Ngày Valentine năm nay 14/02/2024 trúng vào ngày mồng 5 Tết Giáp Thìn. Ngày mồng 5 Tết cũng là ngày kỷ niệm 235 năm vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi Đống Đa.
Cũng mồng 5 Tết Ất Mão năm 1975 cách đây 49 năm, hai vợ chồng tôi là cặp tình nhân thời chinh chiến đứng bên bờ sông Côn thuộc Phú Phong Bình Khê, Bình Định để vui chơicùng lễ hội. Đó là Tết cuối cùng trên người tôi còn mặc bộ quân phục của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trong tấm hình có thể thấy phia sau lưng hai vợ chồng tôi là dân chúng đang vô tư vui chơi trong ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa của Quang Trung Nguyễn Huệ. Nhìn kỹ thêm một chút sẽ thấy chiếc cầu bắc qua con sông Côn. Người dân địa phương ở đây gọi tên cầu là cầu Kiên Mỹ vì bên kia sông là ấp Kiên Mỹ của xã Bình Thành. Đó cũng là nơi ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghiệp dấy binh khởi nghĩa. Tính tới ngày hôm nay thì tấm hình đã được 49 năm.
Trong tấm hình phía dưới chụp năm 2023 cũng tại nơi xưa, nhưng phía sau lưng là chiếc cầu bắc qua sông Côn theo thời gian nay đã gãy sập. Khung cảnh vắng lạnh buồn tênh và hình ảnh một thời ấm áp của mùa xuân giờ chỉ còn là hồi niệm trong ký ức.
Năm 1973 khi tôi được thuyên chuyển về địa danh lịch sử này, ngày nào tôi cũng đều bước lên chiếc cầu để qua bên kia sông là nơi tôi có trách nhiệm gìn giữ an ninh. Là nơi khi tôi đến nhận nhiệm sở thì vẫn còn di tích của những bãi luyện quân của anh em nhà Nguyễn Huệ. Cảm tưởng của tôi lần đầu khi đứng trên những bãi gò đó nay thuộc ấp Phú Lạc xã Bình Thành Bình Khê Bình Định là xao xuyến. Là không ngờ có ngày chân tôi đứng trên những vùng đất mà thời còn đi học chỉ đọc trên sách sử.
Vùng đất này có nhà của cặp vợ chồng danh tướng Tây Sơn là Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu mà con cháu còn gìn giữ tới tận bây giờ. Trong thời chiến tranh tôi có nhiệm vụ giữ an ninh chung quanh đó. Những viên gạch bát tràng lót trên sân phía trước nhà nơi hai vợ chồng bà luyện võ qua thời gian gần 200 năm rong rêu phủ kín miếng còn miếng mất, là di tích của lịch sử khiến lòng tôi bồi hồi
Khi chụp hình này hai vợ chồng cũng như tất cả mọi người dân có mặt đang vui chơi trẩy hội, không ai nghĩ ba tháng sau đó thì bị nước mất nhà tan và cuộc đời thay đổi. Gần nửa thế kỷ trôi qua, cứ mỗi độ xuân về tôi vẫn bâng khuâng tự hỏi những người muôn năm cũ giờ đang thất lạc nơi đâu
Ngày Lễ Tình Nhân năm nay và đôi tình nhân năm xưa sau bao thăng trầm trong cuộc sống có sự thay đổi nhưng sự mê gái theo cua em trong ngần chừng ấy năm hình như vẫn còn nguyên. Mỗi lần ngẫm lại tôi thấy mình thiệt là gan dạ.
Trời sinh một cặp không lìa
Dính nhau cùng để nhân chia cộng trừ
Nhân đôi năm tháng còn như
Chia chung số mệnh kể từ trăng lên
Cộng thêm giường chiếu mùng mền
Trừ khi leo thác trèo ghềnh dìu nhau
Nhiều phen trở gió ấm đầu
Biết rằng trên trái địa cầu có em
Giờ đây hơn mấy chục năm
Từ em bỏ tuổi trăng rằm theo tôi
Sau bao cay đắng ngọt bùi
Vẫn còn bên cạnh nhau thôi khỉ già
Vẫn còn thịt thở trong da
Treo trăng lên đỉnh mái nhà soi chung
Vẫn em chia buổi sau cùng
Vẫn chăn chiếu ấm mền mùng đắp nhau
DƯƠNG CÔNG QUAN 14.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.