dimanche 22 décembre 2019

Quang Vĩnh - Họ đã sống những ngày không bằng chết !




Những cành hoa hồng bằng chỉ màu và đơn kêu oan của Lê Văn Mạnh lần lượt gửi ra từ nhà giam suốt 14 năm qua.

Theo Nghị định và các Thông tư có liên quan, sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì những người bị kết án tử hình sẽ vào buồng giam riêng, mà ta hay gọi là buồng biệt giam.

Trong buồng này, người bị kết án tử hình có thể bị cùm một chân cả ngày đêm (24/24 giờ). Mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để vệ sinh cá nhân. Mọi sinh hoạt của người bị kết án tử hình - ăn, uống, thải, loại đều được thực hiện trong buồng giam khoản 6 mét vuông. Họ nhìn thấy ánh sáng mặt trời qua một lỗ thông bằng bàn tay... 

Điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt là vậy, nhưng khi họ bị kết án tử hình với những tội danh giết người, hiếp dâm, cướp tài sản…thì gia đình họ cũng tan nát. Họ hàng, xã hội dị nghị; cạn tiền, cạn bạc vì kêu oan; vợ con ly tán. Có tử tù đã phải ký đơn ly dị cho vợ trong buồng biệt giam…

Các tử tù đã được ân giảm án tử hình cảm nhận: 11 năm biệt giam, bị cùm chân, là 4.320 đêm chịu đựng cảm giác thấp thỏm, cô đơn, hoảng loạn... đợi người đến đưa mình đi thi hành án tử. “Ngày nào trong buồng biệt giam tôi cũng tự lẩm nhẩm bấm quẻ cho mình. Có hôm quẻ phán xấu tôi tin là sẽ phải đi nên cứ khóc lóc vật vã”!…
 
Theo một cán bộ trại tạm giam, sống ở buồng biệt giam, nhiều tử tù xem đó là nơi đáng sợ hơn cả cái chết.

Nhưng hiện có 229 người sống không bằng chết như vậy (báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội từ ngày 3-6/9/2019: Hiện có 229 “tử tù”… đợi thi hành án 5-10 năm, 20 người đã chờ hơn 10 năm). 

Tôi không đủ tư liệu để viết về cuộc sống không bằng chết của 229 tử tù trên, bài này tôi chỉ đề cập đến 3 “tử tù” đã ở trong buồng biệt giam 11-14 năm nhưng họ một mực kêu oan: Lê Văn Mạnh (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) và Hồ Duy Hải (Long An).


Đơn kêu oan trên chiếc áo chi chít chữ của tử tù Lê Văn Mạnh.
LÊ VĂN MẠNH: BIỆT GIAM 14 NĂM CHỈ VÌ LÁ THƯ NHẬN TỘI GỬI BỐ

- Ngày 22/03/2005, phát hiện xác nạn nhân 9 tuổi tại bờ sông Cầu Chày thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cơ quan giám định pháp y kết luận cháu bị chết do bị thắt cổ, trên người nạn nhân có dấu hiệu ngạt nước, bị hiếp dâm.

- Ngày 20/04/2005, Lê Văn Mạnh bị bắt tạm giam. Mạnh sinh ngày 25/12/1982 tại Thanh Hóa.

- Ngày 23/04/2005, Lê Văn Mạnh từ trong trại giam gửi một bức thư cho bố, có nội dung: Con đã nhận hết tội, nhờ bố sang xin lỗi gia đình cháu và bồi thường thiệt hại...Thư này bị nhà chức trách thu giữ, dùng làm căn cứ buộc tội.

- Ngày 29.7.2005, TAND tỉnh Thanh Hóa xử sơ thẩm: tuyên phạt Lê Văn Mạnh “tử hình” với 3 tội danh “giết người; hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản”. Tại Tòa và sau phiên tòa, Mạnh một mực kêu oan.

- Ngày 27.10.2005, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội hủy bỏ tội danh “giết người và hiếp dâm trẻ em”, giao TAND tỉnh Thanh Hóa tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra.

- Ngày 13.3.2006, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên sơ thẩm (lần 2): tuyên án “tử hình” đối với Lê Văn Mạnh về 2 tội danh “giết người và cướp tài sản”. 

- Ngày 26.7.2006, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội (lần 2) xử y án “tử hình” đối với Lê Văn Mạnh. Lê Văn Mạnh tiếp tục kêu oan.

- Ngày 23.4.2007, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Lê Văn Mạnh.

-Ngày 04/06/2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tiến hành giám đốc thẩm và quyết định hủy bỏ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm gần nhất.

- Ngày 29/07/2008, Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa (lần 3): tử hình Mạnh vì tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”.

- Ngày 25/11/2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội (lần 3): y án tử hình.

-Ngày 16-10-2015, TAND tỉnh Thanh Hóa thông báo về việc thi hành án tử hình đối với Mạnh để gia đình bà Việt (mẹ Lê Văn Mạnh) làm đơn nhận tử thi đưa về an táng.

- Bà Việt và các luật sư ra Hà Nội nộp đơn kêu oan cho Mạnh. Sau đó, TAND tỉnh Thanh Hóa tạm hoãn thi hành án đối với Lê Văn Mạnh để xem xét lại vụ án.

- QĐ kháng nghị giám đốc thẩm ngày 23/4/2007, VKSNDTC nêu rõ: Trong khi bị giam giữ, Mạnh đã nhận tội “giết người và hiếp dâm trẻ em” nên chứng cứ kết án Mạnh chủ yếu dựa vào lời khai nhận tội của Mạnh. Trong các lời khai có nhiều điểm mô tả chi tiết, phù hợp với hiện trường, tử thi. Tuy nhiên, quá trình điều tra vẫn còn một số thiếu sót, trong lời khai nhận tội của bị cáo còn có nhiều điểm mâu thuẫn và thiếu thống nhất, nhưng chưa được làm rõ…

- Trong đơn đề nghị hoãn thi hành án tử hình với Mạnh, các luật sư cho rằng: Trong các bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm không có chứng cứ nào khác ngoài lời nhận tội của bị cáo, mà chính bị cáo phủ nhận toàn bộ tại phiên tòa. "Điều này đã vi phạm quy định tại khoản 2 điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị án làm chứng cứ duy nhất để kết tội". 

-Trong một lá thư kêu oan gửi Chủ tịch Nước, Lê Văn Mạnh đã viết: “Đã nhiều đêm tôi phải sống trong sự chán nản vô cùng và tự mình tìm đến cái chết như các anh Cường, anh Biên. Các anh cũng chịu án tử hình như tôi, nhưng đã không chịu được sự thống khổ trong môi trường biệt giam này nên đã tự tử. Nhưng mỗi lần tôi muốn tự tử thì tiếng trẻ thơ của hai đứa con tôi lại vang lên trong đầu ‘Bố ơi, bố đừng bỏ chúng con!’”.

- Ngày 26/10/2015, ông Đàm Cảnh Long - Phó trưởng Phòng giám đốc kiểm tra phụ trách thi hành án hình sự, TAND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay Hội đồng thi hành án chưa họp và chưa quyết định cụ thể gì.

- Ngày 9/9/2016 có một đoàn công tác đến hiện trường ngày xưa của vụ án để đo đạc, chiếu chụp, cũng như thu thập một số tài liệu liên quan đến vụ án.

- Đã 14 năm, vụ án Lê Văn Mạnh trải qua 6 phiên tòa và 1 lần giám đốc thẩm. Tuy nhiên, từ đó đến nay Lê Văn Mạnh, gia đình và các LS vẫn một mực kêu oan. Đến nay, số phận của Lê Văn Mạnh vẫn treo lơ lửng trong buồng biệt giam.

Khi chưa đủ chứng cứ buộc tội thì các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, đình chỉ vụ án và trả tự do cho Lê Văn Mạnh. 

Đừng để họ chết oan rồi lại đi giải oan!

Bài đã dài, kỳ sau viết tiếp:
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng – Luật pháp đã « hết đường » hay cửa lòng chưa mở ?

*PS:
-Bài có sử dụng tư liệu trên các báo và FB.
-Các LS theo dõi vụ Lê Văn Mạnh, có điểm nào chưa chính xác xin góp ý.


QUANG VĨNH 22.12.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.