dimanche 1 décembre 2019

Cù Mai Công - 11 vị kiến nghị không nên «chém vè»


Mười một vị kiến nghị loại bỏ tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes nên thẳng thắn đối thoại với dư luận, không nên « chém vè » !

(Đây là thước đo khí tiết của kẻ sĩ - nhà trí thức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu thật sự! Đặc biệt là "đội trưởng" đội bóng 11 người nhưng lại "bỏ bóng đá người": PGS.TS Lê Cung, Trường ĐH Sư phạm Huế).

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Trường ĐH Khoa học Huế) cho biết mình bị ghi tên khống vào bản kiến nghị loại bỏ tên hai giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes ra khỏi danh sách đặt tên đường, trường học ở Đà Nẵng. 

Còn bây giờ, PGS.TS Hoàng Dũng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã bày tỏ chính kiến rõ ràng trên báo Tuổi Trẻ sáng 30-11-2019 - đúng phong cách của một nhà khoa học, chứ không "mập mờ đánh lận con đen" như ai kia; đến cái danh sách cũng... giả mạo, lộn sòng.
Ông bác bỏ 3 lý do mà nhóm 11 vị kia nêu ra để không đặt tên Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes.

Cụ thể PGS.TS Hoàng Dũng cho biết:

BÁC BỎ 3 LÝ DO, KHẲNG ĐỊNH CÔNG LAO

"Bản kiến nghị mà 11 người gửi có nêu ba lý do: Alexandre de Rhodes không phải là người chế tác chữ quốc ngữ; Alexandre de Rhodes công kích Nho, Lão, Phật và Alexandre de Rhodes "âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta". Tôi sẽ lần lượt bàn về cả ba lý do đó.


Với lý do thứ nhất, ngày nay giới nghiên cứu dễ dàng đồng ý với nhau rằng chữ quốc ngữ không phải là sản phẩm của Alexandre de Rhodes và Từ điển Việt Bồ La của ông đã thừa hưởng công lao của những giáo sĩ đi trước. Nhưng không có nhà nghiên cứu hiểu biết nào lại sổ toẹt công lao của Alexandre de Rhodes đối với chữ quốc ngữ. Từ điển Việt Bồ La đã ghi một cái mốc quan trọng trong lịch sử chữ quốc ngữ, nhất là trong điều kiện hai cuốn từ điển Việt Bồ của Gaspar de Amaral và Bồ Việt của Antonio Barbosa đã thất truyền. Đó là sự thực mà chỉ những ai cố tình nhắm mắt trước lịch sử mới có thể phủ nhận.


Còn về lý do thứ hai mà các vị trên viện dẫn, tôi đồng ý rằng quả nhiên Alexandre de Rhodes có chê bai nặng lời các tôn giáo khác. Nhưng đó là hạn chế khó tránh không phải chỉ riêng Alexandre de Rhodes. Cần nhớ ông sống cách đây 400 năm và đừng đứng trên quan điểm của thế kỷ 21 để gò người xưa vào khuôn khổ tư tưởng ngày nay. Có lẽ nào chúng ta không cần biết ơn một người do họ có hạn chế về tư tưởng?

DỊCH SAI, HIỂU SAI

Về lý do thứ ba, các tác giả bản kiến nghị dẫn một đoạn viết của Alexandre de Rhodes trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 với lời dịch của giáo sư Hoàng Tuệ: "Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ", từ đó khẳng định: "Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông" là sai.

Với câu trích đề cập trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu từng dịch: "Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các giáo hội này" (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). Ông Nguyễn Ðình Ðầu nói thêm: "Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn "chinh phục toàn phương Ðông" là để cho "nước Cha trị đến", chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. "Chinh phục" hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị.

Còn theo Hồng Nhuệ (trong cuốn Hành trình và truyền giáo do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP.HCM xuất bản năm 1994, ở trang 263, 289) thì đoạn trích phải được dịch: "Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về quy phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn". Và Hồng Nhuệ chú thích từ chiến sĩ ở đây: "Nói chiến sĩ Phúc âm tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng".

TÙY TIỆN, VÔ ƠN

PGS.TS Hoàng Dũng bày tỏ chính kiến rất mạnh mẽ về "đội bóng" kia: "Tôi cho rằng 11 người ký tên không thể tùy tiện dựa vào cách hiểu của mình lên án người xưa như thế".

Rồi ông chốt hạ khách quan - đúng tinh thần biện chứng - toàn diện; có lý có tình: "Tóm lại, tất nhiên các vị giáo sĩ chế tác ra chữ quốc ngữ chỉ để truyền giáo, nhưng lẽ nào người Việt được hưởng ích lợi của chữ quốc ngữ lại tỏ ra vô ơn sao?".

Chắc chắn PGS.TS Hoàng Dũng đã nói lên tiếng nói của hàng ngàn, hàng vạn người xưa nay.

Xin mời 11 vị kia trong danh sách có vị bị mạo danh (có thể khởi kiện hình sự được) trả lời về sự nhận diện không biện chứng - sự thật khách quan, dịch sai, nghiên cứu ẩu và... "vô ơn".

Dư luận đã lên tiếng. Các vị khi kiến nghị dữ dội thì cũng phải thẳng thắn đối thoại với dư luận, không nên "chém vè" như mấy hôm nay - im lặng trước dân, né tránh trả lời báo chí!

Đó mới là thước đo khí tiết của kẻ sĩ - nhà trí thức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu thật sự!

CÙ MAI CÔNG 30.11.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.