Cơn bão Yagi, hay mã định danh Việt Nam “cơn bão số 3” đi qua, bộc lộ ra một số điểm rất thú vị về ứng dụng kiến thức.
Sau gần 5 năm bố con tôi cùng vài người bạn lợp cái mái tôn chống nóng trên trần nhà, cùng cái giàn sắt với những tấm lợp nhựa che chỗ để xe máy, đêm qua chúng mới được thử thách và cho thấy, chúng vượt qua được.
Nhớ lúc xây nhà, tôi đi mua vật liệu về đến nơi mấy bác thợ xây đã xây kín luôn thành một bức tường hình tam giác ở một đầu hồi, còn đầu kia để trống “theo tập quán dưới quê” mà hoảng quá. Tôi phải chân thành xin lỗi và nói khó với họ để… phá ra, xây lại với rất nhiều viên gạch hoa gió đặt vào trong đó.
Sau khi xây lại xong, tôi mới giải thích cho mấy bác thợ Nam Định: Nếu xây kín như thế, nhà mình sẽ như cái chai, gió thổi vào đầu hở đến cuối bị tường chặn lại, áp suất rất lớn, trong khi áp suất bên ngoài nếu có gió to, rất nhỏ; sẽ bị tốc mái. Lúc đó mấy ông thợ mới “ồ, à…”
Riêng vụ “định luật Bernoulli” này tôi đi ngoài đường rất hay quan sát và phát hiện ra cực kỳ nhiều vi phạm do… không học vật lý phổ thông, hoặc có học nhưng… thày giáo ốm, không giải thích. Chẳng hạn, những ngôi nhà, thường là nhà xưởng kiểu tự phát: bán bia, quán nhậu, gara ô tô… rất hay bịt kín một đầu, đầu kia dưới mái để một loạt ô chớp thoáng. Với “tập quán” thi công không tính toán như vậy, chắc chắn sẽ tốc mái khi có gió lốc hoặc bão. Chuyện này tạm gọi là cơ chế “thông gió một đầu, tắc một đầu”. Xin quý vị xem hình thứ nhất đính kèm.
Đến hôm qua xem các video trên mạng, thấy nhiều nhà tốc mái với đúng cơ chế này. Với nhà được bịt kín xung quanh nhưng mái không đủ chắc, nó cũng đã dễ tốc mái rồi. Cơ chế của nó là áp suất bên trong dù là tĩnh, nhưng vẫn lớn hơn bên ngoài khá nhiều, sẽ đẩy mái lên cho đến khi có một góc nào đó đủ yếu đến mức bị giật ra. Sau đó, gió sẽ lùa vào góc này theo cơ chế “thông gió một đầu, tắc một đầu” trên đây, và mái tôn bị lột hẳn ra khỏi tường. Để đối phó với nó, người ta thường chặn các vật nặng như túi cát – và hôm qua xem trên mạng nhiều nhà sử dụng túi ni-lông đựng nước – tăng thêm độ vững chắc của mái.
Sau cơn bão đêm qua, những nhà xung quanh chỗ tôi ở không nhà nào làm sao về… mái tôn, vì tất cả các mái tôn chống nóng đó dù với cái khung sắt khá mỏng mảnh, nhưng lại đứng tự do, cao hơn mặt trần nhà khoảng 1 mét đến nhiều nhất là 2 mét, xung quanh không bịt kín. Trong trường hợp này gió đi qua tự nhiên cả trên lẫn dưới, không có chênh lệch áp suất để lật mái. Còn với những nhà tận dụng cái mái này quây tôn xung quanh thành một phòng kín, nhưng không đủ chắc thì bị đẩy méo xẹo, dẹp lép thậm chí quẳng xuống mặt đất như trong ảnh thứ hai dưới đây.
Hôm qua có một video trên mạng quay cảnh cả mảng tường kính mặt tiền của một khách sạn nào đó dưới Hạ Long, nó bị giật ra ngoài và đổ xuống đường, tôi cho rằng 99 % là do hiệu ứng hay cơ chế “thông gió một đầu, tắc một đầu” trên đây. Tòa nhà cao tầng cơ chế thông gió rất phức tạp, có thể có những đường lấy gió không bịt được như mảng tường gạch hoa gió, lại thông vào những đường ống như ống cầu thang… Khi đó gió lùa vào trong gây áp suất lớn vì bị tường kính chặn lại, gió tự do ở ngoài gây áp suất rất nhỏ, nên cả mảng tường kính bị đẩy bật ra ngoài.
Điều đáng nói là, nhìn kết cấu của nó được thiết kế một tấm có khung liền từ dưới lên trên, từ bên này sang bên kia hết cả mặt tiền của tòa nhà lớn, trông thì có vẻ “sáng tạo”. Nhưng trong trường hợp không tính được cân bằng áp suất như vậy thì không phải là từng tấm cửa bị lột ra (như trường hợp một khách sạn khác cũng ở Hạ Long) mà là cả tấm lớn giật ra và sập xuống, may không gây thiệt hại về người. Những thiết kế kiểu như thế này là điển hình của việc quên kiến thức vật lý phổ thông.
Nhân đến chỗ trên đây nhắc đến “cân bằng áp suất” – tối qua rất nhiều gia đình ở trên nhà cao tầng chia sẻ với nhau “mẹo” mở hé cửa sổ để cho “cân bằng áp suất”, vì cửa của nhà họ bị giật ghê quá. Phải nói rằng, ở thời của “cửa kính nhôm hệ” hiện tại có hai loại cửa: cửa cánh mở và cửa trượt. Tối qua tôi có “suýt thì phải tranh cãi” (tức là tôi né không cãi cọ trên mạng) với một cậu. Cậu này đưa ra lý lẽ rằng “Ở nhà Vin nên chất lượng cửa tốt” mà vẫn phải mở hé để cho nó đỡ giật, chấp nhận nước mưa tràn vào nhà.
Tôi phải nói rằng tôi đã thử xem kỹ cửa của một số căn hộ mới xây gần đây, kể cả… Vin. Thì nhìn chung hầu hết cửa sổ nhôm hệ loại cánh mở, chất lượng tàm tạm nhưng có thể do thi công chưa kỹ, nhiều chiếc sẽ có hiện tượng không khép được chặt cứng khi đóng. Lúc đó cần thay gioăng cao su (xung quanh khung cửa) loại dày hơn một chút là được.
Còn với cửa trượt, độ rơ chắc chắn có, nên khi gió to như cơn bão đêm qua, không tránh được việc nó bị lay, thậm chí lay ầm ầm. Với khe hở khoảng 1 – 2 mm đã đủ lay rồi, còn với những cửa có độ rơ lớn hơn thì khỏi nói. Lúc đó, mở hé cửa ra cho gió lọt vào sẽ làm cho tấm cửa kính đỡ rung, là đúng.
Nhưng với những nhà có đàn ông mà giải quyết theo hướng mở cửa, lại tưởng là… cân bằng áp suất, thì tôi chê. Sáng qua trước khi bão về, tôi đã đi kiểm tra tất cả các cửa sổ của nhà, đóng lại xem có đủ chặt được không. Nếu không đủ chặt thì đã có cái săm xe máy cũ, cái kéo và tuốc-nơ-vít lăm lăm, hở chỗ nào tôi chèn chỗ đó cho chặt cứng. Trước đây khi nhà còn căn hộ tầng cao, mỗi khi đóng cửa không sử dụng lâu lâu tôi cũng phải làm như vậy. Với cánh cửa trượt tấm lớn ra ngoài lô gia, tôi chèn cứng các khe xung quanh giữa tấm trượt với tấm cố định, sao cho khi chốt lại thì nó… không cựa quậy được.
Nhìn chung trong cơn bão, thì theo các nguyên tắc, hoặc là thông luôn, như trường hợp mái tôn để tự do trên đây; hoặc là kín bưng nhưng những điểm xung yếu phải được gia cố chắc chắn. Tôi đính kèm theo ảnh bức tường kính thời điểm sắp bị lột ra khỏi tường, với tấm ảnh một cánh cửa sổ nhôm hệ hẳn hoi, bị vặn vỏ đỗ do… mở hé. Về nguyên tắc thì các cửa sổ cửa ra vào phải đóng thật chặt.
Hôm qua tôi có biên tút về bác Nguyen Leanh, bác này sau trận dông chiều hôm kia, đã tung tin là… bão tan rồi, và dám chê các dự báo viên… mù tịt về toán, không như bác ta giáo sư toán nên biết tuốt. Giải thích cho con về chuyện này, tôi bảo: Trước bão bao giờ vùng dự kiến bão sẽ vào, rất nóng.
Như miền bắc Việt Nam 3 ngày trước bão nóng kinh khủng, do vùng áp thấp hình thành ngoài biển nó kéo không khí từ xung quanh vào gần. Mà với địa hình miền bắc thì gió bị kéo từ Thái Lan và Lào sang, sẽ phải vượt phần bắc dãy Trường Sơn (lại một dạng của gió phơn (foehn) tây nam, nhưng không phải theo mùa mà do bão), tạo ra cái lò lửa và các cơn dông sẵn sàng xuất hiện bất cứ lúc nào trong điều kiện đó.
Cơn dông đã khiến giáo sư toán học đổ lỗi cho cộng đồng mạng câu view, và bão số 3 là… pháo xịt. Thêm những thông tin được các bạn Facebook cung cấp về lý thuyết đỉnh dịch Covid của vị giáo sư này trước đây, tôi đề xuất phương án xử lý giáo sư: lấy 3 cái lạt nhựa (dây thít), thắt vào lưỡi đồng chí Leanh trong 3 ngày rồi phóng thích. Đảm bảo nhớ đời luôn.
------------------------------
Ngày 16/09/1981, vừa khai giảng mấy hôm, học sinh Hà Nội chúng tôi được nghỉ học. Cơn bão Ruth, mã định danh Việt Nam là “cơn bão số 6” đã đổ bộ vào huyện Kim Sơn, Nghĩa Hưng (Hà Nam Ninh, Ninh Bình và Nam Định ngày nay). Chỉ cách Hà Nội có 100 ki-lô-mét theo chiều ngang, nhưng Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng của gió cấp 6, cấp 7, mưa vừa và nhiều cây đổ. Tôi còn nhớ mình ngồi trong nhà với các anh chị lớn, chơi tú-lơ-khơ và nướng khoai lang được tiếp tế “từ quê lên,” ăn với nhau rất thú vị. Nhưng cơn bão này đã làm điêu đứng bà con tỉnh Thanh Hóa.
Chỉ một năm sau, cơn bão số 7 tràn vào Nghệ An – ngày 19/10/1982 làm tan hoang cả một tỉnh, thậm chí bà con hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh bên cạnh cũng bị ảnh hưởng theo…
Năm 2024, bão số 3 “Yagi” gần như đi trực tiếp vào kinh đô, nơi cũng đang có những cơn bão ngầm bão nổi gì đó đang quần thảo. Cũng chẳng biết là điềm gì, chỉ thấy qua rồi là may rồi…
Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã.
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi.
Và cơn bão lòng ta thổi mãi.
(Tế Hanh, 1956)
PHÚC LAI 08.09.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.