jeudi 5 septembre 2024

Người Sài Gòn - Học cha ông

Thiên hạ đồn “Ở Việt Nam bây giờ, cái gì cũng có thể mua được bằng tiền, miễn là đủ sức chung chi. Từ các danh hiệu thi đua, chức tước đến cả lòng tự trọng và danh dự?”

Mấy thứ khác, chỉ nghe nói, chứ “chạy chức, chạy quyền” thì báo chí và dư luận hà rầm. Còn danh hiệu thi đua, từ cá nhân đến tập thể, ai “mua” cũng được, dễ như vào siêu thị sắm tủ lạnh, ti vi…

Các doanh nghiệp, tháng nào cũng vài lần được chào mời tham gia các chương trình khen thưởng từ cấp ngành đến quốc gia với điều kiện “đầu tiên” là tiền đâu. Muốn được công nhận kỷ lục Guiness từ trong nước đến thế giới, trước tiên cũng phải chi đủ.

Trong các cơ quan nhà nước, lâu nay đã có luật “bất thành văn” rằng “Công việc thì từ dưới lên”, còn “Khen thưởng, chính sách cứ từ trên xuống”. Chỉ có biệt lệ là trường hợp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được phong đại tướng từ năm 1948 đến lúc về hưu 1991, vẫn đại tướng. Binh lính dưới quyền ông, có đến hàng chục ngàn người được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” nhưng ông thì chưa, dù trăm lần xứng đáng.

Gần đây lại rộ lên việc khen thưởng những việc làm bình thường, đã được quy định trong nhiệm vụ của các viên chức nhà nước. Họ được nhân dân trả lương bằng tiền thuế để làm việc tốt chứ không phải để làm việc tồi. Không thể lấy tiền thuế của dân để khen khi họ làm việc tốt bình thường.

Lại nhớ chuyện khen thưởng của cha ông mà buồn. Trong triển lãm “Bút phê của các hoàng đế triều Nguyễn” tại Huế từ ngày 23.09 vừa qua với 150 phiên bản, có nhiều điều làm người xem mất ngủ. Nhà nước “mạt phong kiến” lâu nay bị chê bai, phê phán đủ thứ, lại cực kỳ nghiêm túc và khắt khe chuyện khen thưởng.

Khi viện Cơ Mật tấu trình xin thưởng khánh vàng cho một Tri huyện của tỉnh Lâm Viên và tiền vàng cho Bố chánh Bình Thuận. Vua Khải Định năm thứ 2 (1917) đã có bút phê “Tri huyện mà cũng xin thưởng khánh vàng thì lời nói trước đây của trẫm chỉ là lời nói suông mà thôi”. Còn với Bố chánh Bình Thuận thì nhà vua phê “Đó là nghĩa vụ của nước ta và chức phận của viên đó, thưởng làm gì?”.

Chao ôi, thưởng cho tri huyện và bố chánh mà phải xin ý kiến Vua và bị từ chối thẳng thừng. Chẳng bù cho bây giờ, cứ loạn thi đua khen thưởng. Năm Thành Thái thứ 18 (1906), dù bị o ép tứ bề nhưng khi Thượng thư bộ Công là Lê Trinh trình tấu việc phong tước cho Ưng Huyền, vua kiên quyết từ chối với bút phê “Không phê chuẩn khoản Ưng Huyền hấp tấp” dù đó là người thân thích, dòng dõi Hoàng tộc.

Còn hiện nay, có cả bộ máy tham mưu hoành tráng, mà việc đề bạt cán bộ lắm chuyện trêu ngươi, chẳng biết ai là người chịu trách nhiệm. Còn chuyện chạy biên chế, từ chân bảo vệ đến cao nhất, cứ việc quy ra tiền. “Ai cũng hiểu, chỉ vài người không hiểu” (vì giả bộ?)…

Chỉ qua một cuộc triển lãm nhỏ, đã có nhiều điều đáng suy gẫm và học tập về cha ông. Nếu các nhà lãnh đạo chịu khó tìm hiểu lịch sử thì có biết bao túi khôn của tổ tiên gởi gấm để không “loạn” khen thưởng; “loạn” chạy chức chạy quyền, chạy biên chế như hiện nay. Mới hay, chẳng cần học đâu xa, chỉ học ngay cha ông mình cũng đủ tránh bao nhiêu vấn nạn cho đất nước.

NGƯỜI SÀI GÒN 05.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.