Mùng 4 hàng năm, mẹ tôi thường cúng đưa ông bà - Tuyên bố hết Tết, nghĩa là mấy chị em tôi có phạm lỗi gì thì hết được cho qua vì Tết.
Bữa cơm trưa mùng 4 Tết cũng ấm áp không thua bữa cơm 30 Tết. Chỉ khác là một đằng háo hức vào Tết, một đằng tiếc nuối chia tay Tết.
Những năm sau này, các gia đình nhỏ thường đi du lịch nên bữa cơm mùng 4 không còn đầy đủ các thành viên như xưa, nhưng không khí vui tươi đầm ấm vẫn mãi trong ký ức tôi. Có lẽ đó là sợi dây mềm mại buộc chặt trái tim tôi với gia đình.
Cho nên, tôi rất xót xa trước những người ăn Tết xa gia đình. Thời sinh viên tôi thường xuyên chứng kiến các bạn khóc nấc lên trong đêm giao thừa, ôm nhau mà khóc rồi tự an ủi nhau, rồi cười như điên cho qua những ngày Tết.
Hôm đi quay "Câu chuyện bên những dòng kênh", nghe các chiến sĩ bộ đội biên phòng trẻ tuổi nói 10 năm chưa về ăn Tết với mẹ cha, còn cả ba sĩ quan thì 30 năm chỉ có hai lần về ăn Tết với gia đình. Trước sự thảng thốt của chúng tôi, các anh nói “quen rồi”, “cả cha mẹ vợ con cũng quen rồi”. Chữ “quen rồi” thốt ra sao nhẹ tênh mà làm chúng tôi rớt nước mắt!
Năm nay, bao nhiêu người công nhân không thể về quê ăn Tết vì không đủ tiền tàu xe cho cả gia đình? Khi nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp giảm nhiều, thì liệu có cần trưng dụng các công ty nhà nước là hàng không, xe lửa, xe đò bán vé theo giá gia đình không?
Tôi thấy truyền thông đưa tin Vietnam Airlines có chuyến bay hỗ trợ sinh viên và người nghèo. Hy vọng Vietnam Airlines mở rộng thực hiện việc này lâu dài, đây chính là cách xử lý tai tiếng vụ chuyến bay giải cứu thời Covid tốt nhất. Cũng có thể cho một số chỗ trên tất cả các chuyến bay chứ không chỉ tập trung vô một chuyến. Mong lắm thay!
NGUYỄN MỸ KHANH 13.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.