dimanche 8 septembre 2024

Tuấn Khanh - Tiếng bấc, tiếng chì

 

Tôi là khách hàng nhiều năm của hãng xe Thành Bưởi.

Dù không đánh giá là phương tiện bậc nhất, nhưng thương hiệu này gắn liền chuyện người đàn ông đi bộ đội về, tập tành gian nan từ tài xế, thử vận với kinh doanh vận chuyển rồi thành đạt, đã chứng minh một sự khéo léo và hợp thời của tri thức logistics tự có của ông, khiến tôi cũng kinh ngạc. Điều mà cỡ các bậc chuyên gia sách vở cũng khó chu toàn ở một môi trường kinh doanh đầy biến động như Việt Nam.

Đời làm ăn của ông đầy may rủi, bởi có những đối thủ thần thế hơn, nên ông khó khăn hơn và chịu đựng hơn, mà lịch sử Việt Nam đương đại đã từng ghi lại những ví dụ, như Vua Lốp ở miền Bắc.

Nay nghe ông mất, mà lời chia buồn thì từ rất nhiều người không quen trên mạng xã hội, cho thấy vài trăm bận "đấu tố" của cái gọi là "truyền thông chính thống", cũng đã không bạt được sự thật trong lòng dân.

Bài viết dưới đây, viết vào ngày Thành Bưởi đối diện với các cáo buộc. Tôi để lại, như một lời điếu với ông.

TUẤN KHANH 08.09.2024

TIẾNG BẤC, TIẾNG CHÌ

Câu chuyện hãng xe vận tải Thành Bưởi từ lúc có những tin tức “tố cáo” của báo chí cho đến lúc phải ngừng hoạt động, phải nói là như một vụ đánh thần tốc.

Mọi diễn biến tựa như được tính toán để “chung sức” cùng đưa lên trên mặt trận truyền thông, khiến bộ mặt của một hãng xe trở nên đen đúa dần, tệ hại dần, và cuối cùng bị gọi tên như tội phạm, cùng tiếng bấc tiếng chì, dù chưa có phiên tòa nào kết luận.

Hoạt động truyền thông của Việt Nam, từ vụ Ngọc Trinh qua đến Thành Bưởi, có thể nói đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu ngày báo chí Việt Nam đã bước vào giai đoạn các nơi phối hợp nghiêm, “đánh đẹp” trong sự nhất quán quan điểm, tuần tự và trật tự trên không gian mạng. Gần như không tìm thấy bất cứ một góc nhìn cân đo nào khác, đối với “người có tội” theo chủ trương.

Sự kiện hàng đầu của hãng xe Thành Bưởi, được Sở Giao thông Vận tải TPHCM chỉ ra là vụ nhà xe này gây tai nạn khiến năm người chết và nhiều người bị thương ở Đồng Nai ngày 30-09-2023. Rồi sau đó, đẩy dần lên là chuyện trốn thuế, tài xế chạy nhanh nhiều lần bị phạt, giao xe cho tài xế có sai phạm về hợp đồng và giấy phép, dần đến cách mô tả là coi thường pháp luật, không coi ai ra gì…

Quả thật, gây tai nạn là chuyện phải làm nghiêm. Trốn thuế phải phạt, sai phạm về người và giấy phép lái xe phải bị xử lý. Nhưng theo mô tả của nhiều tờ báo, truyền hình, trong cơn say đấu tố, có những điều mà người ta tưởng chừng như, cả nước đang vào cuộc lật mặt một tổ chức xã hội đen rất ghê rợn đang lũng đoạn đất nước.

Gây tai nạn trong công việc vận tải, thiết nghĩ không chỉ có Thành Bưởi. Nhiều hãng xe hoạt động trên các tuyến đường miền Nam, miền Trung mòn mỏi lâu nay không được nâng cấp, đã làm đủ mọi cách để làm được công việc của mình. Và khi tai nạn xảy ra, luôn đủ tên nhiều hãng xe lớn, kể cả đối thủ của Thành Bưởi.

Ví dụ tai nạn “nghiêm trọng” như báo chí mô tả về Thành Bưởi, hãng xe Phương Trang cũng nhiều lần lật xe, làm bị thương nhiều hành khách. Mà chuyện lật xe của Phương Trang cũng thường xảy ra từ cả chục năm nay. Kể cả chết người, hãng xe Phương Trang cũng có. Chuyện mới nhất còn gần hơn cả Thành Bưởi, xảy ra vào đầu tháng Mười 2023 này.

Duy nhất trên báo Tri Thức & Cuộc Sống, một dòng ngắn nằm chen lẫn giữa các lời “tố cáo”, như đánh thức mơ hồ về mặt khác của “trận đánh đẹp” phối hợp, đang tập trung vào Thành Bưởi. “Thực tế, thời gian qua, không chỉ có nhà xe Thành Bưởi có dấu hiệu vi phạm mà nhiều nhà xe khác cũng có nhiều tai tiếng, nhưng chưa được xử lý triệt để, toàn diện”, trích bài viết.

Để nhấn mạnh vào tính “xã hội đen” của hãng xe Thành Bưởi, các tờ báo thay phiên nhau đặt những tựa rất kêu như “sự lộng hành của Thành Bưởi”, “Nhà xe công khai thách thức pháp luật”, thậm chí có báo còn đặt câu hỏi đầy trong sáng và đạo đức “ai chống lưng cho Thành Bưởi?”. Liệu đây là một câu hỏi tu từ hay là một khát vọng đi tới sự thật của báo chí Việt Nam? Và nếu có một hay nhiều quan chức nào đó chống lưng, tờ báo nào sẽ là nơi đầu tiên cho điều tra riêng để công khai tên nhân vật đó?

Thậm chí, câu chuyện tai nạn do xe Thành Bưởi gây ra, được giật tít là nguyên cớ của sự lên án tập thể, cũng không có một tờ báo nào quan tâm đến nạn nhân, để phỏng vấn chi tiết công ty này về cách thức giải quyết hậu sự cho người bị nạn, và chuyện này sẽ là tiền đề cho việc các tai nạn xe trong tương lai thế nào, chẳng hạn?

Trên trang Facebook của nhà báo Huy Đức có một nhận định đáng suy nghĩ về “trận đánh đẹp”, rầm rập thẳng hàng của truyền thông nhà nước: “Nên cá thể hóa các sai phạm [của các cá nhân trong Thành Bưởi] để xử lý theo đúng pháp luật, thay vì nhắm vào doanh nghiệp”.

Quả vậy, trong sự phát triển của Việt Nam, đời sống kinh tế có muôn điều cần giải quyết. May thay, Việt Nam là một quốc gia có công bố luật pháp của mình. Ai làm nấy chịu, và cần thì phạt nặng. Trịnh Văn Quyết đang ngồi chờ ra tòa, bị truy tố, nhưng hãng hàng không Bamboo vẫn hoạt động, không thể đóng cửa vì lỡ gắn với tên ông ta. Ông Trần Bắc Hà bị tuyên án, nhưng không có nghĩa hệ thống ngân hàng BIDV bị giải thể vì ông ta là người đứng đầu.

Việc xử lý vi phạm của công ty Thành Bưởi là chuyện phải làm, theo luật pháp Việt Nam. Nhưng những “trận đánh đẹp” của báo chí Việt Nam lúc này, là một ví dụ buồn chán về sự ăn theo thông tin, hừng hực đấu tố trong khung được cho phép, thậm chí làm hỗn loạn cả các tin tức và thái độ của người dân.

Những trận đánh đẹp rồi có thể được in thành sách, một ngày nào đó, trong cơn hăng say tuyên vận, nhưng nhiều năm nữa, khi đọc lại, có thể là điều vô cùng bẽ bàng về sự thô bỉ của nghề làm báo. Thậm chí, có thể là nỗi nhục âm thầm của những người làm báo chân chính vì không đủ sức để cưỡng lại được dòng chảy một chiều ghê sợ lúc này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.