dimanche 11 février 2024

Nguyễn Thông - Tết, lại nhớ xuân Mậu Thân (1)

 

Đời người, có những thứ, dù không phải của riêng mình, nhưng không thể quên, không bao giờ quên. Tết Mậu Thân 1968 là dạng vậy.

Tại đang ngày Tết, hôm nay mùng 2 Tết Giáp Thìn 2024, nên cái ký ức muốn đào sâu chôn chặt, vùi nó cho quên đi, lại thò ra. Đã 56 năm, gần một đời người theo chuẩn “lục thập hoa giáp”, tôi vẫn còn nhớ những gì liên quan tới nó, dù khi ấy mình còn hơi be bé.

Năm 1968, tôi đang học lớp 7 (hệ 10 năm). Đã biết làm văn nghị luận. Thầy giáo văn Ngô Minh Phất chuyên dạy văn lớp 7 trường cấp 2 Thụy Hương, cứ mỗi năm có thơ cụ Hồ chúc Tết lại lấy bài đó bắt học trò làm bài phân tích tác phẩm hoặc bình giảng.

Cụ Hồ có thói quen làm thơ chúc Tết, kể từ thời chống Pháp chứ chẳng phải chỉ sau này. Đó là các năm Bính Tuất 1946, Đinh Hợi 1947, Mậu Tý 1948, Kỷ Sửu 1949, Canh Dần 1950, Tân Mão 1951, Nhâm Thìn 1952, Quý Tỵ 1953, Giáp Ngọ 1954. Khi hòa bình và chiến tranh Bắc - Nam, vẫn có, như Bính Thân 1956, Kỷ Hợi 1959, Canh Tý 1960, Tân Sửu 1961, Nhâm Dần 1962, Giáp Thìn 1964, Ất Tỵ 1965, Bính Ngọ 1966, Đinh Mùi 1967, Mậu Thân 1968, và Kỷ Dậu 1969.

Có nhiều công trình tìm hiểu, nghiên cứu, ca ngợi thơ chúc Tết của cụ Hồ. Thôi thì ăn cơm chúa múa tối ngày, không có gì lạ. Chứ nói thẳng nói thật, thì nó chỉ là dạng vần vè, nôm na, nhỉnh hơn khẩu hiệu tí ti. Chính cụ tác giả cũng từng thừa nhận trong bài chúc Tết năm Giáp Thìn 1964 “Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”, chứ không phải tôi bịa, cố ý hạ thấp.

Người khác mà viết “thơ” vậy, có khi bị các nhà phê bình dạng Như Phong, Hoài Thanh, Hà Xuân Trường, hoặc các nhà thơ chuyên nghiệp như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu nện tơi tả, chết chứ đùa. Thực ra, bài năm 1964 này có thể coi là bài hay nhất trong đám “thơ chúc Tết” của cụ, mà nhiều người biết, trong đó có mấy câu “Bắc Nam như cội với cành/Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/Rồi đây thống nhất thành công/Bắc Nam ta sẽ về trong một nhà” (cũng có bản chép "Bắc Nam ta lại vui trong một nhà").

Về sau thì tôi hiểu, một phần ông cụ thích làm thơ, nên chúc Tết cũng ra vẻ thơ phú tí cho nó văn nghệ, một phần ở cương vị ấy, được giao trách nhiệm rồi, buộc phải có vài lời trước quốc dân đồng bào, chứ có khi không thích lắm. Bằng chứng là một số năm không có thơ chúc Tết, ví dụ năm 1955, Tết Ất Mùi, lại chính là cái năm bu tôi đẻ ra tôi.

Trong di sản thơ chúc Tết của cụ Hồ, người ta nhớ nhất, thuộc nhất ba bài cụ viết ba năm cuối đời, Tết các năm 1967, 1968, 1969, trong đó đáng lưu ý bài chúc Tết-thơ xuân Mậu Thân 1968.

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 11.02.2024

Một số bình luận phía dưới bài :

Hoang Thang Bui : Tôi sinh năm Bính Thân. Kém bác 1 năm. Và tôi sinh ra lớn lên ở miền Nam. Không biết ông Hồ làm thơ thế nào mà tết Mậu Thân 1968 dân miền Nam được một phen kinh hoàng. Chẳng có nhân dân bị kềm kẹp nào nổi dậy, chỉ thấy xác người chết, thành thị nông thôn đang trù phú bị tàn phá tan hoang. Cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh ở giữa có sao vàng treo ở đâu là ở đó dân nhốn nháo chạy trốn còn hơn trốn hủi... Một quá khứ đau buồn.

Hoàng Phụng : Nhớ đến tôi thấy rùng mình, đêm 30 tiếng súng vang lên suốt đêm, 6 giờ sáng tôi đạp xe đến La Vang Quảng Trị thì thấy hơn 300 bộ đội hy sinh, thật quá khủng khiếp !

Mai Bui Thanh : Quãng những năm 1967, 1968, đói khổ, thiếu thốn, máy bay Mỹ... Đám học sinh 1415 tuổi, tuổi vô tư nhất mà cũng thấy mệt mỏi. Rồi chẳng biết từ đâu, truyền nhau câu : "Mười phần chết bảy còn ba, Chết hai còn một mới ra thái bình". Lại có người lớn cầm ngược cái vỏ bao thuốc lá vì tin đồn hình vẽ trên vỏ bao giống cái dây treo cổ (nay nghĩ lại, đấy là thời điểm "xét lại", một loạt các nhà văn bị tù đày, có thể dân biết tin bay khắp nơi).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.