lundi 30 septembre 2024

Mạc Văn Trang - Buổi tọa đàm cởi mở

Sáng 28/09/2024 Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông của thành phố HCM mời tọa đàm về đề tài: “Phương cách nào để Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được nhân tài”?

Phòng họp có chừng hơn 20 người, thấy mấy người quen: GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, nhà văn, nhà báo Lưu Trọng Văn … GS TS Trình Quang Phú, Viện trưởng chủ trì.

Thực ra vấn đề này cũng đã được bàn đi, bàn lại nhiều rồi; cái mới là mọi người đều nói thẳng, nói thật. Tôi phát biểu hai ý: Để phát triển xã hội, cần nhiều loại người tài giỏi. Mỗi loại ấy lại cần có những phương cách khác nhau để thu hút, sử dụng hiệu quả.

I. Cần nhiều loại nhân tài

1. Người tài lãnh đạo quản trị xã hội (Quan trọng nhất) : Từ cơ sở tổ trưởng dân phố, chủ tịch xã/phường đến trung ương; HĐND các cấp đến Quốc hội. Có cạnh tranh, sàng lọc được những người tốt, giỏi vào hệ thống, rồi dần dần mới xuất hiện những người tài. Người lãnh đạo, quản trị xã hội (từ cơ sở trở lên) mà kém lại hư thì hỏng hết mọi chuyện.

2. Chuyên gia giải quyết từng vấn đề/dự án lớn, ví dụ như: Giải pháp chống ngập lụt, giải pháp giao thông, phát triển trí tuệ nhân tạo, xử lý rác…

3. Nghiên cứu phát minh đóng góp cho nhân loại trong các lĩnh vực có tiềm năng. Ví dụ Toán có Ngô Bảo Châu.

4. Trong từng ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn : Khoa học công nghệ, kinh doanh, chuyên môn (giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, văn nghệ sĩ…)

II. Phương cách để có và phát huy người tài

1.  Để có người tài lãnh đạo, quản trị xã hội phải bằng con đường dân chủ hóa, tự do ứng cử bầu cử từ cơ sở. Phải có môi trường pháp lý đảm bảo công minh. Bắt đầu từ trưởng thôn/tổ trưởng dân phố; HĐND, Chủ tịch xã, huyện, tỉnh, Quốc hội … (Năm 1946, dân trí thấp, tại sao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm được, bây giờ lại không?).

Nếu không có tự do ứng cử, bầu cử tự do, dân ta sẽ ngày càng vô cảm chính trị, liệt kháng với chính trị. Không còn tính tích cực chính trị, xã hội; không còn ham thích tự nguyện cống hiến cho xã hội nữa. Nhân tài sẽ thui chột! (Tất cả sẽ là Đảng bảo sao làm vậy, trên bảo gì dưới làm nấy: Lấy phiếu tín nhiệm bà bí thư 100 % tín nhiệm; mấy bữa sau phế truất bà ấy, cũng 100 % nhất trí! Dân nào còn tin vào HĐND, Quốc hội nữa?)

2. Về chuyên gia : Tùy từng lĩnh vực, tìm đúng người tài, trọng dụng, tạo môi trường để họ hoàn thành tốt công việc theo yêu cầu cam kết.

Ví dụ, về nhà máy xử lý rác. Tôi sang Áo, anh bạn dẫn đi xem Nhà máy xử lý rác ở thủ đô Vienna, ngắm nhà máy như Cung văn hóa ở trung tâm thành phố. Anh giải thích, nhà máy ở trung tâm để cả thành phố (2,8 triệu dân) đưa rác về thuận tiện. Nhà máy này biến rác thành điện năng, mà làm xanh, sạch, đẹp thành phố, như một công trình nghệ thuật. Còn đài phát thanh, truyền hình thì mãi ngoại vi, bên kia sông Danube, cần gì ở trung tâm thêm gây ô nhiễm.

Điều đáng nói là năm 2001, người Nhật đã mời kỹ sư người Áo Friedensreich Hundertwasser từng xây dựng nhà máy rác ở Vienna xây dựng nên nhà máy Maishima ở thành phố Osaka mong muốn nó sẽ trở thành biểu tượng tiêu biểu cho sự kết hợp tuyệt vời giữa môi trường, công nghệ và nghệ thuật. Và thành phẩm ra đời đúng như những gì mọi người mong đợi. Nơi đây thành điểm tham quan tấp nập. Trong khi nhà máy xử lý rác của Cần Thơ không biết ai xây dựng (2018), nay “Cần Thơ phát sinh 14.000 tấn tro bay từ nhà máy đốt rác phát điện”... "Ngoài ra, hiện có thêm 12-15 tấn tro bay phát sinh mỗi ngày".

Cho nên người tài chuyên gia phải mời người biết rõ vào việc thích đáng.

3. Nhân tài nghiên cứu (như Ngô Bảo Châu), quan trọng là môi trường tự do học thuật, có các cộng sự làm việc, các điều kiện làm việc phù hợp, đảm bảo cho họ nghiên cứu, làm việc lâu dài, kết nối với thế giới, được tôn trọng, bảo vệ như vốn quý của quốc gia.

4. Nhân tài chuyên môn : Không khó đào tạo, thu hút, nhưng muốn phát huy được tài năng, giữ họ say sưa cống hiến lâu dài, phải thay đổi căn bản cái cơ chế quản trị hiện nay.

Tóm lại, được mời, ai cũng nói thẳng, nói thật, dẫn ra rất nhiều ví dụ đã từng thu hút được người tài nhưng rồi không mấy thành công, do cơ chế này họ không phát huy được. Một câu hỏi đặt ra là, tại sao cùng thể chế giống ta mà Trung Quốc thu hút, phát huy được nhân tài, phát triển khoa học công nghệ rất mạnh, còn ta thì yếu kém?

Dù sao những điều chia sẻ cũng vui vui và có chút hy vọng đổi mới chăng !

MẠC VĂN TRANG 29.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.