dimanche 11 février 2024

Nguyễn Thông - Chuyện hộp mứt Tết (1)

Những ai sống ở miền Bắc từ nửa cuối thập niên 50 tới hết thập niên 80 chắc khó quên hộp mứt Tết.

Nó là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của đời sống miền Bắc sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, đi theo đường lối cộng sản, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nó được sinh ra từ nền kinh tế tập trung, nhà nước quản lý toàn bộ mọi hoạt động, từ sản xuất tới phân phối, tiêu dùng. Người đời gọi bằng cái tên ngắn gọn: Thời bao cấp.

Gần giữa năm 1977 tôi vào nhận việc ở Sài Gòn. Ăn cái Tết đầu tiên đất phương nam, Tết Mậu Ngọ 1978. Lại thấy hộp mứt Tết giống như hồi mình còn ngoài kia. Cứ nghĩ rằng trong này làm gì có. Hỏi các thầy cô lưu dung dạy cùng trường, rằng miền Nam trước kia có hộp mứt Tết không. Các thầy cười, làm gì có, bánh trái ê hề, trăm nghìn loại, đủ kiểu sang trọng, đâu cần hộp mứt bình dân ấy làm chi. “Nhưng giờ thì có, do cộng sản nhà các anh đem vào”, thầy Hảo cười tủm tỉm.

Khi tôi còn bé, thập niên 60, mỗi lần Tết Nguyên đán, nhà tôi lại được phát cái phiếu mua hàng Tết, trong đó có hộp mứt. Nó chả nhiều nhặn, quý giá gì, nhưng hình ảnh hộp mứt đặc trưng của Tết xã hội chủ nghĩa đã ăn đậm vào óc, cứ nhớ tới nó lại hiện lên thời đói nghèo, thiếu thốn, vất vả.

Hộp mứt Tết có hai loại to nhỏ, tùy theo trọng lượng. Hộp to cho hộ gia đình nhiều người (hình như 4 người trở lên), hộp nhỏ cho nhà ít người. Nhà nước giải thích đó là sự phân phối công bằng trong hoàn cảnh thiếu thốn. Ông Hồ Chí Minh từng bảo “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.

Gọi là “hộp to” nhưng ruột của nó cũng chỉ 500 gam, tức nửa ký. Để dễ hình dung, ta cứ cầm gói đường Biên Hòa 1 kg thì biết hộp mứt ấy nặng bằng một nửa. Hộp to hình vuông, mỗi cạnh một gang tay. Suốt bao nhiêu năm, tôi chỉ thấy nó cùng một kiểu dáng, màu mè, cách trang trí. “Mặt tiền” (phía trên hộp) giấy màu, bao trùm là cành đào với những bông hoa màu hồng trên cành xù xì quăn queo màu nâu. Có hàng chữ “Chúc mừng năm mới”. Năm nào cũng như năm nào nên nhà sản xuất không cần đề năm cụ thể.

Mứt Tết ở Hải Phòng đề trên vỏ hộp Xí nghiệp Bánh kẹo Hải Phòng (sản xuất), còn ở Hà Nội là Xí nghiệp bánh kẹo Hà Nội. Tôi không biết những tỉnh lẻ khác có nhà máy dạng ấy? Nhà máy của nhà nước, trong năm nó làm bánh kẹo, tới Tết làm thêm sản phẩm hộp mứt Tết.

Hộp nhỏ cũng dáng vẻ, chữ nghĩa, màu sắc tương tự, chỉ có điều hình chữ nhật, ruột 250 gam. Giời ạ, một phần tư ký mứt theo chế độ phân phối, cả năm chỉ phân cho một lần “để nhân dân vui vẻ đón Tết cổ truyền”. Dân gian thời đó lưu truyền câu “Phân thì như c*t, cái c*t gì cũng phân”. 

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 10.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.