Trước khi bàn vào chuyện chính, tôi muốn chúng ta phải xác định với nhau một lần nữa và không bao giờ là lần cuối cùng rằng, Trung Quốc mới thực sự là mối bận tâm lớn nhất của người Việt, từ cổ sử cho đến muôn đời.
Người Pháp, người Nhật và sau cùng là người Mỹ, chỉ
là những yếu tố ngẫu nhiên làm gián đoạn mối bận tâm chính yếu đó, xét trên
suốt hành trình hàng ngàn năm là không đáng kể cho dù nó cũng đã làm thay đổi
số phận của dân tộc. Chính các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ đã
giúp người Việt tạm thời quên đi những đau thương do Trung Quốc gây ra.
Trong những mục tiêu nhằm đến lãnh thổ, chủ quyền với
người láng giềng nhỏ bé nhưng bất khuất phía nam, Trung Quốc luôn có cả một
chiến lược toàn diện, dài hạn, nhất quán. Nó được thiết kế với tầm nhìn hàng
trăm năm.
Từ chuẩn bị lực lượng quân sự, chèn ép về buôn bán, giao thương, xâm
lược văn hóa, quấy nhiễu, gây rối an ninh, áp đặt dư luận bằng quy mô tuyên
truyền lớn, thao túng hàng hóa, tiền tệ, công nghệ, làm suy thoái nòi giống
Việt …không thể kể hết. Đến những can dự vào chính trị, chia rẽ nội bộ, kiềm
tỏa về ngoại giao, kinh tế, nhằm làm cho Việt Nam phụ thuộc họ càng nhiều càng
tốt, thế giới hiểu sai Việt Nam càng nhiều càng tốt.
Vì thế, sẽ không có gì lạ, không có gì phải ngạc
nhiên khi hình những chiếc “lưỡi bò” đang được phát tán khắp nơi, với mật độ,
cường độ, tốc độ chưa từng thấy và mang tính áp đảo đối phương về thông tin.
Tôi không tự ý bịa ra chuyện này. Chính một quan chức của chúng ta, rõ ràng là
bất đắc dĩ, đã xác nhận điều đó không thể thuyết phục hơn khi phải lên tiếng
trước Quốc hội là “Đường lưỡi bò đang
tràn ngập khắp nơi!”
Đặt trong bối cảnh đó mà xem xét, thì vụ để lọt “giáo
trình in đường lưỡi bò” xảy ra tại Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội,
chỉ nên coi như một tai nạn do kém cỏi về kiến thức chính trị và thiếu khả năng
phòng vệ? Tôi tin rằng cả thầy và trò đều đáng bị trừng phạt ,nhưng lỗi không
hoàn toàn thuộc về họ!
Bởi vì đâu chỉ họ mất cảnh giác. Rất nhiều người
trong chúng ta dễ dàng mắc tội với đất nước bằng sự “sập bẫy” tương tự.
Như đã nói và như những gì đang xảy ra, cho thấy
Trung Quốc có cả một chiến dịch lớn, lâu dài, đầy kiên nhẫn để đặt bằng được
hình ảnh cái “đường lưỡi bò” phi pháp của họ vào trí não hàng tỉ người trên thế
giới, trong đó có cả chính người Việt.
Chiến dịch ấy được âm thầm chuẩn bị từ lâu, bằng một
kế hoạch bài bản, chi tiết, chuyên nghiệp. Với sự phối hợp của hàng chục cơ
quan đảng, chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp. Với việc tận dụng triệt để lợi
thế về tiềm lực, công nghệ. Với việc huy động nguồn nhân lực khổng lồ lên tới
hàng trăm triệu người, luôn trực tiếp nhận chỉ đạo, điều chỉnh chiến lược,
phương pháp từ cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Nếu theo dõi, chúng ta thấy bất cứ nơi nào, từ Liên
Hiệp Quốc, các hội nghị khu vực, các triển lãm nghệ thuật, các lễ hội văn hóa,
lễ hội ẩm thực…hễ có cơ hội là kế hoạch trên của họ được triển khai rất nhanh,
rất chính xác về thời gian, thời điểm, lôi kéo sự quan tâm của nhiều người.
Trắng trợn nhất là trưng bản đồ có đường lưỡi bò dưới
mọi hình thức. Kín đáo hơn thì in cái “lưỡi bò” ấy trên giấy mời, tờ rơi, cài
vào những phim ăn khách. Rồi thì hộ chiếu, visa du lịch, phần mềm ô tô, các
thiết bị điện tử, các tấm pin mặt trời…Nghĩa là không còn thiếu bất cứ ngóc
ngách nào của cái thế giới này mà họ không tận dụng triệt để cho việc nhét cái
“lưỡi bò” vào đầu người khác!
Việc một cái hình bản đồ minh họa có “đường lưỡi bò”
được bí mật gài kín trong giáo trình học tiếng Trung, rồi tìm cách tuồn vào
trường đại học của Việt Nam dưới hình thức biếu tặng, là chuyện không có gì quá
bất ngờ. Tôi coi đó như một tai nạn là vì vậy. Sự nổi giận của người Việt đương
nhiên là chính đáng và hoàn toàn dễ hiểu!
Người Việt vốn cực kỳ nhạy cảm với vấn đề chủ quyền,
mà trong trường hợp này, còn có thêm cả sự thể hiện thái độ với Trung Quốc. Sự
nổi giận như vậy là cần thiết và đáng được tôn trọng. Tuy nhiên, sự hiểu biết
một cách tỉnh táo để đưa ra hành động đáp trả cuộc tấn công bằng hình “lưỡi
bò”, mới là điều đáng bàn, đáng nghĩ, đáng quan tâm.
Như những gì đã và đang xảy ra cùng với cách thức
phản ứng lại, cho thấy rõ một điều là chúng ta đã không xem trọng đúng mức
chiến dịch thông tin gắn với cái “lưỡi bò”. Tại sao Trung Quốc lại gia tăng
cường độ tuyên truyền điều đó vào lúc này? Tại sao người dân của chúng ta, bao
gồm cả những người được xem là trí thức, là nhân sỹ lại trở nên bị động, thụ
động dẫn tới phát ngôn và hành động “có hại” cho đất nước?
Ngay cả việc đặt câu hỏi cũng không hoặc mới ở mức
hời hợt, nói gì đến chuyện tìm câu trả lời đích đáng?
Ai đã từng nghe phát biểu lạnh tanh của ông hiệu
trưởng Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ai đã từng thấy vẻ mặt
bình thản của bà trưởng khoa cũng của cái trường trên, sẽ thấy họ đại diện cho
đa số người Việt hoàn toàn không hề có chút ý thức cảnh giác nào, về một chiến
dịch tuyên truyền nguy hiểm có tính chất xâm lược thông tin của Trung Quốc.
Có quái gì đâu, chỉ là một sự sơ suất do không lật
giở từng trang khi duyệt giáo trình? Có gì ghê gớm đâu mấy cái nét nhỏ tí mờ
mịt ấy và phải căng mắt ra mới thấy? Tất nhiên chúng ta không chấp nhận những
lý do vô cảm như vậy. Chúng ta cũng khó mà thông cảm được với những cô cậu sinh
viên ngày ngày lật giở sách ra học mà không thấy cái “đường lưỡi bò” chềnh ềnh
trước mắt.
Nhưng hãy nghiêm khắc hỏi những người chịu trách
nhiệm cao hơn về chủ quyền đất nước xem, tại sao kiến thức về cái đường lưỡi bò
bịa tạc đầy ma giáo ấy lại ít được phổ biến đến mức, học sinh suốt 12 năm học
trong trường, thậm chí một sinh viên đại học, một cô giáo ngoại ngữ, một nhà
nhập khẩu xe ô tô lại không biết nó là thứ gì. Không biết (hoặc linh cảm thấy)
nó nguy hiểm đến an nguy quốc gia như thế nào, nó có thể trong nháy mắt biến
thành thứ vũ khí chống lại người Việt hàng chục, hàng trăm năm ra sao?
Hãy nghiêm khắc đặt cũng câu hỏi như vậy với hệ thống
báo chí gần nghìn tờ. Xem họ đã làm gì để bất cứ người Việt nào cũng ngay tức
khắc ghê tởm cái hình “lưỡi bò” ấy, tìm cách cắt phăng nó đi, thiêu hủy nó,
thóa mạ nó, khinh bỉ nó, dù nó hiện lên dưới bất kỳ hình thức nào, ở bất cứ
đâu?
Đã đến lúc cần phải từ bỏ thói quen nói vòng vo tự
làm khó đồng bào mình, mà hãy gọi thẳng vào bản chất của vấn đề. Và trong sự
kiện đang bàn luận, không thể tìm được từ nào khác ngoài từ “cuộc chiến”. Thậm
chí có thể phải chỉ ra cả nguyên nhân của nó.
Nguyên nhân ấy là Trung Quốc đang có chiến tranh
thương mại với Hoa Kỳ khiến kinh tế của họ lao đao, nội bộ họ đang lục đục, xã
hội của họ đang đối mặt với sự suy sụp. Và để phân tán áp lực, theo cách cổ xưa
tổ tiên họ để lại, họ bèn tiến hành những cuộc chiến khác nhau, với các quốc
gia ít nhiều có va chạm về lợi ích. Với các nước khác, tôi không/chưa quan tâm.
Còn với Việt Nam, đó là “Cuộc chiến hình
lưỡi bò”.
Muốn tìm ra đối sách hiệu quả trước một hành động gây
hấn nào đó từ đối phương, trước hết hãy định danh chính xác hành động đó. Chắc
chắn tôi không phải là người đầu tiên đưa ra quan điểm này.
TẠ DUY ANH 19.12.2019
(Đăng trong Viết & Đọc Mùa Đông 2019)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.