dimanche 11 février 2024

Nguyễn Thông - Chuyện hộp mứt Tết (2)

 

Hóa ra có rất nhiều người bị ám ảnh bởi hộp mứt Tết thời phân phối ở miền Bắc.

Bằng chứng là nhà cháu sợ đưa bài dài thì mọi người ngại đọc nên cắt sang kỳ sau việc kể tỉ mỉ về ruột hộp. Thế là các cụ ông cụ bà có lẽ cùng độ tuổi “Đỗ Phủ” tranh nhau phanh phui trong nó gồm những gì những gì.

Thật đúng là, sung sướng thì dễ quên, chứ sự nghèo khó thiếu thốn nó bám chặt, chắc khừ trong não rồi, khó tẩy khó quên lắm.

Nói túm lại thế này, dù hộp lớn nửa ký (500 gam) hay hộp nhỏ 1/4 ký (250 gam) thì ruột cũng mấy món sau đây. Gọi là mứt chứ không hẳn mứt. Đó là một bọc láo nháo gồm kẹo trứng chim (kẹo bi), mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt gừng, mứt dừa, trong đó kẹo trứng chim làm chủ lực. Có Tết nhà sản xuất thêm cả mứt khoai lang, lại có năm thêm hai quả táo tàu hoặc quả hồng khô.

Bây giờ nghe liệt kê cái danh sách này, tụi trẻ bĩu môi khinh khỉnh, nhưng đối với đám chúng tôi hồi đó thì là nỗi khao khát, thèm thuồng. Ít nhất nó cũng chứng minh được cuộc sống đã vận động và phát triển. Cũng giống như những người yêu chế độ thường so sánh so với thời trước năm 1945 nông thôn ngày nay đã có bao nhiêu phần trăm nhà ngói.

Kẹo trứng chim, đúng như tên gọi, to và trắng đục giống trứng con chim sẻ. Nó là hột lạc (đậu phộng) rang lên, còn nguyên vỏ, bọc bằng lớp đường mịn bên ngoài. Đồng chí này rắn, chỉ răng trẻ con mới nhá được. Nửa phần ruột hộp còn lại là mứt bí, mứt dừa, mứt gừng.

Năm nào có hai quả táo tàu thì ưu tiên dành cho người già, kính lão đắc thọ. Thời ấy, táo tàu là của hiếm, cực hiếm, chỉ những hiệu đông y mới có. Tôi vẫn nhớ mỗi lần bu tôi bệnh, thày tôi lại lên huyện cắt vài thang về sắc. Chiếc ấm đất đun thang thuốc tới nát mềm nhưng mỗi lần đổ bã, anh em tôi lại tranh nhau xác táo tàu và cam thảo. Nó chẳng còn béo bổ gì nhưng vẫn cảm thấy ngon bởi nó là táo tàu, của hiếm.

Thời bao cấp, không có hộp mứt Tết thì bàn thờ cúng tổ tiên ông bà đầu năm dường như còn thiếu thiếu. Nó thường nằm trang trọng chính giữa, trên nải chuối đặt ở mâm bồng. Hộp mứt được nhà nước phân phối ấy, như một thứ tiêu chuẩn để đánh giá sự quan tâm của nhà nước với dân chúng. Dường như nhà nào cũng để chưng tới hết mùng, sau đó mới xin tổ tiên cho hưởng lộc. Có những hộp, do làm đã lâu (bây giờ gọi là hết đát) mứt bị chảy nước hoặc mốc đành phải bỏ, tiếc lắm.

Đã đành thời bao cấp thứ gì cũng thiếu, kể cả những nguyên liệu để làm mứt, nhất là đường, nhưng tệ nhất là nhà nước chỉ cho phép xí nghiệp quốc doanh làm ra sản phẩm, chứ tư nhân cá thể mà sản xuất thì bị chặn bắt. Không chỉ mứt, các loại bánh kẹo khác cũng vậy. Nếu làm chui, bị phát hiện, chính quyền sẽ phạt, sẽ vặn vẹo đường lấy từ đâu, bột từ đâu, ai cho phép… Những nhà làm bánh quy gai xốp ở ngoài phố đều phải làm chui, mãi tới cuối thập niên 80 mới được “danh chính ngôn thuận”. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mọi việc vi phạm tới quyền hành của nhà nước đều có tội.

Nói tới bánh quy, tôi lại sực nhớ bài đồng dao hồi bé. Nó kể một ông bố đưa con về quê ăn Tết. Hát rằng “Bố con mình dắt nhau về quê/Đi đến bến ô tô nhỡ tàu/Con ơi con khóc làm chi/Bố mua cho cái bích quy, con cười”. Cái bánh bích quy bé tí cũng đủ đem lại niềm vui cho đứa trẻ nghèo. Có lần tôi thắc mắc (bé tí đã biết thắc mắc), sao tới bến ô tô mà lại nhỡ tàu. Ông anh tôi cười bảo, chả sao sất, ngay nhà thơ Xuân Diệu viết “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”, tàu biến thành thuyền mà có sao đâu, lại còn được nức nở ca ngợi đấy thây.

NGUYỄN THÔNG 11.02.2024

Nguyễn Thông - Chuyện hộp mứt Tết (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.