lundi 15 avril 2024

Phúc Lai - Chúng ta đang chạy để chết


Chiều nay nghe tin tại giải chạy Tây Hồ hôm qua có một nam thanh niên sinh năm 1990 ngừng tim, được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ rồi đưa vào Bệnh viện, nhưng tiên lượng rất xấu, thấy giật mình.

Chẳng hiểu do tình cờ thế nào, sáng nay tôi nói đúng câu chuyện đó với anh bạn. Tôi đề nghị anh ấy, từ bây giờ chúng mình ở lứa tuổi U60 rồi, ta đi bộ dưỡng sinh. Chuyện trò thế nào, sang chuyện tập chạy.

Thời thanh niên tôi cũng tập chạy, chẳng rõ đã kể cho quý vị nghe lần nào chưa – chạy là rẻ nhất và khá đơn giản. Hồi chưa có mạng internet thì hỏi thày thể dục cũ về kỹ thuật chạy cơ bản, rồi cứ thế tập thôi. Hàng ngày tôi dậy sớm, chạy từ nhà lên đền Quán Thánh rồi chạy về, khoảng 8 ki-lô-mét. Ngày nghỉ, tôi có thể chạy được một vòng Hồ Tây (khoảng 17 ki-lô-mét) rồi chạy về, như vậy là quãng 25 ki-lô-mét, hơn cự ly bán marathon một chút.

Thực hiện được vài tháng như vậy, có thể đến cả năm ấy, tôi bắt đầu ngờ ngợ: hình như mình làm có gì đó không ổn. Cách chạy của tôi là: Cứ chạy đến tầm nào đó thấy nóng rát trong ngực chỗ tim, thì chạy chậm lại rồi chuyển sang đi bộ về nhà. Ghi nhận lại quãng đường chạy đó, mai lại chạy tiếp dài hơn như thế một chút.

Dần dần tôi chạy càng ngày càng xa, tốc độ khá nhanh, có huấn luyện viên bảo có thể tập để tham gia các giải chuyên nghiệp được. Cái ngờ ngợ của tôi là, liệu tim mạch của mình có chịu được như vậy không, và giới hạn của nó ở đâu. Vì rõ ràng với tuổi ngoài 20 của tôi, tôi hoàn toàn có thể đẩy được mức chịu đựng của mình đến cự ly marathon.

May hồi đó không có mạng xã hội, chứ có thì bỏ cụ. Say mê với sự tung hô, hào quang ảo là tôi chết sớm.

Tôi tìm gặp một bác sĩ tim mạch, trong họ hàng tôi gọi bằng cô và học ở Hungary về, câu chuyện khá bất ngờ. Cô ấy nói: chạy rất tốt đặc biệt là cho hệ thống mạch máu: Giảm mỡ máu, tăng độ đàn hồi thành mạch, do đó sức chịu đựng của thành mạch cũng tốt hơn. Tuy nhiên “Cháu để ý, tim là bộ phận trong cơ thể làm việc ngay từ khi chúng ta được hình thành từ bào thai đến khi chết, nó không được nghỉ một giây phút nào, kể cả khi chúng ta ngủ. Vì vậy, tim là thứ hoạt động bền bỉ nhất, thầm lặng nhất và nó chỉ thực sự báo cho chúng ta khi nó có vấn đề rõ ràng về bệnh lý. Còn khi nó bị làm việc quá sức, nó sẽ chết bất ngờ vào một ngày nào đó.”

Theo bà cô của tôi, thì rất nhiều trường hợp tim lăn ra chết mà trước đó không có vấn đề gì cả. Không phải đến thời của mạng xã hội năm 2024, chúng ta mới biết nhiều đến những trường hợp tim lăn ra chết. Mà từ thời đó bà cô đã chỉ ra cho tôi rất nhiều người cũng… chết như vậy rồi, và không thiếu vận động viên trong số đó. Để đảm bảo an toàn cho các vận động viên, không có cách nào khác ngoài việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên một các chuyên nghiệp, mà tôi đã từng viết tại đây:

Còn sáng nay, chính tay tôi gõ những dòng này gửi anh bạn: “Chúng ta đang chứng kiến phong trào chạy và bơi đường trường lên cao. Ta đã nói về vấn đề khớp rồi (trong link trên đây). Còn vấn đề nữa: Tim mạch. Tim mạch là thứ rất dễ gặp nguy hiểm vì khả năng chịu đựng thầm lặng của nó. Chạy đường dài sẽ làm sạch được các thành mạch, tăng hiệu quả của hệ tim mạch. Nhưng nếu chạy theo thành tích bằng cách kéo dài thời gian chạy (quãng đường) tim sẽ bị quá tải dần cho đến khi nó không chịu được nữa và đình công, nhẹ thì vào viện nặng thì mất mạng.

Vấn đề là khi được luyện tập tăng dần, thì quả tim của chúng ta nó cứ cần mẫn, lặng lẽ chịu đựng mà không bao giờ báo cho chúng ta cả. Vì vậy các bạn ấy cần chạy ít đi, nhưng nên tập biến tốc: Tăng tốc độ quãng ngắn rồi chậm lại. Chạy như thế chỉ cần một vài nghìn mét, tốt hơn nhiều so với chạy marathon. Việc lăn quay ra là rất khó tránh và thường không biết sẽ rơi vào ai.”

Chỉ trước đây một tuần, tôi cũng comment trên tường nhà một ai đó: “Khôn không đến trẻ, khỏe không đến già”. Thời cúng Phây chúng ta đang làm ngược, hồi thanh niên thì không tập bây giờ có tuổi rồi thì đua đòi marathon, sai rồi. Có tuổi là phải thương lấy khớp gối, cột sống và đặc biệt là tim. Trong khi đó, một cậu em nói với tôi: Từ hôm qua đến giờ em bội thực vì ảnh thể thao được post lên mạng (hôm qua là ngày có hai giải, một giải gì đó nữa ở Hạ Long).

Nhân tiện nói về trường hợp cậu thanh niên hôm qua ở giải Tây Hồ. Đó là cậu ta tham gia giải được cấp phép và tổ chức khá chuyên nghiệp, có cả đội ngũ y tế trực rồi cả xe cấp cứu, ấy thế mà được đưa đến bênh viện vẫn “tiên lượng xấu.” Chỉ cách đây hai tuần, có một giải bơi sông Hồng tổ chức nhếu nháo, vô trách nhiệm, cũng không xin cấp phép. Và tôi bình luận với một số người bạn: Nói dại nếu ai đó làm sao về sức khỏe – không phải là đuối nước đâu, mà là vấn đề tim mạch, hoặc nhỡ có chỗ phình mạch trong não của vận động viên nào đó thì sao? Lúc đó cái cậu tổ chức lại chẳng đi tù mút chỉ. Khi đó lại thêm một ca “nhiệt tình cộng ngu dốt thành phá hoại.”

Có một chuyện xin kể nốt. Sau khi nghe bà cô phân tích, tôi chuyển sang tập sức bền cũng bằng chạy – đi bộ nhưng chạy cự ly ngắn với những bài biến tốc, và khi đi làm có điều kiện hơn thì quay lại với bơi. Đến năm 2010, bác sĩ phát hiện tôi bị tăng huyết áp kịch phát thành cơn, mà máy theo dõi huyết áp liên tục phát hiện ra những cơn về đêm lên đến 240/210 – không hiểu sao vẫn không chết vì vỡ mạch máu – họ còn đùa: bơm mạnh như thế mà không vỡ ống.

Thực ra huyết áp của tôi rất tốt, vấn đề này do một khối u gây ra: U tuyến thượng thận, nhưng nó là thể lạc chỗ nên lúc đó chưa tìm thấy nó ở đâu cả. Sau khi được phẫu thuật cắt nó đi, huyết áp của tôi trở lại 110/70 và thỉnh thoảng lên 120/80. Bác sĩ bảo thành mạch của tôi chịu đựng được áp lực lớn như vậy là do thời gian dài tập luyện đều đặn, nhẹ nhàng không quá sức, nhưng rất đúng cách tiếp cận. Đó là tập sức bền với “tiểu khối lượng” chứ không chạy theo “đại khối lượng” như cộng đồng mạng đang làm hiện nay.

Có bạn nói rằng: Chạy là để vượt qua chính mình. Người thông thái thì nói rằng: Người thông minh thì biết vượt qua, còn người có trí tuệ thì biết khi nào thì dừng lại. Vì vậy vượt qua chính mình ở thời của mạng xã hội, phải là biết cơ thể mình giới hạn đến khi nào thì nó sẽ không chịu được nữa, và mỗi ngày thay vì chạy đủ 8 ki-lô-mét, chỉ chạy 6 ki-lô-mét thôi cho vui khỏe – đương nhiên là phải nhịn, post Phây ít thôi.  Đó mới chính là giới hạn của người có trí tuệ.

PHÚC LAI 15.04.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.