mercredi 25 décembre 2019

Huy Đức - Một éo le lịch sử & hai lựa chọn khác nhau của hai dân tộc



Gần như tình cờ. Tôi vừa kết thúc cuốn "Đời Tổng Giám Mục Puginier", Nguyễn Cảnh Bình cho, trên chuyến bay ra. Thì, lại có cuốn "Bàn Về Văn Minh" của Fukuzawa Yukichi cho chuyến bay vào (Nhật Anh – Nhã Nam tặng). 

Hai cuốn sách đều nói tới tình huống lịch sử gần giống nhau vào nửa cuối thế kỷ 19 của cả Việt Nam và Nhật. Hai cuốn sách cũng cho thấy cách ứng xử rất khách nhau thời bấy giờ của hai nước.

Fukuzawa Yukichi "Bàn Về Văn Minh" vào năm thứ 7 của Minh Trị Thiên Hoàng. Kỷ nguyên này bắt đầu từ khi nước Nhật chấm dứt bế quan tỏa cảng và Fukuzawa, một nhà tư tưởng được người Nhật tôn vinh, gọi sự kiện Phó đề đốc Perry mang "tối hậu thư" của Tổng thống Mỹ đòi Nhật mở cửa là một điều "may"(1853). 

Năm năm sau, 1858, đô đốc Rigault de Genouilly của Pháp đến cửa Đà Nẵng, cũng giống Perry, mang theo một tối hậu thư. Tướng Nguyễn Tri Phương, theo lệnh Vua Tự Đức chống cự quyết liệt. Genouilly vào lấy Sài Gòn và Nam Bộ trước rồi trở ra... 

Thời gian đó, Giám mục Puginier được gửi đến Sài Gòn. Cuốn sách của một tác giả công giáo cùng thời viết về ông - như một nhân chứng - cho thấy sự khốc liệt mà người dân Việt Nam phải chịu đựng những thập niên sau đó.

Người Nhật ban đầu cũng "bài ngoại, phục cổ, tôn hoàng". Cuộc chiến đấu của họ lúc đầu cũng nhắm vào lực lượng cầm nắm thực quyền (Mạc Phủ) nhượng bộ với "ngoại bang" mà họ coi là mọi rợ. 

Nhưng khi dẹp xong Mạc Phủ, thay vì "đuổi rợ", chính nhờ chỉ mấy năm đầu mở cửa giao thương ấy, họ được "tư tưởng văn minh phương Tây hỗ trợ" để nhận ra cuộc cách mạng của mình không phải để "phục cổ" mà đó là một cuộc cách mạng của "trí lực chống chuyên chế". "Người dân từ bỏ sức mạnh của nắm đấm thuần túy mà tập hợp cùng các nhóm trí thức..."

Chuyên chế mới là kẻ thù của nhân dân chứ không phải ngoại bang hay người Nhật.

Cùng đứng trước thách thức của cuộc "toàn cầu hóa lần thứ nhất" trong cùng một tình huống - cưỡng bức mở cửa bằng đại bác - nhưng hai nước đã có hai cách phản ứng khác nhau. Đọc và nhìn lại lịch sử thế kỷ thứ 19 của Nhật và Việt Nam, quả là có nhiều điều suy nghĩ lắm.

HUY ĐỨC 25.12.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.