lundi 15 avril 2024

Nguyễn Chương - Lai rai ghi chú chữ nghĩa: Chích ngừa và tiêm chủng


1-  Mấy năm trở lại đây, ở miền Trong, cứ thường xuyên nghe phải hai chữ "tiêm chủng". Là gì?

Dùng vật nhọn mà chích vào, gọi là “tiêm” .

Lấy giống của bệnh cho vào cơ thể, để ngừa, gọi là “chủng” .

Hai chữ "tiêm chủng" là âm Hán-Việt từ chữ Hán, tức "chữ Tàu" trong lối nói thông thường của người nước Nam chúng ta.

2-  Sao, xưa nay người nước Nam không có cách nói thuần Việt, thay cho âm Hán-Việt "tiêm chủng", biết đàng mà nói năng?

Chúng ta đã có cách nói thuần Việt từ lâu: thấy đâm kim gọi là chích ; để chi? để ngừa bệnh. Cách nói như vậy, "chích ngừa", rất dễ hiểu.

(Còn cách thức "ngừa" ra sao, thuộc về chuyên môn y khoa, không phải ngôn ngữ của xã hội đại chúng).

Sao gọi là thuần Việt, là Nam âm?

"Ngừa", có tra chữ Hán đỏ con mắt cũng không thấy âm Hán-Việt nào đọc như vậy hết. Bởi đây là Nam âm (ghi bằng chữ Nôm: 𡐚, chữ này không có trong chữ Hán).

Động tác "Chích" được viết trong chữ Nôm (cấu tạo theo "đồng nghĩa dị âm": âm Hán-Việt đọc "thích", Nam âm đọc "chích").

* Đây là thời đổ bộ lối nói Hán-Việt, ngày càng nhiều, thì phải? Mà gây ấn tượng nhứt, không tài nào quên cho nổi, là ... "thu dung"!

Bên Vũ_Hán, trong lúc đại dịch Covid-19, xuất hiện một kiểu bệnh viện gọi là /shōu róng/ , tức "thu dung".

Vậy đó !

NGUYỄN CHƯƠNG 15.04.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.