Sau 17 tháng chiến tranh mậu dịch leo
thang, các trại chủ ở Mỹ đã thiệt hại $11 tỉ. (Hình: Jorge Guerrero/AFP via
Getty Images)
|
(Người Việt 17/12/2019) Thị trường chứng khoán Mỹ chỉ nhích lên
chút đỉnh trong ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Hai, khi cuộc hưu chiến mậu dịch Mỹ-Trung
được công bố. Lý do vì thị trường đã lên hôm trước rồi; nhưng cũng vì kết quả rất
khiêm tốn đối với nền kinh tế Mỹ.
Trung Cộng hứa sẽ mua thêm $200 tỉ hàng
hóa của Mỹ trong hai năm tới, con số quá nhỏ so với sản lượng nước Mỹ. Những hứa
hẹn của Bắc Kinh về bảo vệ tác quyền các sản phẩm trí tuệ và mở cửa thị trường
cho các công ty dịch vụ Mỹ cũng phải chờ nhiều năm mới thể hiện được, nếu Trung
Cộng thực tâm muốn làm.
Tình trạng khả nghi biểu lộ ngay trong
cách Trung Cộng công bố tin tức. Trong khi Tổng Thống Donald Trump báo trước sắp
có “thỏa hiệp giai đoạn một” nhiều lần và chính phủ Mỹ nêu chi tiết nhiều điểm
hai bên đã thỏa thuận thì Cộng Sản Trung Quốc chỉ loan báo kết quả đại cương.
Các báo, đài ở Bắc Kinh không coi đây là
một tin quan trọng để bình luận. Ngày Thứ Bảy, chỉ có một tạp chí Hoàn Cầu Thời
Báo viết một bài; mô tả bản thỏa hiệp là một “bước đầu” trong cuộc thương thuyết
mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ còn nói trong tương lai “phải chờ xem hai nước
có tiến thêm bước nào nữa không.”
Trong bản thỏa hiệp do phía Mỹ công bố,
Trung Cộng sẽ mua $50 tỉ nông phẩm, có thịt và đậu nành. Về phía Trung Cộng,
các báo, đài không nói đến các con số $200 tỉ hay $50 tỉ trên đây. Năm ngoái
Trung Quốc nhập cảng $137 tỉ nông phẩm, mua của Mỹ $9.2 tỉ trong khi mua thêm của
nhiều nước khác. Trong quá khứ nước Tàu mua nhiều nông phẩm Mỹ nhất vào năm
2012 cũng chỉ có $25.9 tỉ. Hiện nay nông phẩm Brazil, Argentina đang chiếm thị
trường Trung Quốc để thay thế hàng Mỹ. Trong năm qia Trung Cộng đã đầu tư hàng tỉ
đô la xây dựng hạ tầng cơ sở ở hai nước này để vận chuyển và tiếp thị nông sản
nhanh hơn.
Các viên chức Trung Cộng họp báo không
xác định con số nào, nhưng lại nói rằng phía Mỹ hứa sẽ mua thêm nông phẩm của
Trung Quốc. Họ còn nói việc mua hàng hóa “cao cấp” của Mỹ sẽ dựa trên “số cầu
trong thị trường” và tuân theo các luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO).
Nếu mai mốt không mua như đã hứa, họ có thể lấy cớ trong nước không có nhu cầu,
hoặc sợ bị các nước khác thưa kiện với WTO vì mua hàng Mỹ với giá cao hơn hàng
nước khác; hoặc viện ra cả hai lý do đó.
Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại
của chính phủ Mỹ, nhấn mạnh đến trách nhiệm của đối phương khi thi hành thỏa hiệp,
ông nói rằng, “Cuối cùng, tất cả bản thỏa hiệp có được thể hiện hay không là
tùy thuộc những người quyết định ở Trung Quốc chứ không phải ở Mỹ. Nếu phe bảo
thủ cứng rắn ở Bắc Kinh quyết định thì kết quả này, nếu phe cải tổ quyết định
thì lại khác.”
Ông Lighthizer đã có kinh nghiệm cay đắng
về phe thủ cựu trong Bộ Chính Trị Trung Cộng. Trong năm qua Tổng Thống Trump đã
đe dọa tăng quan thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc rồi ngưng không thi
hành tất cả bốn lần, để hy vọng tiến tới thỏa hiệp, nhưng vô hiệu. Ngược lại,
Chủ Tịch Tập Cận Bình đã hai lần rút lại các thỏa hiệp đã gần xong chỉ vì bị
phe bảo thủ ngăn cản.
Tháng Tư vừa qua, hai phái đoàn Mỹ, Trung
đã thỏa thuận một bản thỏa hiệp, nhưng vào phút chót phải xé bỏ vì ông Tập Cận
Bình bị các tay cứng rắn trong Bộ Chính Trị phê bình. Ông Tập phải rút lại việc
giảm trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước như Mỹ yêu cầu. Tháng Mười, một thỏa hiệp
cũng gần hoàn tất, nhưng phe diều hâu trong Bộ Chính Trị phản đối vì khi đó
chính phủ Mỹ không bỏ bớt một thứ thuế quan nào đã đánh trên hàng Trung Quốc. Đối
với họ, không giảm bớt thuế quan, không thỏa hiệp.
Cuối cùng phe bảo thủ trong đảng Cộng Sản
Trung Quốc thắng thế. Chính phủ Mỹ đã ngưng không đánh thuế trên $160 tỉ hàng
nước Tàu dự định vào ngày 15 Tháng Mười Hai, và cắt một nửa thuế quan từ Tháng
Chín đánh trên $120 tỉ hàng hóa khác.
Doanh nghiệp nhà nước là vấn đề khúc mắc
nhất. Chính phủ Trump đã yêu cầu Trung Cộng phải giảm trợ cấp cho các xí nghiệp
quốc doanh, vì họ có thể bán giá rẻ, cạnh tranh dễ dàng với các doanh nghiệp tư
nhân ở Mỹ. Nhưng phe cứng rắn Trung Cộng đã phản đối, coi đó là xâm phạm vào chủ
quyền kinh tế của nước Tàu. Cuối cùng, vấn đề này không hề được nhắc tới trong
bản thỏa hiệp sắp ký, một thắng lợi lớn cho phe bảo thủ bên Tàu.
Trong quá khứ, Trung Cộng luôn luôn trợ cấp
các xí nghiệp của họ để loại bỏ các đối thủ quốc tế. Cách trợ cấp đơn giản nhất
là các ngân hàng của nhà nước cho vay với lãi suất rất thấp. Có một lúc hầu hết
các bản tiếp nhận ánh sáng mặt trời để tạo ra điện trên thế giới đều mua từ nước
Tàu, vì các nước khác không thể cạnh tranh giá cả.
Bây giờ, phe bảo thủ Trung Cộng đã thừa
thắng xông lên. Họ không muốn ngừng trợ cấp các ngành kỹ thuật cao, sẽ cạnh
tranh với các công ty Mỹ và quốc tế trong những công nghiệp tân tiến nhất.
Trung Cộng đã bỏ ra hàng trăm tỉ đô la để thúc đẩy các ngành viễn thông, tin học,
trí khôn nhân tạo, cho đến máy bay và xe chạy điện, vân vân, với mục tiêu sẽ đứng
đầu thế giới.
Một doanh nghiệp nhà nước đang mở 110 nhà
kho lớn ở ngoài Thượng Hải, với các văn phòng hoàn toàn vi tính hóa, nhắm chế tạo
máy bay để sẽ cạnh tranh với Boeing. Hàng chục thành phố trợ cấp các nhà sản xuất
chế ra những chip điện tử có khả năng cạnh tranh với Mỹ, Đài Loan và Nam Hàn. Họ
muốn thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào các hàng kỹ thuật cao của các nước này, vì đã
đi xa trước nước Tàu hàng chục năm. Phe bảo thủ ở bên Tàu không muốn từ bỏ giấc
mộng đứng đầu thế giới trong mọi ngành kỹ thuật trong 20 năm tới.
Ông Tập Cận Bình đã chịu theo phe bảo thủ,
hoặc ông ta cũng bảo thủ như họ. Ngay cả khi Trung Cộng nhượng bộ Mỹ, chấp nhận
mua $50 tỉ, thì việc mua bán, tồn kho, tiếp thị số nông sản này cũng do các
doanh nghiệp nhà nước đảm trách. Vì trong thị trường tư nhân không ai có thể ấn
định ngay số hàng mua trước khi biết giá cả! Nước Mỹ đang giúp cho vai trò kinh
tế quốc doanh ở nước Tàu mạnh hơn.
Bản thỏa hiệp sẽ được ông Robert
Lighthizer, và ông Lưu Hạc – phó thủ tướng Trung Quốc – ký vào đầu năm 2020,
vào lúc Thượng Viện Mỹ có thể đang biểu quyết không kết án Tổng Thống Trump
trong vụ đàn hặc; Tổng Thống Trump sẽ tuyên bố đại thắng.
Khi công bố tin về thỏa hiệp thương mại,
Tổng Thống Trump vui mừng nói, “Các trại chủ sắp đặt mua các máy cày và nông cụ
lớn hơn!” Trong năm qua số các nông trại khai phá sản đã tăng 24% và số nợ của
các nông gia đã lên tới $416 tỉ, mức nợ cao nhất kể từ gần 40 năm qua. Thỏa hiệp
mua thêm nông sản Mỹ sẽ xoa dịu tâm lý các nhà nông ở vùng Trung Tây, họ có thể
sẽ bỏ phiếu cho Tổng Thống Trump tái đắc cử.
Sau 17 tháng chiến tranh mậu dịch leo
thang, các trại chủ ở Mỹ đã thiệt hại $11 tỉ. Trong năm qua công quỹ đã phải xuất
ra $28 tỉ để bù cho các nhà nông bị thiệt hại vì chiến tranh mậu dịch. Sang
năm, Trung Cộng hứa sẽ mua $20 tỉ nông phẩm, lên bằng con số năm 2017. Các nhà
nông sẽ tăng số bán cho Trung Quốc lên $40 hay $50 tỉ!
Ông Tập Cận Bình có một thỏa hiệp, tạo một
không khí hòa hoãn, ít nhất giúp cho dân Trung Quốc yên tâm trước khi về quê ăn
Tết. Nhưng không thể biết liệu ông ta sẽ thi hành bản thỏa hiệp như thế nào, vì
ngoài mấy con số $200 tỉ và $50 tỉ, các điều khác đều chưa đủ chi tiết. Việc
thi hành và thương thuyết các thỏa hiệp khác trong thời gian sắp tới sẽ khó
khăn, vì đụng tới những vấn đề mà phe bảo thủ ở Bắc Kinh quyết không nhượng bộ.
Bản thỏa hiệp cũng nói Trung Cộng hứa sẽ
không ép các công ty Mỹ chuyển giao kỹ thuật, không âm mưu hạ giá đồng nhân dân
tệ. Hai bên hứa sẽ thiết lập các cơ cấu để giải quyết những điều tranh tụng khi
thi hành thỏa hiệp.
Nhưng tất cả chỉ là những lời hứa.
Chúng ta có thể nhớ lại Hiệp Định Paris
chấm dứt chiến tranh Việt Nam còn đi xa hơn những điều cam kết trong thỏa hiệp
ngưng chiến mậu dịch này. Bản Hiệp Định Paris được các cường quốc ký bảo đảm, từ
Nga, Trung Cộng, Ấn Độ, Anh, Pháp, Mỹ, vân vân. Các nước ký kết đồng ý thiết lập
một cơ cấu kiểm soát đình chiến quốc tế và cả một “Ủy Ban Bốn Bên” gặp nhau mỗi
ngày để theo dõi việc thi hành. Kết quả ra sao ai cũng biết rồi.
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.