vendredi 12 avril 2024

Nguyễn Văn Tuấn - Peter Higgs (1929 - 2024)

Một nhà khoa học thuộc vào hàng « đa đề » trên thế giới vừa từ giã cõi trần ngày hôm qua, nhưng ông để lại cho đời một phát hiện quan trọng mang tên ông: Higgs Boson (Hạt Higgs).

Ông là Peter Higgs, cựu giáo sư vật lý thuộc Đại học Edinburgh và Khôi nguyên Giải Nobel Vật Lý 2013. Đằng sau hào quang Nobel đó là một sự nghiệp khá chông chênh, và là một bài học về phẩm và lượng trong nghiên cứu khoa học.

Ông sanh ra trong một gia đình bậc trung ở Anh, thân phụ làm nghề kỹ sư âm thanh cho đài BBC. Năm 17 tuổi ông theo học toán ở City of London School, và sau đó (1950) tốt nghiệp vật lý từ King College London.  Ông theo học tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Charles Coulson và Christopher Longuet-Higgins, và tốt nghiệp năm 1954.

Sau khi xong tiến sĩ, ông làm Research Fellow tại Đại học Edinburgh, rồi « lang thang » qua các đại học lừng danh như Imperial College London (ICL) và University College London (UCL). Mãi đến 1974 (45 tuổi), ông mới được đề bạt chức danh 'Reader' (giống như 'Phó giáo sư') và trở thành Fellow của Royal Society of Edinburgh. Năm 1980, lúc đã 51 tuổi, ông mới được đề bạt chức Giáo sư của Đại học Edinburgh.

Công trình làm nên tên tuổi ông và dẫn đến giải Nobel được xuất bản vào năm 1964 [1]. Trước khi được công bố, bài báo bị một tập san từ chối vì ban biên tập nghĩ là 'không liên quan'. Ông cho biết ý tưởng của ông là lấy cảm hứng từ nhà vật lý Mỹ gốc Nhật Yoichiro Nambu. Trước ông vài tháng, François Englert và Robert Brout cũng công bố một công trình cùng ý tưởng [2]. Sau này, Robert Brout qua đời. Do đó, giải Nobel Vật Lý năm 2013 được trao cho François Englert and Peter Higgs.

Nhưng mãi đến thập niên 1980s thì người ta mới nhận ra tầm quan trọng của công trình của Higgs. Năm 1980 ông được đề cử giải Nobel Vật Lý. Năm 1983, ông được bầu làm Fellow của Royal Society (Hoàng gia học viện), một vinh dự và ghi nhận lớn.

Ông cho biết sau công trình « đột phá » vào năm 1964 cho tới 2013, ông chỉ công bố chưa tới 10 bài báo khoa học. Với 'năng suất' khoa học đó, đối với Đại học Edinburgh, ông là một nỗi ... xấu hổ.

Ông cho biết cứ mỗi lần mấy người quản trị đại học yêu cầu các giáo sư liệt kê những công trình công bố trong năm, ông thường trả lời trên giấy là "None" (không có công trình nào).

Đại học Edinburgh nhiều lần đã có ý định « đuổi » ông ra khỏi đại học. Tuy nhiên, họ nghe ngóng rằng ông là một ứng viên của giải Nobel, nên họ nghĩ cứ chờ vài năm xem sao, nếu sau vài năm mà vẫn chưa có giải Nobel thì đuổi ông cũng không muộn. Năm 1980 ông đã từng được đề cử giải Nobel Vật Lý, nhưng mãi đến năm 2013 thì ông được chọn để trao giải Nobel. Thế là Đại học Edinburgh ra thông cáo báo chí ăn mừng, xem ông như là một Hoàng Nhân của đại học!

Năm 1999, ông được đề cử Huân chương cao nhứt của Hoàng gia Anh, nhưng ông khước từ. Ông cho biết ông không « mặn mà » gì với hệ thống tưởng thưởng của Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, năm 2012 ông nhận Huân chương Companion of Honour (viết tắt là CH). Người ta hỏi CH sau tên ông có nghĩa là gì, ông hài hước trả lời rằng ông là công dân danh dự của ... Thụy Sĩ. 

Hành trình khoa bảng của ông, như có thể thấy ở trên, là khá gập ghềnh. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông cứ lang thang qua các viện đại học, nhưng không có nơi nào ông trụ được dài hạn. Nhưng trớ trêu thay, trong thời gian lang thang đó, ông lại có một khám phá để đời dẫn đến giải Nobel (đó là Higgs Boson). Mãi đến năm 51 tuổi ông mới được đề bạt chức danh giáo sư. Bài học là không nên đánh giá một nhà khoa học qua mấy con số bài báo hay tần số trích dẫn, mà hãy đánh giá tầm ảnh hưởng và chất lượng nghiên cứu của họ.

Chất lượng cần thời gian và làm giảm số lượng. Trong thế giới hiện đại, những người theo đuổi chất lượng thường bị thiệt thòi vì những tổ chức đặt nặng các chỉ số định lượng (như KPI). Giáo sư Peter Higgs suýt là một nạn nhân của loại tổ chức chạy theo lượng hơn là phẩm.

NGUYỄN VĂN TUẤN 12.04.2024

[1] Higgs PW. (1964). Broken symmetries, massless particles and gauge fields. Physics Letters 12 (2): 132–201.

[2] Englert F, Brout R (1964). Broken Symmetry and the Mass of Gauge Vector Mesons. Physical Review Letters 13 (9): 321.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.