vendredi 27 décembre 2019

Tuấn Khanh - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1925-2019), ra đi để lại một dư âm



Chiều ngày 26/12/2019, tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời đem lại không ít ngậm ngùi cho người hâm mộ. Ông mất ở tuổi 94, sắp tròn một thế kỷ đời, để lại rất nhiều bài hát. Nhưng nổi tiếng nhất và được người yêu nhạc hát lại nhiều nhất, vẫn là bài hát Dư Âm, viết năm 1950. 

Từ sau năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sống trong hiu quạnh giữa lòng xã hội âm nhạc thương mại. Những bạn bè, người hâm mộ khi gặp ông, đều nhìn thấy ông tiếc nhớ tháng ngày vàng son của mình, nhắc bài hát Dư Âm về số phận của nó sau khi ra đời, cũng mối tình chớm nở của tuổi thanh xuân.

Khi nhắc, mắt ông hấp háy nhìn người đối diện, rồi có lúc lặng người, như nhìn xuyên qua cả không gian để thấy lại những ngày tháng đẹp nhất của mình. 

Tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất, khiến tôi nhớ nhiều đến ánh nhìn ấy. Có lẽ quá khứ đã từng đẹp đến mức khiến ông có thể đi qua ngày tháng hiện tại bớt nhọc nhằn hơn. Lúc tôi nghe ông mô tả về những ý nghĩa và giai điệu của Dư Âm, mắt ông bừng sáng như khui chiếc rương kỷ niệm bí mật nhất và đáng chia sẻ nhất.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một người tài hoa. Nhạc của ông viết xuống từng nốt nhạc đẹp như tranh thêu. Thậm chí không phải ca sĩ nào cũng có đủ khả năng để diễn đạt các tác phẩm của ông. Đặc biệt từ những năm 60, khi ông lánh về Hưng Yên để chạy trốn không khí thanh trừng Nhân văn Giai phẩm, mà bất kỳ văn nghệ sĩ nào lúc đó, cũng nơm nớp phần mình bởi những lời kết tội vô chừng - ngủ chưa hết đêm phập phồng đã thấy lao xao trước cửa ai đó gọi tên mình. 

Ở mỗi giai đoạn xã hội, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều có những tác phẩm công phu và danh tiếng cho mình và cho cả chế độ mà ông phục vụ. Năm 1945, khi tham gia Việt Minh và giai đoạn kháng Pháp, Nguyễn Văn Tý đã cống hiến rất nhiều những bài hát cho cách mạng như Ai xây chiến lũy, Tiếng hát Dôi-a, Vượt trùng dương… Thời Bắc Nam nội chiến, ông cũng viết rất nhiều bài cho việc phục vụ tuyên truyền như Dòng nước quê hương, Màu áo chú bộ đội, Hát mừng chiến công, Thành phố Hồ Chí Minh… 

Rồi sau năm 1975, ông lại tiếp tục là một trong những cây viết hàng đầu của nhà nước với việc đóng góp những bài hát nổi tiếng trên truyền hình, báo chí như Em đi làm tín dụng, Mùa xuân cô đi nuôi dạy trẻ, Dáng đứng Bến Tre… Nhưng dù cống hiến miệt mài và nhiệt tình như vậy, lịch sử của nhạc sĩ vẫn có những vết gợn trong giới lãnh đạo đến năm 2000, ông mới được giới lãnh đạo xét duyệt cho giải thưởng Hồ Chí Minh. 

Vết gợn thứ nhất đó là việc cho ra đời bản Dư Âm. Và vết gợn thứ hai là việc ông có tên trong những người thực hiện ấn bản Nhân văn Giai Phẩm, khiến phải làm việc ngày đêm với công an thời đó.

Dư Âm chỉ là một ca khúc tình yêu, thậm chí là ca khúc xuất sắc về tình yêu đôi lứa. Nhưng tiếc là trong không khí hừng hực chiến tranh được chỉ đạo từ Trung ương, Dư Âm bị coi là một ca khúc phá bĩnh, khiến trai gái có thể mềm lòng, không đủ sức chiến đấu.

Lúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý 26 tuổi. Ông được mai mối đến làm quen với hai chị em ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Và trong tích tắc nhìn thấy cô em tên Hằng 16 tuổi, ông đã yêu nhưng duyên không thành. Tám năm sau khi gặp lại, thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chỉ còn kịp thấy cô đang đi bộ đội ở Vĩnh Yên, và có lẽ đã có người yêu. 

Bài hát Dư Âm là tâm sự của chàng thanh niên ấy, và chỉ đàn hát loanh quanh nhưng cũng đủ trở thành cơn sốt trong thanh niên thời ấy. Ai cũng ngâm nga Dư Âm, ai cũng chép lời để dành làm kỷ niệm. Và Nguyễn Văn Tý trở thành cái tên gây tò mò dữ dội ở Hà Nội.

Nhưng rồi thời kỳ chỉnh huấn 1953 đã thay đổi tất cả. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị họp đấu tố, bị buộc viết kiểm điểm để xác nhận là đã sai lầm khi sáng tác Dư Âm. Quyết liệt hơn, các cán bộ văn hóa và tuyên giáo còn tổ chức các buổi nói chuyện ở nhiều nơi trước quần chúng đông đảo, mà nơi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải tự sỉ vả mình, phải chối bỏ đứa con tinh thần và đề nghị quần chúng nhân dân… đừng nghe nữa.

Cái khó nhất, là ở miền Bắc thì đạp lên Dư Âm, nhưng ở miền Nam, khán giả ngày càng hâm mộ. Hàng ngày, đài phát thanh Sài Gòn vẫn nhận được thư yêu cầu phát lại bài hát này. Do đó, “tội” của ông lại càng nặng.

1957, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được lệnh chuẩn bị thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, cùng với những văn nghệ sĩ hàng đầu của miền Bắc như Văn Cao, Lưu Hữu Phước… Thế nhưng một lần nữa ông lại lao đao vì tên của ông xuất hiện trên tạp chí Nhân văn Giai phẩm – một diễn đàn nói thẳng, nói thật và đòi dân chủ xã hội ngay trong thời điểm đó, hoạt động trong thời gian 1955-1958. Theo thanh minh của ông, là do tình thân với Đặng Đình Hưng (thân phụ của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn) nên chỉ đứng cùng trên danh sách ban biên tập. Nhưng vào thời buổi ấy, đó cũng chỉ là một lời khai, nhất là khi mỗi người khai, chỉ vì nhìn thấy duy nhất một con đường sống của mình.

VÌ lẽ đó, ngoài việc không thể còn tham gia việc dựng Hội nhạc sĩ Việt Nam, ông phải tìm cách xin đi Hưng Yên để nghiên cứu dân ca (1961). Mục đích là ở ẩn, thoát khỏi không khí thanh trừng kinh hoàng ở Hà Nội về Nhân văn Giai phẩm. Tận dụng chuyến đi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cắm cúi sáng tác liên tục, không dám màng đến thế sự. Đến năm 1967 ông mới quay về Hà Nội. Ông kể lại chuyện này với ánh mắt đầy vẻ sợ hãi, nói ông là người may mắn thoát được, còn tất cả bạn bè ông đều phải chịu những số phận khốn khổ vô cùng. “Ác lắm”, ông chỉ lắc đầu, kết luận nhanh như vậy.

Cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một ví dụ rõ về thân phận của một nghệ sĩ tài hoa, phải chấp nhận nhiều bi kịch âm thầm để tồn tại trong một cuộc sống không có ngã rẽ chọn lựa nào. Sau năm 2006, nhiều lần ông đã phản ứng mạnh mẽ về đời sống, về chính trị khi được các đài nước ngoài phỏng vấn, nhưng mọi thứ lọt thỏm trong thời đại mới nhộn nhịp thương mại. Bi kịch là khi ông muốn nói, và nói thẳng thì lại không còn ai quan tâm.

“Tôi chỉ tự hào nhất là bài Dư Âm của mình”, ông nói dứt khoát khi được hỏi về các tác phẩm của mình. Thật trớ trêu. Khi khán giả nhìn thấy cái tên Nguyễn Văn Tý bên cạnh bài hát Dư Âm, ít ai biết rằng ông luôn mang theo mình dư âm của thời son trẻ. Một dư âm đẹp đẽ vang lên nhưng phía sau nó, thật buồn.

TUẤNKHANH 26.12.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.