảng, vẫn nhìn thấy ở đâu đó, những ánh mắt ưu tư, khắc khoải.
Nỗi đau dường như vẫn còn đó, chưa khi nào hết nguôi ngoai nhưng mọi người đều
muốn cởi bỏ dần những hận thù để hướng đến tương lai.
(Bài có sử dụng ảnh tư liệu, video của
đồng nghiệp)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.