mercredi 14 février 2024

Nguyễn Văn Tuấn - Nam Du du ký

 

Hôm nay, mồng Bốn Tết, tôi đi Nam Du. Sẵn dịp ghi lại đôi dòng để gọi là du ký.

Sáng 7 giờ khởi hành từ nhà ra bến tàu, mất khoảng 30 phút. Trên đường đi, xe cộ còn ít vì mới Mồng 4 Tết. Hai bên đường người ta treo cờ khắp nơi. Màu xanh của cây cỏ và những đốm đỏ có vẻ phản diện.

Bến tàu Rạch Giá mới 7 giờ rưỡi sáng nhưng rất bận rộn. Khách đi Phú Quốc và các đảo chung quanh đứng đầy ba bến tàu. Tiếng gọi nhau í ới cùng những tiễn đưa người thân trong bịn rịn, nhìn thấy cảnh này cũng nao lòng. Chợt nhớ những câu thơ của Nguyễn Bính:

Những cuộc chia lìa khởi tự đây,

Cây đàn sum họp đứt từng dây.

Những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc,

Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Những chiếc khăn mầu thổn thức bay,

Những bàn tay vẫy những bàn tay,

Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,

Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Xe cộ đưa và đón khách có vẻ chẳng có thứ tự gì cả. Có vài người gạ khách bán vé chợ đen - vấn nạn ngàn đời của hai chữ Việt Nam. Xem qua cái toilet thì thấy rất tiêu biểu ở đây, tức là … rất dơ.

Bảy giờ 45 phút sáng. Làm thủ tục boarding (lên tàu). Việc tổ chức khá bài bản và nhanh gọn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Chiếc tàu có hai tầng, chứa chừng 300 khách, và các hàng ghế đều đầy khách. Chẳng hiểu sao có vài người đã lên tàu mà không có ghế? Nhưng nhân viên cũng sắp xếp ok. Vui nhứt là họ dùng chữ “xử lý”. Chị ơi! Em đã xử lý ghế cho chị rồi nghen. Ừ, cám ơn em đã xử lý.

Tám giờ 10 phút tàu rời bến. Trễ 5 phút, nhưng cũng rất ok. Tàu khá sạch sẽ và an toàn. Nhân viên thân thiện. Phục vụ nói chung là tối thiểu. Không có hướng dẫn dùng áo phao. Có màn hình phát những bài nhạc có thể làm cho chúng ta nhức đầu. Mỗi hành khách được phát một chai nước hiệu Viva.

Khi khách ổn định, nhân viên tuyên bố mở khu boong tàu (phía sau) để khách muốn chụp hình hay ngắm cảnh. Không đầy 5 phút, nhiều khách chen nhau ra boong tàu, nhân viên hoảng hồn nói ‘Đầy rồi, bà con ơi!’

Biển gần Rạch Giá có rất nhiều rác trôi lềnh bềnh. Nhưng khi chạy ra khỏi Rạch Giá chừng 40 phút thì biển bắt đầu xanh và không còn rác.

Một điểm đáng khen là sóng internet bao phủ suốt hành trình từ Rạch Giá ra tận các đảo. Do đó, tôi có thể lướt mạng đọc tin trong lúc ngồi trên tàu. Nhiều website nước ngoài bị chận.

Mười giờ 20 phút tàu tới Nam Du. Mọi người chen nhau rời tàu trước. Không có trật tự gì hết, gần như hỗn loạn. Nhưng cuối cùng thì tất cả đều lên bờ an toàn và vui vẻ.

Trung tâm thương mại của Nam Du nằm sát bãi biển và bến tàu. Dọc theo con đường chánh là hàng quán và nhà nghỉ loại minihotel. Người ta bày bán đủ thứ ‘đặc sản’ địa phương, và dĩ nhiên là hải sản tươi. Những cô chủ quán đon đã mời khách uống ‘nước mía siêu sạch’, trà me, trà lipton, bia, và cả mấy loại thực phẩm được chiên ngay tại chỗ.

Ở đây, hình như ai cũng biết ai, và họ làm ‘business’ rất nhịp nhàng. Ngay cả xe honda đậu đầy đường mà không cần khoá vì không sợ bị ăn trộm. (Nếu có trộm thì tay trộm cũng chẳng thể nào đi đâu xa.)

Về Nam Du :

Trước 1975, ở đây có tên là hòn Củ Tron. Sau này trở thành Nam Du. Wiki cho biết Nam Du có lẽ xuất phát từ địa danh “Nam Dự" (南嶼, nghĩa là "đảo phía nam") do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ Nho giáo thời xưa.”

Nam Du thật ra là một quần thể hơn 20 đảo lớn nhỏ; mỗi đảo đều có một cái tên (dĩ nhiên). Người khám phá Nam Du là viên đại sứ Anh John Crawfurd. Trên đường đi sứ ở Xiêm La (Thái Lan) và Việt Nam ông phát hiện quần đảo Nam Du vào năm 1822, tức khoảng 200 năm trước.

Nhìn chung, Nam Du vẫn còn ‘hương đồng cỏ nội’, chớ không như Phú Quốc. Du khách có thể tới đây tắm biển mà không sợ có người nói ‘đó là biển của chúng tôi’. Du khách cũng có thể nằm ghế bố nghe sóng biển rì rào và thưởng thức gió mặn, để nghe ‘muối pha trong lòng’. Đến đây để ‘Tìm về Biển Đông / Tình yêu thành sóng Thái Bình Dương.’

PS: Có chuyện vui vui: một cặp vợ chồng vượt biển thời sau 1975, khi ra tới đây thì hai người quyết định định cư trên một đảo mà không đi Thái Lan. Sau này, họ trở thành một đại gia đình (một số từ đất liền ra) và được Nhà nước đồng ý cho làm chủ cái đảo.

NGUYỄN VĂN TUẤN 13.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.