mercredi 4 septembre 2024

Mai Quốc Ấn - Nói thật

 

Người cộng sản có nghe nói thật và làm theo lẽ đúng không? Xin thưa là có!

Thời ông Võ Văn Kiệt còn làm bí thư thành ủy TPHCM, ông từng nghe nhà thơ Nguyễn Duy đọc bài thơ Đănh thức tiềm lực vào năm 1982, lúc ông Kiệt sắp sửa rời ghế Bí thư Thành ủy TP.HCM để ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Nghe xong, ông Sáu Dân như “vừa trải qua một cuộc tra tấn” vì nó khác hoàn toàn lối văn chương quốc doanh ca ngợi Đảng, tụng danh chế độ. Thái độ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước điều trái tai là: “Cậu chỉ cần nói thật, không bình luận đúng sai.”  

Cái khí độ ấy khi đang mang quyền lực lãnh đạo, lại là lãnh đạo quốc gia, thực không dễ khi những tư tưởng cũ vẫn tràn ngập và có xu hướng bài xích mạnh mẽ cái mới, cái đúng.

Sau ông Sáu Dân là ông Sáu Khải, cũng là Thủ tướng Việt Nam. Trong một bài trả lời phỏng vấn, luật sư Trương Trọng Nghĩa có nhắc đến việc ông Phan Văn Khải rất chịu khó lắng nghe. “Có những cuộc họp kéo dài đến hai ngày, ông nghe suốt hai ngày và sau đó ông có buổi cuối cùng tổng kết, tiếp thu. Những ý kiến tổng kết, tiếp thu của ông cho thấy ông đã lắng nghe một cách thực chất và tiếp thu để điều chỉnh chính sách điều hành đất nước.”

Gần nhất, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một người biết lắng nghe. Chính tôi là người trải nghiệm điều đó! Khi xảy ra vụ Đặng Văn Hiến bắn ba người ở Đak Nông vì bị cướp đất, đã có người liên lạc để hỏi tôi về việc này. Có sao viết vậy, sự thật cướp đất ở Tây Nguyên và bản chất vụ Đặng Văn Hiến thế nào tôi viết y chang và gửi ông Nguyễn Phú Trọng. Đặng Văn Hiến dù qua ba án tử nhưng rồi vẫn được ân xá án tử hình là một kết thúc có hậu.

Nhưng nói thật vẫn là một cái gì đó rất khó ở xã hội Việt Nam!

Vì không phải lãnh đạo nào cũng có khí độ của bậc đại nhân mà mang đại lượng trong cai trị để lắng nghe dân. Cứ quan sát lãnh đạo bằng hành vi chính trị thì sẽ có đánh giá thôi. Nếu chỉ là những cuộc thị sát với cơ quan nhà nước thân quen mình đang quản lý, chỉ là gặp doanh nghiệp nhà nước hay FDI thay vì tìm hiểu xem doanh nghiệp vừa và nhỏ cần gì là một ví dụ.

Rộng hơn, câu chuyện rên xiết của nhân dân trước thuế thu nhập cá nhân lạc hậu mà không đổi hay giá điện tăng để bù lỗ cho một nhóm lợi ích tưởng chừng bất khả xâm phạm là những ví dụ khác.

Làm lãnh đạo mà chỉ nghe lời ngon ngọt, chỉ nhận trình báo chuyện trơn tai thì theo tôi đó là những lãnh đạo “mất cân đối”. Nghe lời thật còn chẳng muốn, “chẳng dám” nghe thì lèo lái quốc gia kiểu gì? Mất cân đối cái nhỏ ắt nguy cơ mất cân bằng lợi ích quốc gia, dân tộc là có thực!

MAI QUỐC ẤN 04.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.