vendredi 20 septembre 2024

Lưu Trọng Văn - Biển dâu

Sáng nay bão các loại đồng loạt tan, gã và nhà thơ Hoàng Hưng ngồi café Chạm, Sài Gòn, một ông lão chìa vé số. Gã mua một tấm mà không chọn số. Ông lão chắc mỏi chân, ngồi ghế dưới bụi trúc hút thuốc.

Gã hỏi, ông bao tuổi rồi? Tôi sinh năm 1944. Quê ông ở đâu? Khánh Hòa. Thấy nhõn chiếc răng cửa hàm trên. Chao ôi không biết ông còn chiếc răng hàm nào để nhai không? Chợt nhìn xuống chân ông, một chân gỗ.

Bắt đầu vào chuyện.

Tôi rớt tú tài… hề hề, rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà…

Để lửng.

Tôi đạp mìn.

Gã đùa, trông ông ngày trẻ chắc ngon trai, lo chọc gái tối ngày bỏ bê học nên mới rớt tú tài chứ gì? Ông cười. Không trật. Vô hạ sĩ quan còn đua nhau chọc gái. Hồi đó đám con gái chỉ mết đám sĩ quan chớ hổng thèm rớ hạ sĩ quan tụi tui.

“Chết trên hoa mai, ai chết trên hai cánh gà”.

Hoa mai là ngôi sao sĩ quan, hai vạch là hạ sĩ quan. Tụi tôi đi chọc gái đứa nào cũng giấu một hai bông mai. Thấy em nào xinh xinh liền gắn hoa mai lên hai vạch, lừa các em mình là sĩ quan. Gặp quân cảnh với sĩ quan là vội tháo ra giấu nhẹm.

Ông kể có bốn con, tụi nó muốn giúp nhưng ông không cho, ông bảo, tụi bay nuôi dạy cháu nội, ngoại của tao nên người là giúp tao rồi. Ông kể, ông ở trọ với hai ông nữa cũng là thương phế binh, ngày chia nhau các ngả bán vé số, tối về hôm nào bán kha khá thì lai rai cút rượu cũng vui.

Gã mời ông café rồi tặng ông cuốn tạp chí Văn Hiến do nhà thơ Nguyễn Thế Khoa một cựu lính Việt cộng làm tổng biên tập vừa in vở kịch Giải oan của gã. Gã đề “tặng trung sĩ Lý Văn Trí cùng “Giải oan cho cuộc biển dâu này!”.

Gã kể, vở kịch “Giải oan” này nói về ngày 30.4.1975, năm tướng Việt Nam Cộng Hòa tự sát. Gã nói trong đó có tướng Trần Văn Hai. Ông bảo, tôi là lính của tướng Hai. Khi nghe tin ổng tự sát, tụi tui đứa nào cũng khóc, thương ổng vì ổng rất thương lính.

Sau cữ café ông bắt tay gã và Hoàng Hưng rất chặt. Bàn tay ông ram ráp nhưng rất ấm. Ông gõ từng dấu chân tròn trên đường rồi đạp xe đi.

Gã kịp ghi số điện thoại của ông, tính hôm nào tới thăm chỗ ông trọ tặng chai rượu cho ông và hai đồng đội thương phế binh của ông.

“Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này.”

Gã đã đến nơi yên nghỉ của nhà thơ Tô Thùy Yên ở Houston, Mỹ, lẩm bẩm nói với cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa Tô Thùy Yên ấy: Tôi rất thích ông dùng chữ “biển dâu” thay cho chữ “chiến tranh’’.

LƯU TRỌNG VĂN 20.09.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.