Đôi lời : Theo Thụy My, tác giả có lý khi
so sánh giữa hai ông Tăng Minh Phụng và Lê Văn Kiểm. Cùng làm may mặc, cùng đầu
cơ đất đai như nhau, nhưng ông Tăng Minh Phụng (công ty Minh Phụng) bị tử hình,
còn ông Lê Văn Kiểm (công ty Huy Hoàng) lại thoát nạn nhờ là con liệt sĩ, gia đình cách mạng,
được Bộ Chính trị cho giãn nợ. « Deux poids, deux mesures »!
Khi viết đôi dòng về Hồ Duy Hải, tôi cứ bị
ám ảnh, nếu như Hải bị bắn ngay sau khi án có hiệu lực thì sao. Chúng ta không
biết chắc Hải có oan hay không. Nhưng chúng ta biết chắc, tố tụng bị vi phạm
nghiêm trọng và những bằng chứng đưa ra ở các phiên tòa là không đủ để kết tội
anh.
Khi ngồi với nhau, nhiều điều tra viên
cao cấp thừa nhận với tôi, oan sai không chỉ nằm trong số các bị cáo được tuyên
vô tội, các bị án được minh oan... Oan sai còn rất nhiều trong các trại giam và
có cả những oan sai đã bị bắn.
Đây là lần đầu tiên, sau hơn 20 năm, tôi
mở những tấm hình này ra. Những tấm hình chưa từng công bố. Chiều qua, khi nói
chuyện với một phóng viên pháp đình, cô ấy đề nghị tôi post và viết mấy dòng
này lên. Xin lỗi gia đình các nạn nhân. Tôi đã rất sốc khi chứng kiến cuộc hành
hình này, tôi biết là các bạn cũng sẽ rất đau lòng khi nhìn thấy những hình ảnh
ấy. Nhưng, tôi rất muốn những người có trách nhiệm thấy để phải suy nghĩ rất kỹ
khi tuyên án tử hình.
Khi đứng ở trường bắn Thủ Đức, chụp những
tấm hình này, tôi nhớ lại gương mặt đăm chiêu của ông Lê Thúc Anh, Chánh án
TAND TP HCM. Hôm đó (1997), khi tòa xử vụ Tamexco đang giải lao, thấy ông Chánh
Án đứng một mình, tôi lại gần, ông nói, "Trong 4 bị cáo này (Phạm Huy
Phước, Lê Đức Cảnh, Trần Quang Vinh, Lê Minh Hải) chỉ có một người là 'tham
nhũng chính hiệu'. Nhưng, ngay cả người đó, Trưởng phòng Công chứng Vũng Tàu Lê
Đức Cảnh, cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ..." Vậy nhưng, các thẩm
phán của ông Lê Thúc Anh vẫn phải tuyên 4 án tử hình.
Thẩm phán và chỉ huy lực lượng cảnh sát thi hành án. |
Cũng như khi xét xử vụ Minh Phụng - Epco,
Tòa không thừa nhận giá thị trường, Tòa lấy giá trên sổ sách tính giá một mét
vuông không mua được một que kem. Ông Trần Quang Vinh bị bắn khi Tỉnh còn nợ
ông 15 tỉ. Ngay trước khi ông Minh Phụng bị bắn, nhiều tài sản của ông được bán
với giá cao hơn rất nhiều giá được định tại tòa.
Những doanh nhân như Phạm Huy Phước, Tăng
Minh Phụng và cả Lê Văn Kiểm... đã "đi trước thời đại" tích lũy rất
nhiều đất đai. Trong thập niên 1990, ông Kiểm, ông Phụng không sử dụng quyền lực
nhà nước để lấy đất của dân như chúng ta chứng kiến ở Thủ Thiêm, ở Văn Giang...
Họ cho người gặp dân thỏa thuận giá và sang nhượng. Chính sách đất đai nửa vời
đã giết Trần Quang Vinh, Phạm Huy Phước, Tăng Minh Phụng... nhưng lại cứu Lê
Văn Kiểm. Một người về đỉnh cao, nhiều người về vực sâu tùy thuộc ai nắm chính
trường khi các doanh nhân thất thế.
Ông Lê Văn Kiểm, nay là anh hùng lao động, chủ sân gôn Long Thành. |
Thay vì tử hình, kể cả các ủy viên Bộ
Chính trị hay bộ trưởng. Đừng điều tra như trò đùa trong các vụ như AVG hay
PVN... Có người dân nào tin Bắc Son chỉ nhận 3 triệu USD và Minh Tuấn thì chỉ
200 nghìn bạc lẻ. Làm sao chỉ có Son, Tuấn mà tiêu được 8.900 tỉ đồng. Làm sao
tiền hối lộ lại chỉ chi cho cấp cao nhất là hai vị ấy...
Đội trưởng đội thi hành án đang nạp đạn vào khẩu rulô. |
Một nền kinh tế đầy những mảng tối chồng
lấn giữa khu vực tư nhân và quốc doanh; một nhà nước tự trang bị cho mình quyền
thọc tay vào mọi hoạt động của các nhà doanh nghiệp... thì có bắn bằng súng máy
cũng không hết tội phạm. Không riêng lĩnh vực kinh tế.
Tôi đã từng phỏng vấn Phước Tám Ngón, một
tên cướp giết người không ghê tay. Nhưng, ngay cả với các tội phạm cần phải
cách ly khỏi xã hội như Phước, tử hình theo tôi cũng không phải cách để ngăn ngừa
tội phạm. Nhất là chúng ta đang có một hệ thống tư pháp rất khó tránh oan sai.
Bắn rồi, sao sửa.
HUY ĐỨC 03.12.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.