vendredi 12 avril 2024

Bông Lau - Sen đầm quốc tế

Ba ngư phủ thuộc sắc dân Micronesian Thái Bình Dương ra khơi đánh cá trong ngày lễ Phục Sinh. Họ là công dân của Liên bang Micronesia, là một quốc gia gồm 600 hải đảo rải rác trên 2.5 triệu cây số vuông ở giữa Philippines và Hawai.     

Các ngư phủ này đánh cá trên một chiếc ghe nhỏ mui trần có chiều dài khoảng 6 mét. Tuy nhiên sau một tuần lễ gia đình của họ bị mất liên lạc và không thấy họ trở về. Người thân của các ngư phủ này đã gọi cho giới chức Mỹ ở Guam để thông báo về sự mất tích của ba ngư phủ.

Ngày 6 tháng Tư, Bộ Chỉ Huy Hải Quân và Tuần Duyên Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đã phối hợp khai diễn một cuộc tìm kiếm và tiếp cứu các ngư phủ mất tích. Máy bay phản lực trinh sát P-8A từ căn cứ Kadena Air Base Okinawa, Japan đã bay tìm trên diện tích 103 ngàn dặm vuông.

Sau một ngày tìm kiếm, máy bay trinh sát đã tìm thấy trên bãi cát của một hòn đảo nhỏ hoang vắng có giòng chữ “H E L P” được sắp sếp bằng lá dừa. Có nghĩa là “xin giúp chúng tôi”. Hòn đảo nhỏ đó tên là Pikelot Atoll cách đảo Polowat Atoll nơi các ngư phủ cư ngụ trên 100 dặm.

Máy bay P-8A đã thả xuống mấy gói hàng “mưu sinh thoát hiểm” và báo cáo về bộ chỉ huy tọa độ của đảo Pikelot Atoll. Một ngày sau, máy bay HC-130 của Tuần Duyên Hoa Kỳ ở căn cứ Barbers Point Hawaii đã bay đến thả một máy vô tuyến để liên lạc với các ngư phủ. Các ngư phủ cho máy bay Tuần Duyên Mỹ biết sức khỏe của họ vẫn tốt, và mong muốn được về lại với gia đình ở đảo Polowat.

Nhưng sự kinh ngạc của các ngư phủ Micronesian chưa hết. Khi ca nô cấp cứu của Tuần Duyên Hoa Kỳ ủi bãi ở đảo Pikelot Atoll. Trung sĩ Eugene Halishlius của Tuần Duyên tiến lên đảo để gặp những người sống sót. Các ngư phủ đã há hốc miệng sửng sốt vì Trung sĩ Eugene Halishlius là một người Mỹ gốc Micronesian. Hai bên nói cùng một ngôn ngữ và hỏng cần thông dịch viên.

Đây không phải là một sự tình cờ mà một sự sắp đặt hoàn hảo. Thử hỏi nếu các ngư phủ kia bị thương tích trầm trọng mà nhân viên cấp cứu nói gà và nạn nhân nói zịt hỏng hiểu nhau thì tình trạng sẽ thêm nguy kịch. Hoa Kỳ là Hiệp Chủng Quốc, và khi muốn giao tế với dân tộc nào trên thế giới là luôn luôn có nhân viên am tường về văn hóa và ngôn ngữ để ứng phó.

Các ngư phủ sau đó cho biết họ đã sống sót trên đảo một tuần nhờ ăn cơm bên trong trái dừa, và uống nước từ một cái giếng hoang trên đảo. Họ cho biết động cơ của ghe bị hư và radio liên lạc hết pin. Những người mạo hiểm thích phiêu lưu phải ghi nhớ trước khi đi xa bằng xe hay ghe thuyền thì luôn luôn có đầy đủ lương khô cho nhiều ngày. Các pin cho máy liên lạc hay điện thoại phải đầy đủ và giới hạn khi sử dụng để tiết kiệm điện năng.

Chỉ huy trưởng Tuần Duyên Mỹ cho biết một chi tiết quan trọng mà 3 ngư phủ được được cứu sống là nhờ họ có sáng kiến dùng lá dừa sếp thành chữ H E L P.

Thiệt ra dùng đá, cây, lá dừa v.v…để sắp thành chữ H E L P hay chữ S. O. S vốn là dấu hiệu quốc tế rất thông dụng để các phi công và thuyền trưởng chú ý và tìm cách tiếp cứu. Tín hiệu morse của S. O. S là “tích tích tích – tè tè tè – tích tích tích”. Ban đêm dùng đèn pin chớp 3 nháy ngắn – 3 nháy dài – 3 nháy ngắn. Tần số cấp cứu của hàng không dân sự là 121.5 MHz của quân đội là 243.0 MHz.

Cuối cùng, thổ dân Thái Bình Dương Micronesian khi nguy ngập thì chỉ gọi Mỹ Đế chớ hỏng gọi Thiên Triều China, mặc dù China rất muốn làm chủ nhân ông Biển Đông. Danh xưng “Sen Đầm Quốc Tế” quả không ngoa. Ngay cả Vi Xi cũng thích ve vãn và đu càng Sen Đầm vì có nhiều quyền lợi và được bảo vệ.

BÔNG LAU 12.04.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.