mercredi 14 février 2024

Thích Thanh Thắng - Bói Kiều

Mùng 3 Tết, có bạn nhắn tin hỏi: -Thưa thầy, thầy tin “bói Kiều” à?

Tôi hỏi vui: Thưa bạn, tin bói Kiều có “nguy hiểm” cho mùa Xuân này lắm không? - À không! - Tôi tin chứ. Tin vì truyện Kiều là một bức tranh quá đẹp để yêu và “bói” chỉ là cách yêu không giống với những người quá tỉnh, vậy thôi.

Bạn ấy hỏi tiếp: Tỉnh quá thì không yêu say đắm được đúng không thưa thầy? Tôi cười và hỏi lại bạn ấy: Bạn đã yêu ai và yêu điều gì say đắm mà thấy mình vẫn “tỉnh” không? Chúng tôi cùng cười, rồi thay đổi chủ đề và cảm ơn Xuân mới có thêm bạn mới.

Ở đời lòng người thâm sâu, dụng ý khó lường, có biết bao chuyện muốn “bói”, bói cũng chẳng ra.

Tranh luận chuyện gì thì đa phần vẫn “tá thánh hiền nhi lập ngôn” (mượn vào kinh điển, mượn vào uy danh của người khác để lập luận), nếu không thì lại tự dựng người rơm lên rồi tự hạ người rơm xuống và thấy mình cao vút như đỉnh Tu Di.

Khi phê phán ai đó thì dùng đủ từ miệt thị, đòi hòi người khác phải biết “đại nghĩa diệt thân”, nhưng đến khi bênh người thân mình, chủ soái mình, tông phái mình, lề mình, thì ôi thôi nước lũ cũng tràn Biển Đông chứ nào kém gì ai.

Một năm chỉ có một đêm bói Kiều thôi, nhưng tôi thầm cảm ơn ai đó ngày xưa đã “điên điên” nghĩ ra cách ấy, mở thêm một lối nhỏ cho truyện Kiều đi vào cuộc đời.

Lại nói, cái thưở chiến tranh hoang dã của loài người, cứ nhìn thấy kinh sách là đốt phá không thương tiếc. Nên mấy ông tổ sư mới thêm vào kinh những câu như, ai khinh chê, đốt phá kinh này thì đời đời bị cái này cái kia ; và ai trì tụng, viết chép, lưu bố kinh này thì được cái này cái kia ; dụng tâm nhằm cho nó tránh bớt sự đốt phá và được lưu truyền rộng rãi vậy thôi.

Cách thức lưu truyền mỗi nơi mỗi vẻ, đôi khi tốt với mình nhưng lại là mối bất an với người.

Số phận truyện Kiều cũng thăng trầm lắm, khi thì họ đồng hóa nó với “dâm thư”, bị lên án tiêu hủy, lúc lại là đỉnh cao của văn học dân tộc.

Tôi có thói quen, đi đâu cũng mang theo quyển truyện Kiều nhỏ. Tôi xem việc đọc hay bói Kiều (khấn và giở một câu nào đó ra để nghiệm) giống như đọc kinh hay đi thăm người thân và cần một bảng “chỉ dẫn đường” để không lạc lối tâm tình với cả người trần lẫn người âm vậy. Tôi nghĩ đôi khi ở đời chính từ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ấy mà bắt đầu cho hành trình hoàn thiện nhân cách.

Ở khía cạnh cá nhân, tôi thích truyện Kiều đi song hành với Văn chiêu hồn, vì chỉ khi ấy tôi mới cảm nhận đầy đủ thế nào là “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Truyện Kiều như một bức tranh, một bản tổng kết cuộc đời: Hồng nhan đa truân, tạo vật đố toàn…Trong đố kỵ, ghét ghen hỗn độn ấy mà người ta trải nghiệm thăng trầm, đi qua khổ ải.

Nhưng thật lạ, Văn chiêu hồn chẳng ghen ghét, đố kỵ với ai, chỉ còn một nỗi cảm thương cho mọi thân phận người. Tôi thích cả hai. Đọc, rồi đôi khi nghĩ đời ta chỉ như một hạt bụi bị hút vào những trang sách đầy tâm tư ấy của cụ Tố Như.

Tôi là một chúng sinh bị mê hoặc bởi những vùi dập khổ đau đã dựng thành khí tiết trung trinh đậm tính đạo người ấy. Có những con người như cụ Tiên Điền sinh ra đã phụng hiến đời mình cho ngôn ngữ, nên người ta xưng tán cụ rằng có con mắt nhìn suốt sáu cõi, có cái tâm thấu đến nghìn đời.

Tôi học người xưa gọi về ba mảnh hồn Từ Hải, Giác Duyên, Thúy Kiều vì bất giác nhận ra những linh thức có số phận như họ cũng lầm lũi, lẩn thẩn vào ra cuộc đời này, dù thiện ác có ngập tràn thì cái tôi vẫn chỉ hữu hạn.

Tự ngã của con người vốn tự cao tự đại, ưa vung múa, nhảy nhót cho đến khi thấm hết cái mệt của đời ngũ trược mới nhận ra khí lực không còn đủ để an nhiên như hoa tàn giữa Xuân được nữa.

Cái thần của cụ Tố Như là cảm thức bi ai về thân phận con người, hiểu được việc thiện ác ở đời mà vẫn tin yêu con người. Nhìn vào đau khổ bị vùi dập để nuôi dưỡng cảm thức bi ai ấy.

Đọc câu: “Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay” (truyện Kiều), thử hỏi có đủ tin yêu cho một mảnh đời không?

Rồi, “Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp/ Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa/ Ngẩn ngơ khi trở về già/ Ai chồng con nấy biết là cậy ai!” (Văn chiêu hồn), chỉ một chút lỡ làng ấy mà đẩy cuộc đời đi quá xa, thử hỏi có thương một phận người không?

Trước đây khi còn là sinh viên, tìm hiểu và yêu thích mảng truyện thơ Nôm, tôi từng ấn tượng với những lời khóc vợ tha thiết của Phạm Thái. Phạm Thái là một thầy tu xuất, trong đời có lúc ông từng phải thốt lên: “Ối nao ôi khổ tu hành. Biết Tây phương có dạng hình này không?”.

Ơ, “dạng hình” này là gì mà than dữ vậy trời? Mà thôi, than dữ vậy mà Phạm Thái vẫn có một người vợ để yêu hết mực, thì nhân gian này vẫn còn đẹp lắm chứ phải không?

THÍCH THANH THẮNG 14.02.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.