jeudi 26 septembre 2024

Nguyễn Thông - Địa danh (1)

 

Từ "địa danh" là từ Hán Việt nhưng đã lâu dân ta quen dùng như những từ thuần Việt.

Địa là đất, danh - tên/tên gọi, địa danh (tên đất) để chỉ vùng đất, nơi chốn, địa phương nào đó; ví dụ tỉnh, thành phố, làng... đều là địa danh. Đó là danh từ chung.

Tên gọi ấy có hệ thống rõ ràng, từ to tới nhỏ, từ trên xuống dưới: nước, vùng, tỉnh/thành, huyện/quận, xã, thôn/làng/bản/ấp/phường, hẻm/ngõ, kiệt... Thành phố Hà Nội, tỉnh Lào Cai, làng Trà, làng Lon, làng Nủ… là địa danh kết hợp danh từ chung và danh từ riêng.

Tên gọi riêng đã có từ thời xửa thời xưa, lâu xa tít mù, chả thể xác định được. Có những nơi, qua biến thiên dâu bể, mang nhiều tên. Chẳng hạn Hà Nội bây giờ từng là Đại La, Đông Đô, Thăng Long, Kẻ Chợ…

Tên gọi chung cũng vậy, nó thay đổi do ý chí, ý muốn của con người (cá nhân, giới lãnh đạo, chính quyền). Chẳng hạn trước năm 1975, thời chính quyền cộng sản, thành phố ở miền Bắc không có đơn vị hành chính quận, phường, mà là khu, tiểu khu (các khu Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng ở Hà Nội, dưới khu là tiểu khu, chẳng hạn Thanh Lương, Thượng Đình; khu Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền ở Hải Phòng) theo kiểu của Liên Xô, Trung Quốc.

Sau 1975, có nhẽ nhận thấy cách gọi đơn vị hành chính đô thị như vậy chối tỉ, khó chấp nhận nên nhà nước quyết định gọi lại theo kiểu đang áp dụng ở miền Nam, thành quận, phường. Hình như đây là sự thay đổi đầu tiên của nhà cai trị đất nước thống nhất trong việc thừa nhận cái hay của miền Nam (chứ còn rất nhiều cái hay, cực hay, như quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất, nền giáo dục… thì bị xóa gần sạch).

Khi người Pháp vào xứ này, họ đem theo nền văn minh phương tây 'khai hóa" bản địa, trong đó có văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ. Điều không thể phủ nhận là họ đã tổ chức cực tốt bộ máy hành chính, quản lý rất rành mạch, hợp lý các vùng miền, tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Việc phân chia một cách có hệ thống khoa học các đơn vị hành chính, tên gọi các cấp độ từng đơn vị là ví dụ rõ nhất.

Suốt bao nhiêu năm, những danh từ chung để gọi vùng đất nào đó đã được dùng ổn định, nhất quán, tạo nền nếp trong đời sống xã hội. Chỉ tới khi chính quyền cộng sản thay thế mới dẫn tới những đổi thay trong cách gọi, mà thay theo hướng rối rắm, tùy tiện, phức tạp.

Theo hệ thống tồn tại từ thời Pháp thuộc, một nước/quốc gia có nhiều tỉnh/thành phố cùng cấp hành chính, mỗi tỉnh thành có những quận/huyện, mỗi quận/huyện có nhiều tổng, phường/xã, mỗi xã có những thôn/làng/ấp/bản. Trừ một vài khu vực do hoàn cảnh điều kiện đặc biệt ở vùng núi có đơn vị hành chính riêng, chẳng hạn châu, thì hầu hết cả nước đều vậy.

Thành phố và tỉnh là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương (nhà nước trực tiếp quản lý, điều hành). Mỗi tỉnh có tỉnh lỵ, nơi đặt bộ máy đầu não của địa phương, nơi tập trung sản xuất kinh doanh, hành chính, văn hóa xã hội. Tỉnh lỵ có tên gọi chung là thị xã, như thị xã Kiến An (tỉnh Kiến An, thời chưa bị sáp nhập vào TP.Hải Phòng), thị xã Lạng Sơn, thị xã Hòn Gai, thị xã Tây Ninh, thị xã Tuy Hòa… Từ “thị xã” đã đậm vào lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật, tâm thức con người. Đạo diễn Đặng Nhật Minh năm 1980 có bộ phim “Thị xã trong tầm tay” nghe âu yếm, yêu thương biết chừng nào.

Từ “thị xã” xác định một đơn vị hành chính thuộc tỉnh, nơi đó mọi hoạt động không cần sự chỉ đạo trực tiếp của trung ương, mà do chính quyền tỉnh quyết định. Đó là cách gọi rành mạch, sự phân công rành mạch, không gây nhầm lẫn. Rất tiếc, về sau do duy ý chí, tự cho mình cái gì cũng làm được, cũng đúng, lại thêm rất bảo thủ, “ta là ta mà ta cứ say ta”, nên nhà cai trị đương thời đã tùy tiện thay đổi cách gọi đơn vị hành chính, rõ nhất là việc dùng từ “thành phố” tràn lan. Có người bảo, tách/nhập/tách tỉnh tùy hứng họ còn làm được, thay đổi xoành xoạch, huống hồ việc gọi là thành phố hay thị xã.

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 26.09.2024

Ảnh : Đường làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Nhà cháu ở cuối đường ngang này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.